ClockThứ Năm, 25/04/2013 11:08

Tai nạn giao thông, nỗi lo thường nhật

TTH - Tai nạn giao thông đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Hằng ngày, trên cả nước, tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên, có những vụ rất nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cả nước, trong ba tháng đầu năm 2013, đã xảy ra trên 6.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.599 người, bị thương hơn 6.400 người.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông thì có nhiều như: hạ tầng giao thông yếu kém, phương tiện vận tải chưa đáp ứng yêu cầu, mật độ giao thông lớn, công tác quản lý chưa hiệu quả. Một nguyên nhân sâu xa mà trước đây ít ai nhận biết và để ý tới, nay đã trở thành vấn đề lớn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các ngành, các cấp và dư luận xã hội, đó là sự yếu kém về văn hóa trong giao thông.

Thực chất của vấn đề này là sự suy thoái về ứng xử văn hóa giữa con người với con người, giữa con người tham gia giao thông với môi trường giao thông như: không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ đi đường, phóng nhanh vượt ẩu, lấn phần đường quy định, uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện vận tải, vừa lái xe vừa nghe điện thoại di động, đèn đỏ vẫn thản nhiên đi qua đường, không chú tâm lái xe cẩn thận, an toàn, ngủ gật, lơ đễnh, lấn chiếm lòng đường, lề đường…; người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chen lấn không nhường đường… Trong thực tế, ở những đoạn đường mới nâng cấp rộng rãi, thảm nhựa êm thuận vẫn thường xuyên xảy ra tai nạn do lái xe chủ quan tăng tốc độ, phóng nhanh.

Văn hóa giao thông cần được thực hiện ở khắp mọi nơi, mọi đối tượng nhằm tạo ra môi trường giao thông trật tự - an toàn. Người lái xe khách phải nhận thức được rằng, tính mạng của nhiều người phụ thuộc chủ yếu vào họ để chủ tâm điều khiển phương tiện, không lái bừa, lái ẩu, không lợi dụng lúc đông khách mà chở quá trọng tải quy định, gây nên những tai nạn thảm khốc, thậm chí còn tỏ ra vô cảm trước những người bị tai nạn…

Nhu cầu đi lại lớn, các chủ doanh nghiệp vận tải không thể vì lợi nhuận mà đưa ra sử dụng cả loại xe đã cũ nát, không bảo đảm an toàn. Mật độ giao thông càng cao thì mỗi người càng phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Giao thông. Lực lượng quản lý giao thông phải có tinh thần trách nhiệm cao và hành vi ứng xử có văn hóa. Những người quản lý các cung đường phải thường xuyên kiểm tra cơ sở hạ tầng giao thông, phát hiện những đoạn đường xấu, đoạn đường nguy hiểm dễ gây tai nạn để sớm đưa ra cảnh báo cho người qua lại, đồng thời khẩn trương tìm cách khắc phục.

Nói đến văn hóa giao thông là nói đến ý thức của con người trong quá trình xây dựng, sử dụng các công trình, phương tiện giao thông, trong thực thi pháp luật và tham gia giao thông. Vì vậy, xây dựng con người văn hóa là nội dung mấu chốt của văn hóa giao thông.

Con người văn hóa trong giao thông trước hết phải là con người chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ đi đường, đồng thời có lòng nhân ái, tính cộng đồng biểu hiện qua việc nhường nhịn nhau khi xe cộ ùn tắc, khi va chạm; giúp đỡ người già yếu, người tàn tật, phụ nữ, trẻ em và người bị tai nạn. Khi thi hành nhiệm vụ, công an cũng phải tỏ ra là người có văn hóa, thực sự hết lòng giúp đỡ nhân dân…

Văn hóa giao thông cần được thấm thật sâu vào nhận thức của mỗi người thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục thường xuyên. Thời gian qua, ở tỉnh ta, chương trình văn hóa giao thông được đưa vào cộng đồng qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức văn học nghệ thuật phong phú là cách làm thiết thực, bước đầu có hiệu quả cần được tiếp tục phát huy.

Những năm gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam được giao thực hiện Đề án Văn hóa giao thông đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Hòa Bình, Quảng Ninh… và nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, có giá trị về vấn đề này.

Bộ Giao thông Vận tải đã đề ra ba mục tiêu của văn hóa giao thông:

    “1- Từng bước xây dựng thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật, xóa bỏ những thói quen tùy tiện vi phạm quy tắc giao thông, hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông nhất là đối với đối tượng thanh niên, thiếu niên.

2- Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

3- Bảo đảm giao thông thông suốt, giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông.”

Để văn hóa giao thông thực sự trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân, mọi người trong xã hội tự giác tham gia, cần phải xây dựng thành những tiêu chí cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ phổ biến trong nhân dân. Những tiêu chí này phải xuất phát từ thực tế cuộc sống với những yêu cầu khách quan của nó.

Tiêu chí văn hóa giao thông được xây dựng cho từng đối tượng cụ thể như: người tham gia giao thông, người quản lý giao thông, người thực thi luật pháp giao thông, người xây dựng, quản lý cơ sở hạ tầng và sản xuất phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông công cộng…

Bộ tiêu chí văn hóa giao thông phải được phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân thông qua báo chí, hệ thống thông tin đại chúng, các tác phẩm văn học, nghệ thuật…

Thực hiện có nền nếp những tiêu chí văn hóa giao thông sẽ góp phần tạo ra môi trường giao thông văn minh, hiện đại, thân thiện và đậm chất nhân văn. Con người khi có văn hóa giao thông và văn hóa giao thông được thực hiện ở khắp mọi nơi, mọi đối tượng, sẽ cùng ngành công an, giao thông vận tải, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với quyết tâm chính trị cao nhất, ra sức thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông”, hằng năm giảm dần số vụ tai nạn giao thông, số người chết, số người bị thương và số tài sản bị thiệt hại.

Chiến Hữu - Văn Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top