ClockThứ Hai, 16/08/2021 12:07

Không chủ quan trước biến chủng Delta

TTH - Biến thể Delta là 1 trong 4 biến chủng virus Corona được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá thuộc nhóm đáng lo ngại hiện nay. Để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, mỗi người dân đều phải nghiêm túc tuân thủ 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tuân các quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch của chính quyền địa phương các cấp và tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi có cơ hội.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người có nguy cơ lây nhiễm cao. Ảnh: MCX

Chủ quan = trả giá

Ngày Quốc khánh Mỹ 4/7, mùa du lịch ở thị trấn nhỏ ấy bắt đầu bùng nổ. Các nhà hàng được đặt kín chỗ, bầu không khí vui vẻ lan tỏa. Tuy vậy, chỉ 5 ngày sau, người ta đã ghi nhận 2 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 mới. Một tuần sau đó, mỗi ngày có từ 50 đến 100 ca được phát hiện, đều có nguồn gốc từ các ổ dịch bùng phát do tụ tập đông người. Đồng thời là một thực tế lo ngại: Hầu hết người có kết quả xét nghiệm dương tính đều đã tiêm phòng. Và chính sự bùng phát ổ dịch COVID-19 tại thị trấn là lý do chính để Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến cáo người dân đeo khẩu trang trở lại.

Biến thể Delta xuất hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, sau đó đã lan sang hơn 80 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo WHO, biến thể Delta có khả năng lây truyền mạnh so với các biến thể khác, là biến thể nguy hiểm nhất trong số 4 biến thể virus Corona mới được phát hiện. Đây cũng là chủng SARS-CoV-2 đang gây ra làn sóng lây lan trên diện rộng tại TP.Hồ Chí Minh.

Dễ bỏ qua triệu chứng

Theo các chuyên gia y tế, những triệu chứng thường gặp ở người bệnh mắc biến chủng Delta là: đau đầu, đau họng và sổ mũi. Những biểu hiện này cũng có sự khác biệt đối với từng nhóm đối tượng đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Nhóm người bệnh chưa tiêm vaccine thường gặp các triệu chứng như đau đầu, đau họng, sổ mũi, sốt, ho dai dẳng. Nhóm chỉ mới tiêm 1 liều vaccine COVID-19 có những triệu chứng phổ biến là đau đầu, sổ mũi, đau họng, hắt xì, ho dai dẳng. Nhóm đã chủng ngừa đầy đủ vaccine khi mắc bệnh thường có những dấu hiệu bao gồm: đau đầu, sổ mũi, hắt xì, đau họng, mất khứu giác. Đáng chú ý, những biểu hiện lâm sàng do biến chủng Delta gây ra rất dễ gây nhầm lẫn với bệnh cảm lạnh thông thường, khiến nhiều người chủ quan bỏ qua, làm tăng nguy cơ biến chứng hoặc tử vong ở người bệnh.

WHO đánh giá biến chủng Delta là một biến thể mới, đặc biệt nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh chóng. Không chỉ vậy, biến chủng mới này còn làm gia tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện của bệnh nhân COVID-19 so với các biến chủng khác.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người có nguy cơ lây nhiễm cao. Ảnh: T.Thảo

Hạn chế hành vi có nguy cơ

Theo GS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, biến thể Alpha có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 70% so với các biến thể cũ. Trong khi đó, biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm nhiều hơn 40-60% so với biến chủng Alpha. Tại khu vực phía Nam, đã ghi nhận 1 số trường hợp có dấu hiệu hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc phơi nhiễm với người mắc COVID-19. PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cũng nhấn mạnh, biến thể Delta lây lan rất mạnh trong môi trường kín, điều hòa. Điều này có thể thấy rõ ở những ổ dịch trong nhà máy, khu công nghiệp, quán bar hay phòng karaoke…”.

Để phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, ngày 13/8, Bộ TT&TT đã có văn bản số 3082/BTTTT-CBC gửi các Sở TT&TT; các cơ quan báo chí; tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội về việc tăng cường hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, đề nghị các đơn vị liên quan tuyên truyền sinh động về thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế); cập nhật các hướng dẫn, quy định của ngành y tế, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng dẫn, kêu gọi người dân xây dựng các hành vi, thói quen, kỹ năng mới phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền việc tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội; tuân thủ hướng dẫn, cập nhật các quy định về cách ly y tế các trường hợp F0, F1...; hướng dẫn thông tin tiêm vắc xin phòng COVID-19 và lợi ích của việc tiêm chủng…

Việt Nam đã ghi nhận 265.464 ca nhiễm; trong đó, 96.985 người khỏi bệnh và có 5.437 ca tử vong. Riêng số ca nhiễm kể từ ngày 27/4 đến nay là 261.463 trường hợp. Trong nước, 3 địa phương có số ca nhiễm cao nhất là TP. Hồ Chí Minh (144.770), Bình Dương (41.621) và Đồng Nai (13.070).

Trên thế giới tính đến 14h30 ngày 15/8, ghi nhận 207.542.156 ca nhiễm, số ca tử vong là 4.367.391 ca. Quốc gia số ca nhiễm nhiều nhất là Mỹ với 37.435.835 ca nhiểm, trong đó có 637.439 ca tử vong; Ấn Độ có 32.192.576 ca nhiễm, ghi nhận 431.253 ca tử vong. Ở Đông Nam Á, Indonesia vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất là 3.833.542 ca nhiễm, 116.366 ca tử vong; tiếp đến là Philippines 1.727.321 ca nhiễm, 30.070 ca tử vong; Malaysia có 1.384.353 ca nhiễm và 12.228 ca tử vong…

ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ

Rất nhiều bậc cha mẹ khi trông giữ con nhỏ vẫn còn lơ là, chủ quan, thiếu quan sát. Điều này tiềm ẩn nhiều vấn đề bất trắc có thể xảy ra mà không thể lường trước.

Không nên lơ là, chủ quan với con trẻ
Đừng chủ quan với mưa bão

Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn có người chủ quan với mưa bão, nhất là sau những trận mưa bão đi qua. Ở đâu đó, vẫn có những hậu quả đau lòng, những thiệt hại không đáng có.

Đừng chủ quan với mưa bão
Đừng chủ quan trước và sau bão, lũ

Bão số 4 và các đợt mưa lớn đã đi qua nhưng người dân không nên chủ quan trong các hoạt động sản xuất, đi lại, nhất là đánh bắt thủy, hải sản trên biển, trên sông và đầm phá.

Đừng chủ quan trước và sau bão, lũ

TIN MỚI

Return to top