ClockThứ Bảy, 23/10/2010 20:26

Ai nên tập Yoga ?

TTH - Yoga là một trong những môn tập luyện được nhiều người yêu thích, nhất là những người trung tuổi trở lên. Tuy nhiên, tập yoga thế nào để đạt hiệu quả tốt vẫn là yếu tố tất cả mọi người cùng quan tâm.

Nhanh nhẹn hoạt bát hơn

Bà Đào Thị Hiền, 62 tuổi, tập yoga được gần 4 năm cho biết: "Trước khi tập yoga, tôi bị đau lưng, khi đi lại phải có người dìu hai bên. Dù đã điều trị bằng một số phương pháp đông y nhưng bệnh không khỏi. Khi tham gia tập yoga một thời gian, lưng tôi giảm đau, ngủ sâu hơn và đến bây giờ sức khỏe rất tốt". Theo bà Hiền, tập Yoga cần nhất là kiên trì và đam mê. Lúc đầu tập cũng oải lắm vì những động tác vặn, xoắn là thách thức lớn với những người nặng tới 70kg như bà. Với sự giúp đỡ của hướng dẫn viên, người quan trọng nhất là nhận thấy sức khỏe chuyển biến tích cực sau khi luyện tập đã giúp bà kiên trì theo đuổi môn này. Đến nay, nhiều động tác khó như làm bánh xe, trồng cây chuối bà đều thực hiện được. Hàng trăm người khác sau khi tập luyện yoga đều có tâm trạng như bà Hiền. Yoga thực sự làm cho người tập khỏe khoắn hơn, tác động tốt tới các bệnh mạn tính như đau đầu, đau lưng, ngủ chập chờn...
 

Động tác vặn người.

Vậy Yoga có tác động tới cơ thể như thế nào? Yoga bao gồm các động tác cúi gập, vặn xoắn. Những động tác này sẽ tác động đến cơ, khớp, dây chằng làm cho các cơ quan này mạnh lên, dẻo dai hơn, đồng thời nó cũng giúp quá trình lưu thông máu huyết trong cơ thể tốt hơn. Ngoài ra, những động tác yoga chậm rãi, kết hợp với thở sâu sẽ giúp người tập điềm tĩnh, giảm stress. Tập yoga cũng giúp cơ thể có thân nhiệt ổn định, ít bị ảnh hưởng từ tác động của thời tiết, do đó sức khỏe sẽ tốt.

Tập thế nào cho hiệu quả?
 
Để tập yoga có hiệu quả cần một số yếu tố như: thực sự muốn tập, kiên trì theo đuổi, theo một khóa học ngắn để có những kỹ năng cần thiết. Theo hướng dẫn viên Đặng Kim Toàn (hay môn đệ yoga gọi là Dada), Chủ nhiệm Câu lạc bộ yoga Hải Phòng, có rất nhiều bạn trẻ đến tập tại trung tâm nhưng sau đó bỏ cuộc. Những người trụ lại tuổi thường từ trung niên trở lên. Đây là lứa tuổi dễ gặp rắc rối về sức khỏe vì thế họ có động lực hơn. Ngoài yếu tố ham mê, người tập cũng cần có sự hướng dẫn bài bản để bắt đầu luyện tập. Anh Toàn cho biết, mọi người có thể tự tập yoga bằng video hoặc sách hướng dẫn. Tuy nhiên chỉ nên chọn 1 cuốn để thực hành theo, tránh đọc nhiều dẫn đến không biết nên bắt đầu từ đâu. Cuốn sách tự tập yoga phổ biến nhất là "Yoga toàn tập". Tốt hơn cả là nên bắt đầu tại một trung tâm dạy yoga. Học ở đây, bạn vừa có người hướng dẫn, vừa có thêm bạn bè động viên. Để có kiến thức bài bản, người học chỉ cần tham gia 3 tháng tại trung tâm, sau đó có thể tự tập luyện tại gia đình. Dù tập ở nhà hay ở trung tâm, người mới tập cũng chỉ nên tập 3 buổi/ tuần để cơ thể thích nghi dần với môn tập mới. Tùy thuộc vào sự thích nghi và khả năng của người tập mà nâng dần số buổi tập trong tuần. Thời gian tập tốt nhất là vào sáng sớm. Nếu không có điều kiện tập lúc sáng sớm, người tập nên tập sau bữa ăn khoảng 2 giờ đồng hồ. Trình tự của buổi tập là khởi động làm ấm cơ thể, khởi động bằng những động tác yoga, luyện tập yoga và cuối cùng làm nằm thư giãn trong thư thế xác chết. Những người từ 18 tuổi trở lên nếu sức khỏe cho phép đều có thể tập yoga. Tuổi lý tưởng nhất để tập môn này là từ 30 trở lên, nhất là đối với những người làm công việc văn phòng, ngồi, đứng lâu ở một vị trí... Trẻ em dưới 18 tuổi không nên tập yoga vì nó làm các em trầm tính, ít linh hoạt.
 

Động tác trồng cây chuối không phải ai cũng thực hiện được.

Những chú ý khi tập yoga: theo Dada Toàn, trong quá trình tập cần lưu ý một số điểm quan trọng sau. Thứ nhất là không uống nước trong quá trình tập luyện. Khi đang tập thân nhiệt tăng cao, giúp tinh thần hưng phấn, đồng thời giúp mạch máu nở ra, đẩy máu huyết lưu thông khắp cơ thể, lỗ chân lông cũng giãn nở để đẩy chất độc ra ngoài. Uống một cốc nước, nhất là nước lạnh sẽ làm mạch máu co lại, lỗ chân lông co khít lại gây nguy hiểm cho người tập. Hơn nữa, trong quá trình tập luyện, các cơ đang săn lại, nếu uống nước sẽ làm các cơ nhão ra. Quá trình luyện tập sẽ vô nghĩa. Sau khi tập xong, cơ thể mất khá nhiều nước và muối khoáng trong cơ thể, vì thế có thể bổ sung cho cơ thể một cốc nước muối sinh lý, có thêm một chút đường thì càng tốt. Dù yoga là môn tập khá nhẹ nhàng nhưng vẫn có những động tác nguy hiểm với một số trường hợp. Chẳng hạn động tác bánh xe, trồng cây chuối không tốt cho người tăng huyết áp, các động tác vặn, xoắn dồn nhiều lực vào khoang bụng và dạ dày, do đó có thể gây chảy máu với các trường hợp dạ dày đang có sẵn tổn thương... Phụ nữ tránh tập yoga trong thời gian kinh nguyệt. Dada Toàn đặc biệt lưu ý, mọi người không được áp dụng yoga như một phương thuốc chữa bệnh. Yoga có tác dụng tốt với các bệnh mãn tính nhưng vô hiệu với các bệnh cấp tính. Khi bị những cơn đau cấp như chảy máu dạ dày, tăng huyết áp, nhồi máu não... phải khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế để điều trị để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra.

Theo SK&ĐS

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

Can thiệp điều trị rối loạn nhịp, can thiệp mạch vành, bệnh tim bẩm sinh bằng dụng cụ, can thiệp điều trị suy tĩnh mạch... là một trong những kỹ thuật chuyên sâu được Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai thường quy trong thời gian vừa qua, đem đến cơ hội điều trị khỏi bệnh cho những người bệnh mắc các bệnh lý tim mạch, mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Phát triển nhiều kỹ thuật chuyên sâu điều trị tim mạch

TIN MỚI

Return to top