Thế giới

Thời tiết cực đoan khiến 2 triệu người tử vong, gây tổn thất 4.300 tỷ USD trong 50 năm qua

ClockThứ Ba, 23/05/2023 16:17
TTH.VN - Hơn 2 triệu người chết và thiệt hại kinh tế 4,3 nghìn tỷ USD: đó là tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan kéo dài suốt nửa thế kỷ qua do sự nóng lên toàn cầu mà con người gây ra, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mới đây cho biết.

Thời tiết khắc nghiệt gây thiệt hại hơn 170 tỷ USD năm 2021Thảm họa thời tiết ảnh hưởng hơn 32% người MỹTừ “cảnh báo sớm” đến “hành động sớm”

leftcenterrightdel
Nước Đức vào tháng 7/2021 đã phải hứng chịu thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều năm. Ảnh: Getty Images 

Theo WMO, các mối nguy hiểm liên quan đến thời tiết, khí hậu và nước đã gây ra gần 12.000 thảm họa từ năm 1970 đến năm 2021, trong đó các nước đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 9/10 số ca tử vong và 60% thiệt hại kinh tế là do các cú sốc khí hậu và thời tiết khắc nghiệt.

WMO báo cáo rằng chỉ riêng nước Mỹ đã gánh chịu tổn thất 1,7 nghìn tỷ USD liên quan đến các thảm hoạ khí hậu và thời tiết, chiếm 39% thiệt hại kinh tế trên toàn thế giới trong 51 năm qua. Tuy nhiên, các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển là những nước đang phải chịu tổn thất cao “không tương xứng” so với quy mô nền kinh tế của các nước này.

“Thật không may khi những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất phải gánh chịu gánh nặng của thời tiết, khí hậu và các hiểm họa liên quan đến nước”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh.

Bất bình đẳng nghiêm trọng

Dữ liệu của WMO cho thấy ở các nước kém phát triển nhất, một số thảm họa trong nửa thế kỷ qua đã gây ra thiệt hại kinh tế lên tới 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển, cứ 5 thảm họa thì có 1 thảm họa có tác động “tương đương hơn 5%” GDP, và thậm chí, một số thảm họa còn quét sạch toàn bộ GDP của quốc gia đó. 

Đáng chú ý, trong 50 năm qua, châu Á chứng kiến số người thiệt mạng cao nhất do thời tiết cực đoan, khí hậu và các sự kiện liên quan đến nước, với tổng cộng gần 1 triệu người đã chết, trong đó hơn một nửa chỉ riêng ở Bangladesh.

Tại châu Phi, WMO cho biết hạn hán chiếm 95% trong số 733.585 ca tử vong do thảm họa khí hậu được báo cáo.

leftcenterrightdel
 Miền trung Brazil đã trải qua đợt hạn tồi tệ nhất trong 100 năm, gây cháy rừng nghiêm trọng. Ảnh:  AP/TTXVN

Vai trò quan trọng của cảnh báo sớm 

Tuy nhiên, WMO khẳng định các hệ thống cảnh báo sớm được cải thiện và sự phối hợp trong quản lý thảm họa đã giúp giảm thiểu tác động chết người của các thảm họa. Ông Taalas nhấn mạnh rằng “những cảnh báo sớm sẽ cứu được nhiều mạng sống”.

WMO cũng lưu ý rằng số ca tử vong do các thảm hoạ liên quan đến thời tiết được ghi nhận trong năm 2020 và 2021 đã thấp hơn mức trung bình của thập kỷ trước.

Dẫn chứng về cơn bão lốc xoáy nghiêm trọng Mocha vào tuần trước – cơn bão đã tàn phá các vùng ven biển của Myanmar và Bangladesh và tấn công “những người nghèo nhất trong số những người nghèo”, Tổng thư ký WMO nhắc lại rằng những thảm họa thời tiết tương tự trong quá khứ đã khiến hàng chục ngàn và thậm chí cả hàng trăm ngàn người thiệt mạng ở cả hai quốc gia này.

“Nhờ có các hệ thống cảnh báo sớm và quản lý thảm họa, tỷ lệ tử vong tàn khốc này đã trở thành lịch sử”, người đứng đầu WMO nhấn mạnh.

Trước đó, cơ quan này chỉ ra rằng chỉ cần thông báo trước 24 giờ trước khi nguy cơ thời tiết xảy ra là đã có thể làm giảm 30% các thiệt hại tiếp theo. Theo WMO, các hệ thống cảnh báo sớm được xem là “trái ngọt” của việc thích ứng với biến đổi khí hậu vì lợi tức cao gấp 10 lần khoản đầu tư cần bỏ ra.

Những phát hiện mới về thiệt hại kinh tế và con người do các thảm họa thời tiết được WMO công bố tại Đại hội Khí tượng Thế giới được tổ chức 4 năm/lần. Hội nghị năm nay vừa khai mạc ngày 22/5 tại Geneva (Thuỵ Sĩ), với trọng tâm là thực hiện sáng kiến Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người của Liên Hiệp Quốc, nhằm đảm bảo rằng các dịch vụ cảnh báo sớm có thể đến được với tất cả mọi người trên Trái đất vào cuối năm 2027.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Được Tổng thư ký LHQ António Guterres đưa ra tại hội nghị biến đổi khí hậu COP27 ở Sharm al-Sheikh (Ai Cập) vào tháng 11 năm ngoái, sáng kiến Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người là một trong những ưu tiên chiến lược hàng đầu được Đại hội Khí tượng Thế giới - cơ quan ra quyết định của WMO, thông qua.

Hội nghị cấp cao này tập hợp các đại diện hàng đầu của các cơ quan LHQ, ngân hàng phát triển, chính phủ và các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia chịu trách nhiệm đưa ra các cảnh báo sớm.

Hiện tại, chỉ một nửa thế giới được bao phủ bởi các hệ thống cảnh báo sớm, trong khi các quốc đảo nhỏ đang phát triển và các quốc gia kém phát triển nhất bị bỏ lại phía sau.

Đầu năm nay, Tổng thư ký LHQ đã tập hợp những người đứng đầu cơ quan và các đối tác để nhanh chóng triển khai sáng kiến Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người. Nhóm đầu tiên gồm 30 quốc gia có nguy cơ “đặc biệt cao”, với gần một nửa trong số đó là ở Châu Phi, đã được xác định để triển khai sáng kiến vào năm 2023.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN News)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thế giới đã tổn thất 2 nghìn tỷ USD do thời tiết khắc nghiệt

Tờ The Guardian ngày 11/11 trích dẫn kết quả một nghiên cứu mới cho hay, thời tiết khắc nghiệt đã gây thiệt hại cho thế giới 2 nghìn tỷ USD trong thập kỷ qua. Nghiên cứu đã thực hiện phân tích 4.000 sự kiện thời tiết khắc nghiệt liên quan đến khí hậu, từ lũ quét cho đến những đợt hạn hán kéo dài.

Thế giới đã tổn thất 2 nghìn tỷ USD do thời tiết khắc nghiệt
Cảnh giác, chủ động, không chủ quan

Bão số 6 (TRAMI) tạm biệt Philippines để vào Biển Đông và phăm phăm hướng về miền Trung nước ta. Là dân của xứ “trời hành cơn lụt mỗi năm”, lại vừa chứng kiến cơn bão Yagi tàn phá kinh hoàng các tỉnh phía bắc, nên từ trước đó nhiều ngày, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về bão. Và hầu như ai cũng có smartphone nên vừa bàn tán, vừa mở mạng xem dự báo, đường đi của bão nó sẽ như thế nào.

Cảnh giác, chủ động, không chủ quan
Đừng chủ quan với mưa bão

Dù đã được tuyên truyền, cảnh báo nhưng vẫn có người chủ quan với mưa bão, nhất là sau những trận mưa bão đi qua. Ở đâu đó, vẫn có những hậu quả đau lòng, những thiệt hại không đáng có.

Đừng chủ quan với mưa bão
Return to top