Thế giới

Thương mại toàn cầu chính thức đạt kỷ lục trong năm 2024

ClockThứ Bảy, 15/03/2025 17:09
TTH.VN - Theo Báo cáo cập nhật thương mại toàn cầu mới nhất của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), thương mại toàn cầu ghi nhận đạt mức kỷ lục 33 nghìn tỷ USD vào năm 2024, tăng 3,7% (1,2 nghìn tỷ USD). Đồng thời, UNCTAD cũng cảnh báo, mặc dù thương mại toàn cầu vẫn mạnh mẽ, song tình hình bất ổn sẽ xuất hiện vào năm 2025.

Moody’s: Kinh tế toàn cầu mong manh, tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm nayChâu Á là “ngọn hải đăng của các cơ hội tăng trưởng"Ngành hàng không thương mại dự báo tăng trưởng nhanh hơn trung bình toàn cầuCác doanh nghiệp nhỏ và vừa: Tác nhân AI sẽ là công cụ thay đổi cuộc chơi thương mại toàn cầuASEAN cần tận dụng thương mại, du lịch và số hóa để tăng trưởng bền vững

 Các nền kinh tế đang phát triển dẫn đầu tăng trưởng trong năm 2024. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ

Trong số các ngành nghề, dịch vụ là nhân tố hàng đầu thúc đẩy thương mại toàn cầu tăng trưởng với mức tăng 9% trong năm, qua đó đóng góp thêm 700 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng mức tăng trưởng của thương mại thế giới. Thương mại hàng hóa tăng 2%, đóng góp 500 tỷ USD.

Bên cạnh đó, hầu hết các khu vực đều có mức tăng trưởng tích cực, ngoại trừ châu Âu và Trung Á. Mức tăng trưởng cụ thể cũng khác nhau tùy theo ngành. Cụ thể, nông sản thực phẩm, công nghệ truyền thông và vận tải ghi nhận tăng, trong khi các lĩnh vực như năng lượng, may mặc và khai khoáng phát triển chậm lại do nhu cầu yếu hơn và thay đổi trong chính sách.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng nhìn chung đã chậm lại trong nửa cuối năm 2024. Trong quý IV, thương mại hàng hóa tăng trưởng dưới 0,5% và dịch vụ chỉ tăng nhẹ 1%.

Cùng với đó, lạm phát thương mại gần như bằng 0 khi giá hàng hóa giao dịch ổn định vào quý IV/2024. Những tác động kéo dài của tình trạng lạm phát cao sau đại dịch dường như đã kết thúc.

Các nền kinh tế đang phát triển dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu

Ghi nhận trong năm 2024, các nền kinh tế đang phát triển đã vượt qua các quốc gia phát triển, với kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu tăng 4% trong năm và 2% trong quý IV, chủ yếu là ở khu vực Đông Á và Nam Á. Thương mại của các nước đang phát triển ở khu vực Nam Bán cầu cũng ghi nhận mức tăng 5% hằng năm và 4% trong quý IV/2024.

Trong số các quốc gia, thương mại Ấn Độ vượt trội so với mức trung bình thương mại toàn cầu. Ngược lại, thương mại ở Liên bang Nga, Nam Phi và Brazil vẫn khá chậm trong hầu hết cả năm, với một số được cải thiện trong quý IV của năm.

Trong khi đó, hoạt động thương mại của các nền kinh tế phát triển tương đối trì trệ, với kim ngạch xuất nhập khẩu không đổi trong năm và giảm 2% trong quý gần nhất.

Sự mất cân bằng thương mại hàng hóa gia tăng

Vào năm 2024, tình trạng mất cân bằng thương mại toàn cầu sẽ trở lại mức của năm 2022.

Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đạt -355 tỷ USD, tăng 14 tỷ USD trong quý IV/2024, trong khi thâm hụt với Liên minh châu Âu (EU) tăng 12 tỷ USD lên -241 tỷ USD.

Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc đã đẩy thặng dư thương mại của nước này lên mức cao nhất kể từ năm 2022. Nhờ giá năng lượng cao, EU đã đảo ngược tình trạng thâm hụt trước đó và đạt thặng dư thương mại trong năm 2024.

Các chuyên gia nhận định, tăng trưởng thương mại vẫn duy trì vào đầu năm 2025, nhưng vẫn còn nhiều bất ổn. Cụ thể, căng thẳng địa kinh tế gia tăng, chính sách bảo hộ và tranh chấp thương mại là những yếu tố báo hiệu những giai đoạn khó khăn có thể xảy ra trong tương lai. 

Chỉ số vận chuyển giảm báo hiệu nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất, đầu vào… yếu hơn, khi các doanh nghiệp phải thích nghi với tình hình bất ổn gia tăng.

Theo dự đoán, thách thức của năm 2025 là ngăn chặn tình trạng phân mảnh toàn cầu, nơi các quốc gia hình thành các khối thương mại biệt lập, đồng thời quản lý các thay đổi về chính sách, nhưng vẫn phải đảm bảo không làm suy yếu tăng trưởng dài hạn.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ UNCTAD)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đánh thức” tiềm năng du lịch đường sông

Ngoài hệ thống các di sản được UNESCO ghi danh, các thắng cảnh nổi tiếng, Huế còn được biết đến với hệ thống các con sông đa dạng, cảnh quan ven sông đẹp, giàu tiềm năng phát triển du lịch. Thế nhưng, nhiều năm qua, tài nguyên du lịch đường sông vẫn đang chủ yếu dừng lại dưới dạng tiềm năng.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch đường sông
Return to top