ClockThứ Hai, 22/11/2021 13:36

Lang thang chiều Bao Vinh

Lần nào cũng vậy, về Bao Vinh là trong tôi lại bâng khuâng, khó tả. Ngay từ đầu cầu Bao Vinh, đình làng Bao Vinh với màu vôi nhạt nhòa theo thời gian vẫn hiền hòa, lặng lẽ sau bóng cây  bồ đề cổ thụ làm tăng thêm vẻ cổ kính cho ngôi đình. Chú Đoàn Văn Sân, Trưởng làng Bao Vinh cho hay: “Đình làng xuống cấp đã lâu, nay có kế hoạch trùng tu rồi đó cháu, nguồn kinh phí cũng đã duyệt. Bà con nghe nói sửa đình, ai cũng mừng!”.

Tôi ngắm nhìn ngôi đình, đúng là mái ngói đã sụt, nhưng nơi thờ tự bên trong vẫn được làng cắt cử người quét dọn sạch sẽ. Ngồi uống nước trà với chú Sân và mấy ông cao tuổi trong làng, tôi lắng nghe những câu chuyện về vùng đất Bao Vinh nổi tiếng một thời, trong từng câu chuyện kể của các ông, các chú, tôi nghe những yêu thương đong đầy, có tự hào và cũng có tiếc nuối khi Bao Vinh bây giờ không còn là nơi tấp nập bán buôn như ngày xưa.

TP. Huế mở rộng địa giới, Bao Vinh (trước đây thuộc xã Hương Vinh - thị xã Hương Trà) nay là phường Hương Vinh - TP. Huế.  Chú Đoàn Văn Sân cho tôi biết: đó là tin vui, bà con ở đây hy vọng Bao Vinh sẽ được đầu tư để phát triển du lịch và những cơ sở đình chùa miếu vũ cũng sẽ được tu sửa để Bao Vinh vẫn giữ được những nét đẹp cổ xưa. Tôi hiểu tấm lòng của những người dân Bao Vinh như chú, là dành trọn tình yêu cho mảnh đất quê hương của mình và không mong muốn gì hơn là nhìn thấy Bao Vinh phát triển, trở lại nhộn nhịp như xưa.

Tôi đi trên con đường nhỏ, qua chợ Bao Vinh, qua những ngôi nhà cổ mà có ngôi nhà tôi đếm đến năm gian, qua những cửa hàng tạp hóa, nhà thuốc... hình dung một thời đây từng là một khu phố mua bán sầm uất của Huế từ thế kỷ XVII. Khi Bao Vinh thay thế thương cảng Thanh Hà, thuyền buôn các nước cập cảng ngay bến Bao Vinh. Thời ấy, Bao Vinh có nhiều nhà buôn lớn, buôn những mặt hàng như sắt, thép, gạo, muối. Muối là một trong những mặt hàng quý tựa như lúa, gạo và chỉ những nhà buôn lớn mới buôn muối. Có một điều tôi rất thích ở đây là vẫn còn nhiều nhà buôn bán những mặt hàng đất nung như nồi, niêu hay rổ rá tre đan... làm cho chất dân gian mộc mạc cứ bàng bạc bao quanh khu phố cổ.

Đưa cho tôi xem tấm ảnh màu đen trắng cảnh những chiếc thuyền buồm lớn neo đậu ở Bao Vinh, chú Lê Quang Chất ở nhà số 105 Bao Vinh kể, hồi ấy ngoài sắt, thép, các loại hàng hóa xa xỉ đã có mặt tại chợ Bao Vinh như gốm Nhật, vải dạ của Anh, thổ cẩm Thượng Hải, ngọc bích, rượu vang Pháp... Chú Lê Quang Chất nói rằng, các bà trong cung hay công chúa nhà Nguyễn rất thích vải dạ len của Anh, cũng vì thời tiết của Huế vào mùa đông rất lạnh. Chuyến trở về, thuyền buôn nước ngoài mua các sản phẩm như: gạo, lụa, trầm hương, các loại gỗ quý. Đặc biệt, lụa do phụ nữ làng Kim Long dệt còn đẹp hơn cả gấm Thượng Hải. Bao Vinh trở thành vùng đất phát triển, giàu có, từ đó, người dân Bao Vinh cũng bắt đầu làm quen với lối sống thị dân. Họ xây những ngôi nhà rường liền kề nhau để kinh doanh, và bây giờ trở thành kiến trúc đặc biệt của phố cổ Bao Vinh.

Tôi đi trên đường Bao Vinh, đến bến đò và xuống thuyền qua Tiên Nộn. Chỉ cách trung tâm thành phố hơn 3km mà Bao Vinh còn giữ nguyên cả một bầu không khí như của một ngôi làng xưa nào đó, với bến đò, với những gánh hàng hoa mỗi sáng, với ngôi chùa làng ven sông. Từ trên thuyền, nhìn mặt sau của Bao Vinh, những ngôi nhà cao thấp được sơn nhiều màu đẹp như một bức tranh. Đây là một trong những nỗ lực làm đẹp Bao Vinh theo hướng nhìn từ đường sông lên. Trên chuyến đò này, vào những ngày cuối năm, mỗi sáng những gánh hoa cúc, vạn thọ tươi rói từ Tiên Nộn sẽ được các chị gánh qua đò rồi tỏa đi bán để bà con chưng Tết. Một bến đò quê trong lòng phố thị - nét xưa đâu dễ tìm.

Ghé thăm Thiên Giang tự - ngôi chùa có lịch sử hơn 300 năm thành lập trong ánh nắng chiều thu vàng như mơ sau những ngày Huế mưa lớn. Ngôi chùa làng đơn sơ, giản dị nhưng sức thu hút có lẽ chính nằm ở chỗ bình dị ấy. Chú Ngô Chẩn - người trông coi chùa cho biết, trước đây, đêm nào tại chùa cũng có buổi tụng kinh của bà con Phật tử từ bảy đến tám giờ rưỡi tối. Từ khi có dịch bệnh thì cũng hạn chế việc tập trung đông người, chỉ có mình chú hàng ngày tưới cây trong vườn chùa và dâng hương. Tôi cũng vào lễ Phật, ngắm những bức tượng Phật với nét mộc mạc, chú Ngô Chẩn cho biết, đó là tượng Phật bằng đất nung, rất thuần Việt. Trong không gian vườn chùa im ắng, tôi nghe câu chuyện xưa ngỡ như mình đang trở về một miền cổ tích, rằng vua Tự Đức có lần dong thuyền đi thưởng ngoạn cảnh, gặp lúc trời mưa nên ghé chùa trú mưa và đặt tên chùa là Thiên Giang.

Bao Vinh, một vòng lang thang, hồn xưa phố cổ đã phôi phai nhiều nhưng những gì còn lại cũng đủ sức làm lòng người bồi hồi, nghĩ về một thời nổi tiếng xa xưa...

Xuân An

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội mới cho nhà rường cổ Bao Vinh

Sau hơn 20 năm mỏi mòn chờ đợi, đầu tháng 11/2024 ngôi nhà rường cổ đầu tiên trong số 21 nhà tại phố cổ Bao Vinh, phường Hương Vinh, TP. Huế được khởi công tu bổ, chống xuống cấp để trả lại nguyên bản nhà rường cổ Huế, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị hướng tới phát triển du lịch - dịch vụ ở phố cổ Bao Vinh.

Cơ hội mới cho nhà rường cổ Bao Vinh
Lang thang ở thành phố “chầm chậm”

Bất kể ngày hay đêm, Viêng Chăn (Lào) không ồn ào, náo nhiệt mà tĩnh lặng đến lạ thường. Nơi đó, có hàng ngàn người Việt đang mưu sinh, không ít người xem Viêng Chăn như là quê hương thứ 2.

Lang thang ở thành phố “chầm chậm”

TIN MỚI

Return to top