Thể thao

Khi thể thao không khán giả

ClockChủ Nhật, 31/03/2024 07:25
TTH - Ngoài động lực, là “liều dopping” cho mỗi VĐV, khán giả cùng sự cổ vũ cuồng nhiệt còn là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của bất kỳ giải thể thao nào theo cách trực quan nhất.

Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV tại Giải vô địch Cung thủ xuất sắc quốc gia năm 2024233 VĐV tranh tài Giải bơi - lặn vô địch quốc gia bể 25m A Lưới: Khen thưởng học sinh đoạt Huy chương Bạc thể thao

 Trao giải cho các trường đạt thành tích xuất sắc

1 - Giải bơi Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) TP. Huế năm học 2023 - 2024 diễn ra trong 2 ngày 14, 15/3. Đây là môn thi đấu cuối cùng trong tổng số 6 môn (cờ vua, đá cầu, cầu lông, điền kinh, bóng đá và bơi) của hội khỏe kỳ này.

Vận động viên (VĐV) tham dự giải, bên cạnh học sinh đến từ các trường THCS trên địa bàn TP. Huế, còn khán giả, ngoài bạn bè, thầy cô cùng lớp, cùng trường còn là phụ huynh của các VĐV. Và chuyện chẳng có gì để bàn nếu như tại giải bơi, khán giả… được đến cổ vũ như những môn thể thao khác.

Ngoại trừ các môn đặc thù cần không gian yên tĩnh như cờ vua, cờ tướng…, trong thi đấu thể thao, cổ vũ của khán giả rất quan trọng, nếu không muốn nói là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của giải theo cách trực quan nhất.

Ngoài động lực là “liều dopping” cho mỗi VĐV trước, trong và cả sau khi thi đấu để từ đó VĐV có thể vượt qua giới hạn bản thân, chinh phục những đỉnh cao mới và là nguồn cổ vũ giúp VĐV đứng dậy sau thất bại, khán giả cùng sự cổ vũ cuồng nhiệt của họ còn là nguồn cảm xúc lan tỏa tinh thần thể thao đến với mọi người, góp phần làm nên thành công của một giải thể thao bất kỳ, từ đỉnh cao cho đến phong trào.

Thi đấu không có khán giả khiến VĐV chưa trọn vẹn niềm vui

Trên phương diện VĐV nói chung là vậy, còn ở góc độ VĐV lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ở HKPĐ, hầu hết các em chưa thể có được tâm lý vững vàng khi tham gia một sân chơi có tính đua tranh, dù nhỏ. Và chúng ta, những người lớn, hãy thử đặt mình vào vị trí của các em. Liệu rằng chúng ta có mong muốn nhận được sự cổ vũ của bạn bè, người thân? Chúng ta có lo lắng khi bước vào thi tài mà nhìn quanh chẳng thấy gương mặt nào thân quen?

Và, sẽ như thế nào nếu một giải thể thao mà ở đó, chỉ nghe tiếng còi hiệu lệnh của trọng tài, và thảng hoặc, là tiếng vỗ tay lác đác, rời rạc của HLV cổ vũ “gà nhà”, chứ không hề có tiếng động viên, cổ vũ sôi động như các giải thể thao bất kỳ nào. Rõ ràng, đó là một giải thể thao không cảm xúc.

2 - Trở lại chuyện khán giả không được vào cổ vũ tại giải bơi HKPĐ TP. Huế. Sau khi được/bị mời ra ngoài, không ít phụ huynh đã bày tỏ bức xúc, thậm chí có người không kiềm chế được đã to tiếng, vì họ cho rằng đây là quy định rất khó hiểu và vô lý của Ban tổ chức (BTC). Họ đặt câu hỏi, liệu có khuất tất liên quan đến thành tích của các VĐV hay không mà BTC HKPĐ TP. Huế lại đưa ra quy định oái ăm này?

Theo đại diện Phòng Giáo dục & Đào tạo TP. Huế (BTC HKPĐ TP. Huế), do không gian nơi tổ chức thi đấu (bể bơi trong nhà trên đường Lê Quý Đôn – TP. Huế, thuộc Trung tâm Thể thao tỉnh) chật hẹp, nếu để khán giả vào cổ vũ sẽ rất ồn ào, mất trật tự, rất khó kiểm soát, dẫn đến ảnh hưởng thành tích của các VĐV nên BTC quy định khán giả không được vào cổ vũ. Thậm chí, kỳ HKPĐ trước, ở môn bơi, cũng với lý do này, không chỉ khán giả mà ngay cả các thầy, cô giáo là HLV cũng không được vào. Quy định khắt khe này đã vấp phải nhiều phản đối nên ở môn bơi của kỳ hội khỏe lần này, BTC đồng ý cho HLV vào cùng VĐV.

Trên góc độ khách quan, lý giải này không mang tính bao biện, bởi thực tế, ở nhiều kỳ HKPĐ có tình trạng khán giả dùng điện thoại thông minh chạy theo hai bên bể bơi để chụp ảnh, quay clip, livestream rất lộn xộn; rồi tiếng cổ vũ của khán giả 2 bên bể bơi khiến VĐV không nghe được dặn dò của HLV trước lúc xuất phát; thậm chí, có tình trạng do đứng gần nên có khán giả “trợ lực” cho con em mình bằng cách… đẩy VĐV xuống nước trước khi có hiệu lệnh xuất phát của trọng tài… Những chuyện này khiến giải đấu đôi lúc buộc phải gián đoạn, ảnh hưởng đến tinh thần thi đấu của VĐV.

Tuy nhiên, với bất kỳ lý do gì thì chuyện khán giả không được vào cổ vũ là điều không nên ở một giải thể thao bất kỳ. Và để giải quyết tình trạng lộn xộn, mất trật tự nói trên, thay vì ngăn cấm khán giả, BTC có thể chăng dây, đặt biển phân cách khu vực khán giả và nơi VĐV thi đấu, đồng thời cắt cử thêm người đảm bảo trật tự ở 2 khu vực này; hoặc, phát thẻ cho phụ huynh của VĐV, ai có con em thi đấu thì được phát thẻ vào cổ vũ…

Nhận thấy bất cập từ quy định mình đưa ra, đại diện Phòng Giáo dục & Đào tạo TP. Huế khẳng định, ở giải bơi những lần tổ chức tiếp theo, bên cạnh 2 cách giải quyết trên, sẽ nghiên cứu, lựa chọn địa điểm tổ chức giải có không gian rộng rãi, thoáng đãng hơn nhằm tạo điều kiện để khán giả có thể thoải mái cổ vũ, động viên con em mình trong lúc tranh tài.

Như vậy, những bức xúc của phụ huynh tại giải bơi HKPĐ TP. Huế năm học 2023 - 2024 đã nhận được phản hồi tích cực từ phía BTC, đồng thời, với động thái cầu thị rất đáng hoan nghênh này sẽ trở thành cảm hứng để phong trào thể thao học đường tiếp tục lan tỏa như mong đợi.

Võ Nhân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Return to top