ClockThứ Sáu, 09/01/2015 11:06

Tác phong công nghiệp

TTH - Trong 5 năm, toàn tỉnh đào tạo nghề cho hơn 20.000 lao động, trong đó, có đến 16.000 lao động được đào tạo các nghề phi nông nghiệp (chủ yếu may công nghiệp). Nguồn nhân lực dồi dào cũng là một trong những ưu điểm để Huế thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, phần lớn lao động trong các môi trường công nghiệp hiện đều xuất phát từ môi trường sản xuất nông nghiệp nên ý thức lao động còn nhiều hạn chế. Tình trạng vi phạm kỷ luật khi bước vào môi trường lao động công nghiệp xảy ra khá phổ biến. Trong khi đó, chương trình đào tạo nghề chỉ chú trọng đến nâng cao chất lượng lao động, chứ chưa chú trọng đến rèn luyện tác phong công nghiệp, tính kỷ luật cho công nhân.

Thực tế, có những ngành nghề đòi hỏi vai trò tập thể và ý thức kỷ luật cao. Thế nên, lao động cứ tùy tiện nghỉ việc, không xin phép khiến doanh nghiệp lao đao. Đi làm muộn, xả rác bừa bãi, hút thuốc… vẫn thường xuyên xảy ra. Lãnh đạo của một số nhà máy cho rằng, hầu như ngày nào cũng có người xin nghỉ việc, lúc thì đi đám cưới, đám ma, lúc thì giỗ chạp, canh tác ruộng đồng trong mùa vụ… Họ xin đi nửa buổi nhưng đôi khi cả ngày vẫn không đến làm việc. Lao động ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới thường bỏ việc giữa chừng chỉ vì… nhớ nhà. Chưa kể, doanh nghiệp đào tạo lao động phù hợp với công việc của nhà máy, làm được ba bữa, nữa tháng thì họ bỏ việc. Doanh nghiệp vừa thiếu hụt lao động, vừa lãng phí một khoản tiền không nhỏ trong khâu đào tạo. Nhiều lao động mỗi khi không đồng ý với chủ trương của công ty thì bỏ việc khiến cả dây chuyền sản xuất với hàng chục lao động phải ngưng trệ.

Đào tạo lao động đi xuất khẩu ở các thị trước nước ngoài cũng không khá hơn khiến lao động Thừa Thiên Huế mất điểm. Cụ thể, tình trạng lao động làm việc ở Hàn Quốc bỏ trốn khi hết hợp đồng, đánh nhau, trộm cắp… khiến phía đối tác tuyên bố tạm thời “đóng cửa” thị trường. Hàng trăm lao động ở Huế đã làm xong các thủ tục vẫn phải chờ, đến khi nào các ngành liên quan vận động được số lao động làm việc ở Hàn Quốc về đúng hạn thì cánh cửa xuất khẩu lao động sang Hàn mới được mở trở lại.

Không ít doanh nghiệp kêu ca, phàn nàn vì sự tùy tiện của lao động, thậm chí loại bỏ hợp đồng tuyển lao động, buộc các trường nghề phải siết chặt nội quy, khắt khe trong kỷ luật, nếu sinh viên vi phạm sẽ phải nghỉ học. Lãnh đạo của một trường nghề lý giải rằng, dẫu họ tuyển sinh rất khó khăn, thậm chí, không đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, giai đoạn ngồi trên ghế nhà trường được coi là “thời kỳ vàng” để học viên rèn tác phong công nghiệp. Nếu trường nghề dễ dãi, không đưa vào khuôn khổ, không tập cho các em tính kỷ luật, tính trung thực với nghề nghiệp thì chắc chắn chính trường nghề đó sẽ rất khó cung ứng lao động và khẳng định thương hiệu đào tạo.

Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động TB&XH nhận định: Lao động Thừa Thiên Huế được các doanh nghiệp đánh giá cao về tay nghề, chịu khó, ham học hỏi. Tuy nhiên, họ lại thiếu tính chuyên nghiệp nên các doanh nghiệp, nhất là công ty nước ngoài thường than phiền. Đã đến lúc, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn cần điều chỉnh, bổ sung, trong đó, chú trọng tăng thêm các tiết học về tác phong công nghiệp, nguyên tắc làm việc nhóm cho lao động. Ngoài ra, các tổ chức công đoàn của các doanh nghiệp đã tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện cam kết quy định ban đầu, nâng cao nhận thức cho người lao động về tác phong công nghiệp của công nhân trong các nhà máy.

An Nhiên
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top