Thể thao

Chuyện chưa từng có

ClockThứ Bảy, 13/11/2021 14:00
TTH - Việc 4 VĐV là chị em ruột tập luyện, “ăn lương” cùng một bộ môn là chuyện chưa từng có của thể thao Việt Nam. Đã vậy, 3 trong số 4 chị em cùng khoác áo tuyển quốc gia, trong đó, 2 người được đầu tư tập huấn nước ngoài để chuẩn bị cho SEA Games, ASIAD và Olympic, người còn lại đang chờ xét duyệt càng là chuyện xưa nay chưa từng xảy ra...

Chuyện cô gái “hai vai” ở tuyển vật HuếVật Huế viết tiếp những giấc mơVật Huế hoàn thành gấp đôi chỉ tiêuNgười chắp cánh cho những thành công của tuyển vật

Khoảnh khắc hiếm hoi của 4 chị em Mỹ Hạnh bên ba mẹ

Vượt qua “cái bóng”

Đến đây, người hâm mộ thể thao Cố đô chắc hẳn đã đoán ra. Là 4 chị em gái Mỹ Hạnh - Mỹ Trang - Mỹ Linh - Mỹ Tiên của tuyển vật Huế.

Chị cả Mỹ Hạnh chắc không còn xa lạ với nhiều người khi mà cô gái quê Quảng Điền vẫn đang là “độc cô cầu bại” nội dung vật tự do nữ hạng 62kg khu vực Đông Nam Á liên tục nhiều năm liền, cũng như giành HCV SEA Games, HCĐ ASIAD và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Cũng trong thời gian này, 2 cô em gái Mỹ Trang, Mỹ Linh, và tiếp sau này là Mỹ Tiên lần lượt được Trưởng bộ môn tuyển vật Huế Đinh Văn Kiên phát hiện.

Thời gian đầu gia nhập tuyển vật tỉnh, bản thân Trang, Linh và Tiên ít nhiều đều nghi ngờ bản thân liệu có bị ảnh hưởng bởi cái bóng của cô chị Mỹ Hạnh hay không. Nhưng có lẽ, với tố chất trời phú cùng khát khao cống hiến cho thể thao tỉnh nhà, đến hiện tại, dù vẫn chưa chính thức vượt qua được chị cả, nhưng 3 cô em gái đã cho thấy những thành tích nổi bật trong suốt quá trình tập luyện, thi đấu. Minh chứng là ngoài Mỹ Hạnh, thì Mỹ Trang và Mỹ Linh cũng lần lượt khoác áo tuyển quốc gia, còn Mỹ Tiên là một trong những VĐV tiềm năng của tuyển vật Huế.

“Trước đây, mỗi lúc tập luyện cùng các em, nhiều khi tôi không dám tung những đòn “tủ”. Nhưng hiện tại đã khác, không chỉ liên tục bị “nhắc” phải dùng hết sức, không ít lần tôi còn bị các em làm cho “lấm lưng trắng bụng”. Và trong đó, tôi “đề phòng” nhất là cô em kế Mỹ Trang”, Mỹ Hạnh chia sẻ khi nói về 3 cô em gái của mình.

Đầu năm 2022, tuyển vật nữ Việt Nam có 6 người được chọn đi tập huấn nước ngoài (Nhật Bản hoặc Trung Quốc) để chuẩn bị cho các giải đấu khu vực châu lục, gồm: Kiều Thị Ly, Nguyễn Thị Xuân (Hà Nội); Lại Thị Diệu Thương (Quân đội); Mỹ Linh (Thanh Hóa) và 2 chị em Mỹ Hạnh - Mỹ Trang (Huế).

Trong số 6 VĐV được tuyển chọn trên, có 3 VĐV được đầu tư “nặng ký” hơn cả để trở thành VĐV chủ lực tại ASIAD và hướng đến Olympic là: Mỹ Hạnh, Kiều Thị Ly, Nguyễn Thị Xuân, trong đó, Mỹ Hạnh được kỳ vọng nhất.

Nối dài thành công

Cách đây hơn 1 tháng, trong lần tập luyện cùng đồng đội tại tuyển quốc gia, Mỹ Hạnh dính chấn thương khá nặng. Ngay khi ấy, thông tin Mỹ Hạnh chấn thương, rất dễ không được đi tập huấn nếu VĐV này không kịp hồi phục đã nhanh chóng “bay” về Huế.

Mỹ Trang và Trưởng bộ môn vật Huế Đinh Văn Kiên tại một giải đấu

Tiếp nhận thông tin không vui trên, trái ngược với suy nghĩ của người viết, lúc ấy, Trưởng bộ môn vật tỉnh Đinh Văn Kiên khá điềm tĩnh. Hỏi, Kiên bảo, với tư cách một người cha (Mỹ Hạnh nhận Kiên làm cha nuôi), đây là một tin tức cực kỳ xấu khi không biết sức khỏe con mình như thế nào, chấn thương có ảnh hưởng nhiều đến tương lai của con hay không.

“Nhưng với tư cách một người thầy, dù muốn dù không thì bản thân phải điềm tĩnh. Điều này không có nghĩa là thờ ơ, mà cố gắng điềm tĩnh để nghĩ đến khả năng xấu nhất, từ đó có tính toán phương án tìm người kế thừa nếu Mỹ Hạnh không thể hồi phục sau chấn thương. Bởi, Mỹ Hạnh nói riêng, tuyển vật Huế nói chung đang “gánh” rất nhiều kỳ vọng, cả ở hiện tại và tương lai”, Kiên chia sẻ.

Người sẽ kế thừa Mỹ Hạnh mà Trưởng bộ môn Đinh Văn Kiên tính đến chính là Mỹ Trang. Qua hàng trăm giải đấu, hiện VĐV này đã tích lũy được bộ sưu tập huy chương khá dày dặn khi sở hữu hơn 10 HCV Đông Nam Á, 1 HCĐ trẻ châu Á và đang là đương kim vô địch quốc gia hạng 57kg 2 năm liên tiếp.

“Ngoài khả năng công thủ toàn diện cùng kỹ thuật ngang ngửa Mỹ Hạnh, với lợi thế sức trẻ (sinh năm 2001), Mỹ Trang còn có lối đánh áp đảo, gây choáng váng cho đối thủ từ khi nhập cuộc cho đến lúc kết thúc trận đấu. Với khả năng này, Trang chính là nhân tố tạo nên đột biến cho tuyển vật nữ Việt Nam trên các đấu trường khu vực, châu lục trong 1-2 năm tới, cũng như đủ khả năng vượt qua được “cái bóng” của cô chị Mỹ Hạnh”, Trưởng bộ môn Đinh Văn Kiên nhận định.

Hiện, chấn thương của Mỹ Hạnh đang trên đà hồi phục khá tốt, dự báo có thể tham gia tập huấn nước ngoài vào đầu năm 2022 (như đã đề cập). Những tin mừng đó cộng thêm việc cô em thứ 3 Mỹ Linh đang chờ Tổng cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) phê duyệt tham gia đội ngũ tập huấn nước ngoài, còn cô em thứ 4 Mỹ Tiên đang là một VĐV rất triển vọng ở đội tuyển tỉnh đã cho thấy, thành công mà tuyển vật tỉnh gặt hái ở những đấu trường lớn sẽ còn nối dài.

Bài, ảnh: HÀN ĐĂNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khả Tâm & giấc mơ SEA Games

Huy chương Bạc giải Taekwondo Hanul mở rộng 2024, huy chương Vàng cá nhân giải Taekwondo Cảnh sát châu Á 2024, cùng nhiều thành tích ấn tượng khác là cách mà Trần Nguyễn Khả Tâm – võ sinh Taekwondo của câu lạc bộ (CLB) Phù Đổng (TP. Huế) khẳng định mình và để lại dấu ấn ở các giải thi đấu trong, ngoài nước.

Khả Tâm  giấc mơ SEA Games
Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá

Ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu thể thao Việt Nam đạt vị trí tốp ba Đông Nam Á, tốp 20 châu Á, có huy chương tại Olympic và Paralympic. Theo các chuyên gia, hầu hết các mục tiêu đề ra phù hợp với thực lực của thể thao nước ta, nhưng cần sớm có điều chỉnh, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nhất là về kinh phí trong việc huy động nguồn lực đầu tư.

Thể thao thành tích cao cần thêm điều kiện để đột phá
Return to top