ClockThứ Tư, 16/02/2011 19:03

Xây dựng nông thôn mới

TTH - Mục tiêu của Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới là để nông thôn ngày càng giàu đẹp, dân chủ, văn minh, quan hệ sản xuất phù hợp, có cơ cấu kinh tế hợp lý, kết cấu cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại. Hiện nay, nhiều xã trên địa bàn toàn quốc đã tiếp cận các tiêu chí chung của quốc gia trong xây dựng mô hình nông thôn mới. Qua thực tiễn xây dựng điểm đã xác định rõ hơn nội dung, phương pháp, chính sách, cơ chế cần đổi mới và xác định rằng đối tượng hoạt động trong xây dựng nông thôn mới là địa bàn cấp xã. Chủ thể phát triển nông thôn mới là nông dân. Bởi lẽ, hơn ai hết nông dân là người được hưởng thành quả, có nhiệm vụ giữ vững, bảo vệ thành quả của chương trình đề ra. Kinh nghiệm ở các xã làm điểm cho thấy, ở đâu biết huy động nội lực, ở đó phong trào diễn ra sinh động, hiệu quả mang lại nhanh hơn, nhân dân phấn khởi. Huy động sức mạnh nội lực không hoàn toàn là vận động nhân dân đóng góp tiền của, vật chất như một số nơi hiểu mà huy động sức dân sửa sang lại nhà cửa, các công trình vệ sinh, cải tạo vườn ao, tham gia giám sát, kiểm tra xây dựng hạ tầng, góp phần xây dựng đường làng, ngõ xóm...

Xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế có ý nghĩa sâu rộng khi tỉnh nhà đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Các chương trình trọng điểm trong xây dựng đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh nếu được liên thông nối kết với phong trào xây dựng nông thôn mới chắc chắn diện mạo giữa thành thị và nông thôn sẽ được nối kết khiến bức tranh thành thị mở rộng hơn.

Qua những năm mở rộng quy hoạch, hình thành các khu đô thị mới, sự tác động của cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đã làm cho nông thôn liền mạch với đô thị, nông thôn có thêm điều kiện xây dựng nông thôn mới. Các huyện Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà, Phong Điền, thị xã Hương Thủy đang có tốc độ phát triển các ngành nghề, nhiều doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất trên địa bàn. Đó là thế mạnh để huyện có thể xây dựng chương trình nông thôn mới cho các xã có điều kiện.
Đã đến lúc cần điều tra, khảo sát về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các xã trên cơ sở so sánh 19 tiêu chí xây dựng mô hình nông thôn mới để chọn một số xã làm thí điểm. Huyện nào hội đủ điều kiện chọn vài xã làm điểm, chí ít là chọn một xã tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình nông thôn mới.

Nuôi cá nước lợ, một trong những mô hình phát triển kinh tế nông thôn mới ở huyện Phú Vang (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: MSN
Để xây dựng xã nông thôn mới, vấn đề quan trọng đầu tiên là chú trọng tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở các ban chỉ đạo nhận thức về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách. Cán bộ có hiểu sâu, hiểu kỹ về chương trình xây dựng nông thôn mới, mới có thể tuyên truyền, vận động và triển khai đến quần chúng nhân dân. Việc không thể không làm ngay là tập trung hoàn thành công tác quy hoạch cấp xã. Công việc này phải đi trước một bước. Cần hiểu rằng xây dựng nông thôn mới có lộ trình, bước đi. 2 năm, 3 năm hay 5 năm... tùy vào tình hình, đặc điểm, thuận lợi và khó khăn của địa phương.
Trong xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng luôn được xem là khâu mang tính đột phá, nhưng cần chú ý chọn những công trình thiết yếu nhất để thứ tự ưu tiên làm trước. Trong phát triển sản xuất nên tận dụng và phát huy lợi thế của địa phương, tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân hiểu, hưởng ứng tham gia. Ví dụ, Quảng Thành là xã có thế mạnh trồng rau, cần tập trung đầu tư cho vùng rau phát triển trở thành vùng sản xuất rau hàng hóa chuyên canh có quy mô; Quảng Điền có thế mạnh về xây dựng trang trại, tập trung cho kinh tế trang trại phát triển theo hướng chuyên sâu, có tính đến khâu chế biến và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làm ra từ mô hình trang trại...
Tham gia xây dựng nông thôn mới, khi đã có quy hoạch, các ngành cần hướng về cơ sở, có kế hoạch, dự án đầu tư để tỉnh nhà có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới, xem đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của ngành mình trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhìn vào thực tiễn, thấy rằng Thừa Thiên Huế có điều kiện xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, tỉnh tập trung đầu tư cho nông thôn khá đồng bộ. Diện mạo thấy rõ là các tiêu chí về giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa...
Điều tra, quy hoạch, xác định mục tiêu, chọn xã làm điểm... đó là những công việc cần triển khai trong chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới của Thừa Thiên Huế.
Chiến Hữu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top