ClockThứ Năm, 05/03/2015 06:24

Đừng để tâm lý chi phối

TTH - Sau tết, nhiều mặt hàng, nhóm dịch vụ thường tăng giá một cách khó hiểu. Mặc dầu ra tết, thời tiết thuận lợi với nắng ấm kéo dài, ngư dân đã vươn khơi sớm, mang về nhiều mẻ cá lớn; các loại rau xanh cũng sinh trưởng, phát triển tốt. Vậy nhưng, nhiều mặt hàng giá đều cao hơn bình thường. Bó rau từ 5 ngàn đồng lên 7 ngàn đồng; tô bánh canh cua từ 7 ngàn đồng lên 10 ngàn đồng; các loại thịt cá đều tăng.

Tâm lý tiêu dùng trong những ngày tết thường rộng rãi; một phần do tiền mặt nhiều, một phần thấy người ta kinh doanh buôn bán trong những ngày tết vất vả nên không so tính, coi như lì xì đầu năm. Đây là một trong những tiền lệ, tạo thành thói quen để nâng giá tùy tiện, đến khi hoạt động kinh doanh buôn bán đã trở lại bình thường, nhiều trường hợp vẫn không chịu hạ giá.

Tâm lý số đông cũng tác động không nhỏ đến việc tăng giá. Hình ảnh biển người chen chúc nhau để mua vàng trong Ngày Thần tài (mùng 10 tháng giêng Âm lịch theo quan niệm) đã đẩy giá vàng lên cao. Một chỉ SJC từ 3.550.000 đồng, có nơi bán lên hơn 3.800.000 đồng; trong lúc vàng dự trữ vẫn còn nhiều. Căng thẳng nhất còn kể đến giá cước vận tải vào Nam sau Tết. Lợi dụng nhu cầu vào Nam đông, nhiều nhà xe đã tự ý tăng giá vé. Tuyến Huế-TP Hồ Chí Minh có ngày tăng lên 1,2 triệu đồng/hành khách; trong lúc giá vé niêm yết chưa đến 800 ngàn đồng.

Ngoài việc lợi dụng tâm lý người tiêu dùng rộng rãi trong dịp tết hay tâm lý số đông còn có kiểu “tát nước theo mưa”. Đó là những lúc rục rịch tăng lương, mặc dầu người hưởng lương chưa nhận được mức lương mới nhưng giá một số mặt hàng thiết yếu đã tăng. Rồi giá xăng dầu, giá điện, giá ga... tăng cũng kéo giá tiêu dùng, cước vận tải tăng nhưng khi giá các mặt hàng này xuống thì vẫn không muốn giảm. Bên cạnh đó, còn có nhiều trường hợp thấy khách nói giọng lạ, biển số xe lạ là hét giá cao hơn bình thường, làm ảnh hưởng đến uy tín, môi trường kinh doanh, du lịch.

Cơ chế thị trường vốn thuận mua vừa bán, với uy tín là trên hết. Việc tự ý tăng giá một cách tùy tiện không chỉ làm lũng đoạn thị trường mà còn tác động tiêu cực đến đời sống của đại bộ phận người dân, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của những người làm ăn chính đáng. Không thể lợi dụng tâm lý người tiêu dùng, cũng như thấy nhu cầu tăng cao của khách hàng, hay thấy khách lạ để bắt chẹt, nâng giá. Đây là cách “ăn xổi ở thì” cần phải được chấn chỉnh và có biện pháp chế tài. Nhất là trong khi chính quyền các cấp đang phải kích cầu và thực hiện các chương trình bình ổn giá để an sinh xã hội.

Đặng Thành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top