Thế giới

Vaccine không ảnh hưởng đến chu kỳ hay khả năng sinh sản của phụ nữ

ClockThứ Bảy, 18/09/2021 15:07
Cơ quan quản lý dược phẩm và sản phẩm Chăm sóc sức khỏe của Anh (MHRA) khẳng định không có mối liên hệ giữa vaccine ngừa COVID-19 với những vấn đề liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19.

CDC Mỹ: Những người không tiêm phòng có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao gấp 11 lầnPAHO: Các nước nên ưu tiên chủng ngừa COVID-19 cho phụ nữ mang thai và cho con bú

 Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Hartford, Connecticut, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại London, MHRA đã nhận được hơn 30.000 báo cáo về các vấn đề liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19. Các tác dụng phụ này bao gồm kỳ kinh dài hơn bình thường, chậm kinh, hoặc chảy máu âm đạo. Số liều vaccine đã tiêm cho phụ nữ là 47 triệu liều.

MHRA cho rằng rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng rất phổ biến, gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau và số lượng phụ nữ bị ảnh hưởng rất ít. Một số phụ nữ cũng bị thay đổi kỳ kinh sau khi nhiễm COVID-19, hoặc nhiễm bệnh với những triệu chứng kéo dài. Cơ quan này khẳng định vaccine phòng COVID-19 không liên quan đến rối loạn chu kỳ của phụ nữ.

Trước thông tin này, giới khoa học Anh khuyến cáo cần nghiên cứu rõ những hiện tượng như thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và chảy máu âm đạo sau khi tiêm vaccine ngừa COVID-19 để trấn an phụ nữ. Trong một bài viết trên tạp chí y khoa BMJ, Tiến sĩ Victoria Male từ Đại học Hoàng gia London, cho biết phản ứng miễn dịch của cơ thể có khả năng nguyên nhân gây ra những hiện tượng trên chứ không phải do vaccine. Hiện không có bằng chứng nào cho thấy vaccine ngừa COVID-19 ảnh hưởng tới việc mang thai hoặc khả năng sinh sản của phụ nữ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Male cho rằng cần thực hiện các nghiên cứu về các trường hợp được báo cáo liên quan tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sau tiêm để chống lại các thông tin sai lệch về vaccine. Bà cho biết nhiều phụ nữ trẻ chần chừ không muốn tiêm vaccine phần lớn do những thông tin sai lầm rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể ảnh hưởng tới khả năng mang thai của họ trong tương lai. Tiến sĩ Male cho rằng việc không điều tra kỹ lưỡng các trường hợp thay đổi chu kỳ kinh nguyệt sau tiêm có thể làm tăng thêm những lo ngại này.

Bà cho biết nếu các nghiên cứu xác nhận có mối liên hệ giữa tiêm chủng và sự thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ sẽ được chuẩn bị về sự thay đổi này, đồng thời nhấn mạnh các thông tin "rõ ràng và đáng tin cậy" là rất quan trọng đối với những phụ nữ có khả năng tính được kỳ kinh của mình. Tiến sĩ Male cũng cho rằng các nghiên cứu trong tương lai cũng nên nghiên cứu rõ sự tác động của mọi sự can thiệp y tế đối với chu kỳ kinh nguyệt.

Các loại vaccine khác, như vaccine phòng HPV, cũng có liên quan đến những thay đổi tương tự trong chu kỳ kinh nguyệt, song có rất ít nghiên cứu về cách thức và nguyên nhân xảy ra hiện tượng này.

Các nhà khoa học nhất trí rằng vaccine không ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ. Các thử nghiệm cho thấy tiêm chủng không làm thay đổi cơ hội mang thai tự nhiên hoặc trong quá trình điều trị sinh sản của phụ nữ. Nghiên cứu về khả năng sinh sản của nam giới sau khi tiêm vaccine cũng cho thấy không có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

Tiến sĩ Jo Mountfield, Phó chủ tịch Đại học Sản khoa và Phụ khoa Hoàng gia (RCOG), cho biết vaccine có thể liên quan tới những thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, song nhìn chung chỉ kéo dài trong một hoặc hai chu kỳ. Bà khuyến nghị bất cứ ai bị chảy máu nhiều bất thường, đặc biệt sau khi đã mãn kinh, cần trao đổi với chuyên gia y tế để được tư vấn, song nhấn mạnh hiện tượng này không có nguy cơ gây hại lâu dài.

Tiến sĩ Mountfield cho biết không có bằng chứng cho thấy những thay đổi tạm thời này sẽ có bất kỳ tác động nào tới khả năng sinh sản trong tương lai của phụ nữ. Theo RCOG, tiêm chủng là "biện pháp bảo vệ tốt nhất" chống lại COVID-19, đặc biệt đối với phụ nữ có kế hoạch mang thai, bởi phụ nữ mang thai chưa được tiêm phòng có nguy cơ bị mắc bệnh nặng do COVID-19 cao hơn những phụ nữ khác trong cùng độ tuổi.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế

Sáng 23/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh lần thứ IX, khoá XVI nhiệm kỳ 2021-2026; tổng kết hoạt động hội và phong trào phụ nữ năm 2024, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Đến dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Đức Tiến và lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh.

Phụ nữ đi đầu trong giữ gìn bản sắc văn hóa Huế
Hơn 2.000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

Ngày 8/12, tại khuôn viên Hồ Thiền Quang-Phố đi bộ Trần Nhân Tông (trước cổng Công viên Thống Nhất, Hà Nội), hơn 2.000 vận động viên trong nước và quốc tế đã tham giải Chạy vì một Việt Nam không có bạo lực giới với phụ nữ và trẻ em gái năm 2024, nhằm lan tỏa thông điệp, cam kết chung mạnh mẽ nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Hơn 2 000 người chạy vì một Việt Nam không có bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái
Return to top