ClockThứ Năm, 15/08/2013 05:25

Sân đình và mùa thu cách mạng

TTH - Đã 68 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của nhiều người dân làng ở Thanh Thủy Thượng (Hương Thủy) vẫn không quên là hình ảnh đình làng đông nghịt trong buổi sáng ngày 20/8/1945. Thanh Thủy Thượng được chọn làm điểm đột phá trong khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã thuộc 2 tổng Dạ Lê và An Cựu. Sử chép, ngay từ rất sớm nhân dân đã tập trung đông đảo ở đình làng, các đội tự vệ cứu quốc, thanh niên cứu quốc được trang bị vũ khí, phần lớn là thô sơ, hàng ngũ chỉnh tề. Sau lễ chào cờ trang nghiêm, đại diện Ủy ban Khởi nghĩa huyện đọc chương trình hành động cách mạng của Việt Minh. Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tuyên thệ trước toàn thể nhân dân. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Thanh Thủy Thượng phát triển thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy đến đình làng Thanh Thủy Chánh bên cạnh. Sau đó, đoàn biểu tình kéo dài hàng chục cây số, thu hút sự tham gia của hàng vạn người, tiếp tục giành chính quyền ở Vân Thê, Dạ Lê, Lang Xá, Công Lương… rồi về huyện đường Hương Thủy, lên kinh thành Huế hòa trong dòng người khởi nghĩa.

Chỉ tính riêng ở Hương Thủy, cùng với đình làng Thanh Thủy Thượng và Thanh Thủy Chánh, dấu ấn về những ngày khởi nghĩa đánh đổ thực dân phong kiến của các làng quê gắn liền với tên gọi thân thương của những đình làng, như Dạ Lê Thượng, Thần Phù, Lương Văn, Hòa Phong, Vân Thê… Ví như đình làng Dạ Lê Thượng là nơi hội họp của các tổ chức, đoàn thể, nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện và tỉnh thường xuyên lui tới chỉ đạo phong trào. Đình làng Hòa Phong là nơi tổ chức nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ cho kháng chiến như “Tuần lễ đồng”, “Tuần lễ vàng”. Nhiều năm liền, đây là nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, như đồng chí Tư Minh, đồng chí Hà (Lén), đồng chí Nguyễn Húng, Hoàng Lanh, Hoàng Đắc, Lê Trọng Bật... Đặc biệt tháng 3/1947, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Khu uỷ Bình Trị Thiên đã tổ chức cuộc họp tại đình Hoà Phong và nhận định: Hoà Phong là căn cứ lõm của cách mạng, là đầu mối liên lạc, nằm trong hệ thống hành lang tiếp tế giữa đồng bằng và chiến khu.

Tháng Tám mùa thu, khi tiết trời dịu lại với cơn gió heo may và những ngày liền bàng bạc mây đen thì cũng là lúc các vùng quê ở Thừa Thiên bước vào lễ hội tế thu. Đó là dịp biểu thị lòng biết ơn của các dân làng đối với các vị thần, những bậc tiền nhân đã có công gây dựng nên làng mạc và phò hộ cho dân làng khương an thịnh vượng, nhắc nhau gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa để mãi mãi tự hào là một làng quê văn vật. Đi sâu vào tâm thức của bao người dân Việt là câu ca “Cây đa - bến nước - sân đình”. Cây đa có tác dụng cho bóng mát và bầu không khí trong lành; giếng nước cung cấp nước sạch đảm nhiệm vai trò phục vụ đời sống nhân dân; sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa, lễ nghi, thờ tự tính ngưỡng của người dân. Với vị thế đó, đình làng Việt Nam có từ thời Lê Sơ, cách nay dăm bảy trăm năm. Người dân khi vào Nam, dừng lại mảnh đất Thừa Thiên khai hoang lập nghiệp, đã không quên đem theo thành tựu của nền văn hóa quê gốc hòa hợp văn hóa bản địa và ngôi đình đã được chú ý xây dựng đầu tiên đồng thời với việc thành lập làng xã.

Với người dân vùng núi Ngự sông Hương, đình làng là chốn thiêng liêng, nơi tụ họp thể hiện ước vọng và sự đoàn kết của con dân trăm họ, trước những sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, là nơi bảo lưu, gìn giữ một cách tốt nhất, truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, bất chấp những áp lực văn hoá du nhập từ bên ngoài. Và rồi, với Cách mạng Tháng Tám 1945, sau này là hai cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều ngôi đình làng ở Thừa Thiên trở thành nơi lưu dấu bao chiến công cách mạng oai hùng. Vậy là, thêm một giá trị thiêng liêng cho đình làng xứ Huế - Thừa Thiên.  

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top