ClockChủ Nhật, 07/11/2021 20:52

Trường Tiền trong sương mai

Mùa hương...Giữa núi rừng xanh thẳm

Huế đã vào mùa sương. Đó là lúc dạo bước trên cầu Trường Tiền, nhận ra phố đang mơ màng chìm trong sương mai bồng bềnh dịu ngọt. Đứng trên cầu, nhìn sương trắng giăng kín dòng sông, rồi lắc lư chao nghiêng theo từng tiếng mái chèo gõ nhịp của ngư phủ. Sương trắng vờn quanh giữa cỏ cây trong công viên xanh mướt, bồng bềnh níu kéo từng bước chân qua. Thấy phố dường như chậm lại giữa những mờ sương ảo ảnh, đẹp tựa bức tranh.

Chiếc xích lô chở gánh bún nóng hổi của bà cụ chậm rãi qua cầu. Dáng hình người đàn ông gò lưng vượt lên dốc cầu, như khắc vào sương sớm. Gió từ sông thổi lên khiến tàn lửa từ lò than lòa xòa bay tròn trong gió, vẽ nên một bông hoa đỏ rực giữa màn sương mờ mờ. Có người chạy theo chiếc xích lô, lách tách bấm máy. Giọng nói mềm nhẹ như sương sớm: “Huế mờ sương thật đẹp”. Lời khen ngợi của một người không quen biết, chẳng hiểu sao lại khiến ai đó tự hào.

Trời chưa sáng tỏ nên những gánh rau tranh thủ đặt xuống múi cầu. Rau trái, hoa quả và cả những bó hoa tươi rói được giở ra. Những người đi tập thể dục về, ghé lại mua đôi ba thứ. Để rồi khi mặt trời lên, phố xá trở về với vẻ nhộn nhịp vốn có, những gánh hàng ấy sẽ nhanh chóng hòa vào dòng người trên phố, len lỏi giữa những ngõ nhỏ mưu sinh, trả lại vỉa hè vẹn nguyên thông thoáng.

Mình đã dừng thật lâu, chỉ để nhìn bà cụ đang ngồi tỉ mẩn lặt rau nơi chân cầu. Quang gánh lỏng lẻo chỉ vài thứ rau trái. Sương trắng ẩm ướt về đậu trên mái tóc điểm bạc của bà. Hạt sương lành lạnh rớt xuống, thấm ướt cả vạt áo trên vai. Không dưng mà thấy nhớ mẹ ở quê nhà. Nơi đó, mẹ cũng từng tần tảo một nắng hai sương. Đôi quang gánh cũng từng đè nặng trên vai như thế chỉ để mấy đứa con được đến trường.

Nhớ những sớm mai theo mẹ ra chợ quê. Con đường làng cũng bồng bềnh phủ đầy sương trắng. Mình níu tay mẹ, đạp trên con đường lạo xạo sỏi đá ẩm ướt hơi sương. Chuyến đò quê cũng xuyên qua màn sương trắng mướt để về bên kia chợ. Trong mờ mịt sương khói của sớm mai lành lạnh, là tiếng vọng lao xao từ kẻ chợ. Cái thứ âm thanh rộn rã nơi chợ búa ấy, chẳng hiểu sao lại khiến người ta cảm thấy bình yên chi lạ. Giống như khi mình đứng trên cầu Trường Tiền, nhìn con đường Chương Dương ngoằn nghèo chạy dọc mé sông, nghe tiếng vọng lao xao mua bán, vậy mà cứ tưởng như đang ở quê nhà.

Mình đã thấy người thanh niên đang chạy bộ qua cầu, đã vội vã dừng lại để giúp người phụ nữ nhặt lại đám rau trái vừa đổ xuống đường. Sợi dây buột bung ra khiến mớ rau, củ phía sau rớt tung tóe. Chị ở rất xa, từ phía trên kia thượng nguồn. 3 giờ sáng đã cọc cạch đạp xe về chợ bán đủ thứ bưởi, chuối, mít, chè mua được quanh làng. 5 giờ sáng lại cọc cạch đạp xe về lại chợ quê để bán rau củ, thịt, cá cho người làng. Chiếc xe đạp đã cũ, nên vòng xích cũng cọc cạch nặng nề. Mình thấy được sự nhọc nhằn ẩn sau đôi mắt ấy, nhưng vẫn thích nụ cười bừng bừng sức sống của chị.

Nhìn chàng trai xua xua tay khi chị rối rít nói lời cảm ơn, không hiểu sao mình lại thấy vui chi lạ. Giống như có lần chạy xe qua ngã sáu trong thành phố, lúc mình gật đầu bày tỏ lời cảm ơn vì chiếc xe đối diện thả chậm vòng quay để nhường đường. Chỉ một cái gật đầu rất khẽ đáp lại, vậy mà cũng khiến mình vui rạo rực suốt đường về. Mình như thấy được cả nụ cười tươi rói của người kia, ẩn sau chiếc khẩu trang kín mít, và cả đôi mắt long lanh như chứa đựng ý cười. Biết lời cảm ơn thật nhẹ lúc ấy, không bị rớt lại trên phố mênh mông.

LINH CHI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thấy gì từ “Chợ quê ngày hội”

Với nhiều người, “Chợ quê ngày hội” quen thuộc đến nỗi, khi chưa chính thức khai mạc, “nhắm mắt” cũng biết sẽ có những hoạt động gì. Nhưng dù vậy, lần nào diễn ra họ vẫn có mặt, thậm chí không phải 1 buổi, 1 ngày. Vậy điều gì khiến “Chợ quê ngày hội” vẫn hút khách dù “thân quen đến lạ”?

Thấy gì từ “Chợ quê ngày hội”
Hứa hẹn từ “Chợ quê ngày hội”

Dự kiến diễn ra từ 27 – 30/6, tại Điểm du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh – TX. Hương Thủy), “Chợ quê ngày hội” hưởng ứng Festival Huế 2024 tiếp tục hứa hẹn tạo nên nhiều điểm nhấn ấn tượng trong lòng du khách.

Hứa hẹn từ “Chợ quê ngày hội”
Bộ hồ sơ quý “biểu tượng xứ Huế” hồi hương

Một bộ hồ sơ thiết kế cầu Trường Tiền vô cùng quý giá được một người phụ nữ Việt kiều Mỹ gốc Huế - bà Trương Thị Thanh Hương, “đấu giá” thành công và đưa về Huế. Những trang giấy dù đã úa màu thời gian nhưng những nét chữ, trang vẽ trên đó ít nhiều cho hậu thế biết thêm hình hài chiếc cầu làm nên biểu tượng cho xứ Huế.

Bộ hồ sơ quý “biểu tượng xứ Huế” hồi hương
Huế thương hoài

Có những người, tưởng như đã rất quen, đã thuộc nhau tới từng ánh mắt, nụ cười, bỗng chốc lại thấy có nét gì đó là lạ. Chính cái trạng thái lạ mà quen ấy khiến mối quan hệ càng thêm hấp dẫn, bền lâu. Với một vùng đất cũng vậy, như là Huế chẳng hạn.

Huế thương hoài
Đi chợ Tết quê cuối năm

Những ngày cuối năm, khi mùa xuân lấp ló ngoài hiên, đi chợ quê ngày Tết ở vùng đất Thừa Thiên Huế là dịp để mọi người cảm nhận được niềm vui, sự háo hức và cả nỗi nhọc nhằn của mưu sinh ngày tết. Đó cũng là nơi giúp ta tìm lại ký ức của một thời xa xưa.

Đi chợ Tết quê cuối năm

TIN MỚI

Return to top