Thế giới

Tổng Giám đốc WHO mong hợp tác “rất chặt chẽ” với chính quyền của ông Joe Biden

ClockThứ Ba, 10/11/2020 07:06
TTH.VN - Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 9/11 lên tiếng hoan nghênh những nỗ lực nhằm củng cố WHO thông qua cải cách; đồng thời khẳng định tổ chức này mong hợp tác chặt chẽ với chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden.

Ông Biden thành lập đội đặc nhiệm đối phó với đại dịch COVID-19Lãnh đạo thế giới bày tỏ mong muốn được làm việc với Tổng thống đắc cử Joe Biden

Tổng thống Mỹ đắc cử, ông Joe Biden và Phó Tổng thống Mỹ đắc cử, bà Kamala Harris. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

“Chúng tôi hoan nghênh tất cả và bất cứ nỗ lực nào nhằm củng cố tổ chức này không phải vì lợi ích của riêng tổ chức, mà vì lợi ích của những người mà chúng tôi phục vụ", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các Bộ trưởng Y tế khi bắt đầu Kỳ họp Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 73, được tổ chức từ ngày 9-14/11.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đóng băng quỹ tài trợ của Mỹ dành cho WHO, đồng thời bắt đầu một quá trình có thể chứng kiến ​​Mỹ rút khỏi tổ chức này vào tháng 7 tới, thu hút sự chỉ trích rộng rãi của quốc tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát. Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đã khẳng định, ông sẽ hủy bỏ quyết định rời bỏ WHO của ông Donald Trump ngay ngày đầu tiên ông nhậm chức.

Ngoài ra, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm: "Với tinh thần đó, chúng tôi xin chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris, và chúng tôi mong hợp tác rất chặt chẽ với chính quyền này”.

Người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh, cần hình dung lại vai trò lãnh đạo, xây dựng dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau và trách nhiệm chung để chấm dứt đại dịch và giải quyết những sự bất bình đẳng cơ bản nằm ở gốc rễ của rất nhiều vấn đề trên thế giới.

Phát biểu của ông Tedros Adhanom Ghebreyesus được đưa ra trước kỳ họp cấp bộ trưởng của 194 quốc gia thành viên WHO, đã được nối lại vào ngày 9/11 sau một kỳ họp được rút gọn vào tháng 5 vừa qua.

Được biết, các trường hợp nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 50 triệu người, với 1,2 triệu trường hợp tử vong.

Hồi tuần trước, một hội đồng giám sát đã kêu gọi các cải cách tại WHO, bao gồm tài trợ "có thể dự báo và linh hoạt" và thiết lập một hệ thống đa tầng nhằm cảnh báo các quốc gia sớm hơn về những đợt bùng phát dịch bệnh, trước khi chúng leo thang.

Theo Tổng Giám đốc WHO, vắc-xin ngừa COVID-19 đang được phát triển nên được phân bổ một cách công bằng, như "hàng hóa công cộng toàn cầu, chứ không phải là hàng hóa tư nhân".

Cuộc chiến dài phía trước

Cũng trong ngày 9/11, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden nhận định trong một tuyên bố: “Điều quan trọng là cần hiểu rằng, vẫn còn nhiều tháng nữa để kết thúc cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19”. Qua đó, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng liên tục của việc đeo khẩu trang.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Joe Biden thông báo, ông đã bổ nhiệm các nhà khoa học, những người sẽ dẫn đầu phản ứng của chính quyền trong cuộc chiến chống lại đại dịch, báo hiệu các kế hoạch của ông là ưu tiên đối phó với COVID-19 ngay từ đầu.

Đáng chú ý, đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 237.000 người tử vong ở Mỹ, con số tử vong tồi tệ nhất trên toàn cầu, và đang gia tăng trên toàn quốc. Theo số liệu từ Đại học Johns Hopkins, số lượng các ca nhiễm mới ở Mỹ đã vượt ngưỡng 100.000 ca cứ mỗi 24 giờ đồng hồ trong nhiều ngày liên tiếp, vượt tổng số 10 triệu ca nhiễm, khi không có dấu hiệu chậm lại.

Ông Joe Biden khẳng định, đại dịch COVID-19 vẫn là một trong những trận chiến quan trọng nhất mà chính quyền của ông sẽ phải đối mặt.

Được biết, Hội đồng Cố vấn về COVID-19 của ông Joe Biden bao gồm các nhà khoa học hàng đầu, sẽ giúp định hình phương pháp tiếp cận của ông trước sự gia tăng về số lượng các ca nhiễm bệnh trên khắp đất nước, cũng như đảm bảo vắc-xin an toàn được phân phối một cách hiệu quả, trong khi thực hiện bảo vệ các nhóm dân số có nguy cơ. Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden cam kết sẽ xây dựng một kế hoạch chi tiết, mà ông sẽ bắt đầu thực hiện vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình.

Lê Thảo (Lược dịch từ Reuters & AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WHO kêu gọi 1,5 tỷ USD giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có

Trong bối cảnh xung đột, biến đổi khí hậu, các dịch bệnh và tình trạng di dời đang tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có, với 305 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp vào năm 2025, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang kêu gọi 1,5 tỷ USD để hỗ trợ các biện pháp can thiệp y tế cứu sống trên toàn thế giới.

WHO kêu gọi 1,5 tỷ USD giải quyết khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có
Hội nghị Chính phủ và chính quyền địa phương:
Chính phủ cam kết phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương được tổ chức trực tuyến toàn quốc vào sáng 8/1; sau khi thảo luận đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024, các nhiệm vụ, giải pháp triển khai kinh tế - xã hội năm 2025 và nghe Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu đáp từ, kết thúc Hội nghị, trong đó nhấn mạnh tập thể Chính phủ cam kết quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025.

Chính phủ cam kết phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2025
Return to top