ClockThứ Năm, 22/01/2015 07:51

Đồng sâu & ruộng bể

TTH - Tầm này, xứ Huế mưa lạnh và rét buốt. Khi mà thời điểm giáp Tết đã cận kề thì cũng là lúc người dân các vùng quê xuống đồng. Ngày trước nào phải gieo má, nhổ mạ rồi cấy lúa, nay chỉ gói gọn lại ở một công đoạn “sạ” với một cách nói khác là “gieo thẳng”. Cũng ngày trước, chuyện cày bừa đều do trâu làm, tháng Chạp ra đồng buổi trưa phải có kẻ bới cơm cho người, bới cỏ cho trâu. Nay là công việc của máy, từ cày ải đến bừa, trục…Thay đổi nhiều lắm. Thế nhưng quy luật ruộng cao gieo cấy trước, rồi mới tới ruộng sâu, theo chân con nước thì xem ra cũng vẫn cứ như xưa.

Cái thế đất nằm nghiêng của dải đồng bằng nhỏ hẹp xứ Huế, xem chừng cũng ứng với từng cánh đồng của mỗi làng xã. Ví như cánh đồng lúa làng Dạ Lê của tôi. Có loại ruộng cao, ruộng thấp hơn và cũng có loại ruộng thấp, rồi ruộng thấp trũng, thường được gọi là ruộng bể. Trước ngày giải phóng, nội tôi nổi tiếng làm ruộng nhiều. Mỗi năm làng và họ tộc đều tổ chức kỵ chạp và đấu ruộng, bao giờ nội cũng tranh thủ kiếm vài mẫu ruộng bể, loại ruộng sâu nhất để nhiều lúc làm chơi làm ăn thiệt. Đó là ruộng nằm ở xứ bàu thấp trũng. Xưa chưa có các loại thủy lợi nội đồng với việc phân ô, phân thuở nên loại ruộng này quanh năm ngập nước và thường bị chua phèn.

Lợi thấy rõ cho những ai làm ruộng bể là giá đấu thấp, không đầu tư nhiều công sức, hầu như không bón phân và có thêm nguồn lợi từ cá đồng. Cứ thử tưởng tượng, cánh đồng lúa của làng rộng lớn đến hàng mấy trăm hecta có hình lòng chảo và nơi thấp nhất là khoảng chừng mấy chục mẫu ruộng bể kia. Nó như cái túi, quanh năm ngập nước, chứa bao thứ phù sa cũng đồng thời là chua phèn của cả một cánh đồng rộng lớn. Vụ trái tháng năm nước còn rút cạn, chứ vào vụ mùa này nước cứ ngập mênh mông, có khi cũng chẳng nhận rõ được ranh giới giữa ruộng nhà mình với nhà ai đó. Đến thời điểm phải xuống đồng, đôi khi chỉ cần tốn công dọn dẹp các thứ cỏ năng, cỏ lác là có thể cấy. Tuy nhiên, đây là công đoạn vất vả nhất. Những thợ cấy như mạ tôi lắm lúc phải cả ngày ngâm mình trong nước sâu, rất lạnh và bị gió lùa, cấy xong lên đập không dám ngoảnh lại, về đến nhà ngồi bên bếp lửa hồng cả tiếng đồng hồ mà vẫn còn run. Nước ngập sâu nền đất là thứ bùn lỏng, cây lúa cũng là giống mạ cao, vậy mà cấy xuống ngập chìm chỉ thấy lưa thưa, lác đác trên mặt nước, chẳng khác nào cây lúa trời ở Nam Bộ.

Vậy nhưng như vụ mùa này, chỉ cần tranh thủ cắm được cây lúa xuống ruộng là yên tâm. Con nước rút dần, lúa bám chắc, ai đó có thể nghĩ tới chuyện thu hoạch lúa và trước mắt là tranh thủ tát cá thêm đồ ăn tươi và bán kiếm tiền tiêu dịp Tết. Dạo ấy, cá đồng chưa bị vây bắt gắt gao như hiện nay nên cũng dễ hiểu khi nước trên đồng cạn dần thì ruộng bể như cái túi đựng cá. Tôi cũng đã nhiều lần tát cá ruộng bể. Cá nhiều vô kể với đủ loại, nào tràu, nào giếc, nào chẽm, nào rô… con nào con nấy vẫy vùng suốt cả mùa nước ngập nên béo múp. Chỉ lưu ý, cần cẩn thận, đừng quá tham con cá mà giày nát đám ruộng đang thì con gái xanh tốt. Bàu Choàng ở làng trên Thanh Thủy Thượng nổi tiếng với câu ca “Gạo De An Cựu, cá rô bàu Choàng” cũng là một loại đồng sâu, ruộng bể như thế. 

Việc đẩy mạnh phát triển thủy lợi đã giải phóng hầu hết các loại đồng sâu và ruộng bể gần như quanh năm ngập nước thế kia. Nó chỉ còn lại ở những cánh đồng sâu như ở Hương Phong, nơi cuối nguồn của dòng Hương Giang. Tôi cũng đã nhiều lần đi về phía đó, nghe kể chuyện về các mô hình xen ghép cá - lúa hay cá - tôm, nhìn lại những đám ruộng bàu cấy các giống lúa địa phương le te và cao khều, nhớ lại môt thời ngày ấy đã đi qua, để rồi như bất chợt như hiểu hơn, da diết và đầy những trải nghiệm về cánh đồng làng và cái nghề làm nông xứ Huế đa đoan nhưng cũng lắm điều thú vị, là những hoài niệm đẹp và khó quên cho nhưng kia đã từ làng mà lớn đi và lớn lên.
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top