Thế giới

Thử nghiệm cho thấy vaccine sốt rét thứ hai có tính bảo vệ cao

ClockThứ Sáu, 02/02/2024 13:52
TTH.VN - Kết quả vừa được công bố từ một thử nghiệm quy mô lớn cho thấy loại vaccine sốt rét do Đại học Oxford và Viện Huyết thanh Ấn Độ phát triển - được gọi là R21, đã giúp ngăn ngừa khoảng 3/4 số ca sốt rét có triệu chứng ở trẻ nhỏ trong năm đầu tiên sau khi chúng được tiêm phòng.

WHO tiền thẩm định vaccine R21/Matrix-M - cột mốc quan trọng trong phòng chống sốt rétWHO phê duyệt vaccine ngừa sốt rét thứ hai cho trẻ emCông bố vaccine chống sốt rét đầu tiên trên thế giới

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa sốt rét cho trẻ tại Gisambai, Kenya. Ảnh: AFP/TTXVN

Loại vaccine này đã được các cơ quan quản lý ở ba quốc gia Tây Phi và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt để sử dụng, và là loại vaccine ngừa sốt rét thứ hai sẽ được cung cấp trong năm 2024.

Vaccine sốt rét đầu tiên đã ra mắt tại Cameroon vào tháng 1 và được phát triển bởi nhà sản xuất thuốc GSK.

Cả hai loại vaccine này đều có khả năng tạo ra những đột phá lớn trong việc chống lại căn bệnh do muỗi truyền vốn vẫn giết chết hơn nửa triệu người mỗi năm, chủ yếu là trẻ nhỏ ở châu Phi cận Sahara.

Trong một cuộc phỏng vấn, Tiến sĩ Mary Hamel - người đứng đầu chương trình triển khai vaccine sốt rét của WHO cho biết “đây là điều mà chúng ta đã chờ đợi trong nhiều thập kỷ” và việc có hai loại vaccine sốt rét an toàn và hiệu quả là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.

Được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet ngày 1/2, kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine R21 trên 4.800 trẻ em ở 4 quốc gia châu Phi cho thấy vaccine này đã ngăn ngừa 75% số ca sốt rét ở trẻ em từ 5 - 36 tháng tuổi, tại những khu vực đã tiêm 3 liều đầu tiên trước mùa sốt rét cao điểm.

Vaccine này cũng giúp ngăn ngừa được 68% số ca nhiễm ở những khu vực lây nhiễm xảy ra quanh năm.

Các nhà nghiên cứu cho biết hiệu quả vẫn được duy trì khi tiêm nhắc lại một năm sau đó, mặc dù khả năng bảo vệ dường như suy yếu dần theo thời gian. Hiện thử nghiệm vẫn đang tiếp tục được tiến hành.

Tiến sĩ Brian Greenwood, Giáo sư Y học Nhiệt đới Lâm sàng tại Trường Vệ sinh dịch tễ và Y học Nhiệt đới London, người đã nghiên cứu vaccine trong nhiều thập kỷ, cho rằng điều cần thiết bây giờ là học cách sử dụng những loại vaccine đang có này một cách tốt nhất, đồng thời đề cập đến nhu cầu tiềm tàng về việc tiêm nhắc lại thường xuyên, cũng như kết hợp các mũi tiêm với thuốc và dụng cụ phòng bệnh như mùng màn.

Giá sư Greenwood và các chuyên gia khác cho biết việc so sánh trực tiếp hai loại vaccine là rất khó khăn vì có nhiều biến số liên quan đến các thử nghiệm, bao gồm độ tuổi của trẻ được tiêm chủng và thời gian chúng được nghiên cứu, phạm vi bao phủ của các loại thuốc phòng ngừa được cung cấp cùng với các mũi vaccine và mức độ lây truyền bệnh sốt rét trong một khu vực, cùng với nhiều yếu tố khác.

Bất chấp một vài khác biệt, trong đó khác biệt chính là vaccine R21 mới rẻ hơn (khoảng 3 USD một liều) và sẵn có hơn, thì khi so sánh 2 loại vaccine sốt rét này trong cùng điều kiện, hiệu quả của chúng là tương tự nhau, các chuyên gia khẳng định trong một kết luận đã được WHO xác nhận.

Theo Giám đốc điều hành Adar Poonawalla, sẽ chỉ có 18 triệu liều vaccine của GSK được cung cấp cho đến năm 2026, trong khi Serum sẽ cho sản xuất 25 triệu liều R21 trong năm 2024.

Giáo sư Alassane Dicko, người đứng đầu thử nghiệm vaccine R21 ở Mali, cho rằng loại vaccine này nên được triển khai càng sớm càng tốt và việc cần làm ngay bây giờ là tiêm vaccine cho trẻ em.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người

Theo các chuyên gia, sự phụ thuộc ngày càng tăng của con người vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (GenAI) có thể khiến họ mất đi lợi thế trong việc phát triển các kỹ năng đọc, viết và kỹ năng phân tích quan trọng trong tương lai.

GenAI đe dọa sự phát triển kỹ năng của con người
Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày 26/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tổ chức hội nghị tập huấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Return to top