ClockChủ Nhật, 01/01/2017 10:23

Thế giới hi vọng gì ở năm 2017?

Rất khó đoán định điều gì sẽ xảy ra trong năm 2017, khi năm vừa qua đã có quá nhiều “thiên nga đen” (hiện tượng hiếm gặp và khó đoán).

Thế giới hân hoan đón chào năm mới 2017Người dân Pháp tưng bừng chuẩn bị cho lễ đón Năm mới 2017Châu Âu đồng loạt tăng cường an ninh trước thềm Năm mớiASEAN sẽ thay đổi trong năm mới

 

Người dân Tây Ban Nha chuẩn bị đón chào năm mới 2017 tại thủ đô Madrid  - Ảnh: Reuters
Người dân Tây Ban Nha chuẩn bị đón chào năm mới 2017 tại thủ đô Madrid - Ảnh: Reuters

Có những mảng tối đã khép lại, có những nơi đã ngừng tiếng súng và cả những điểm sáng mới được mở ra. Nhân loại đang hi vọng một năm 2017 thêm nhiều màu sắc tươi sáng.

Sáng - tối đan xen

Ắt hẳn nhiều người sẽ không quên được đêm 8/11. Đó là thời khắc khi ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump vượt qua mốc tối thiểu 270 phiếu đại cử tri và cán đích trước tiên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Hillary Clinton - cái tên được xướng lên như người chiến thắng trong hầu hết cuộc thăm dò trước bầu cử, được giới truyền thông tung hô - bỗng chốc trở thành kẻ chiến bại. Nhưng đó liệu có phải là cơn địa chấn duy nhất trong chính trị quốc tế?

Hẳn nhiên là không.

Năm tháng trước đó, ngày 23-6, cơn địa chấn lớn đầu tiên đã xảy ra bên kia bờ Đại Tây Dương với Brexit - cuộc chia ly của người Anh với Liên minh châu Âu (EU), mà hệ quả của nó là thủ tướng đương nhiệm khi đó David Cameron phải từ chức. Tiếp đó là sự trỗi dậy của các phong trào dân túy, các đảng cực hữu và chống nhập cư tại châu Âu.

Còn tại châu Á, đó là vụ bê bối chính trị ở Hàn Quốc liên quan tới Tổng thống Park Geun Hye (hiện đã bị đình chỉ thực quyền) và cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Không thể phủ nhận năm 2016 đã khai quật nhiều mảng tối, nhưng cũng không ít điều tích cực đã xảy ra và được ghi nhận.

Cuộc nội chiến tại Syria bước vào giai đoạn mới khi Aleppo - thành trì quan trọng của phe nổi dậy - được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Đã không có kịch bản một cuộc “tắm máu” tại Aleppo như truyền thông phương Tây vẽ ra, người ta chỉ thấy từng đoàn xe chở các tay súng nổi dậy và gia đình lũ lượt rời khỏi thành phố này. Aleppo cũng đã ngừng tiếng súng sau hơn 4 năm bạo lực không dứt.

Trong năm 2016, tình hình Biển Đông tiếp tục chứng kiến nhiều diễn biến mới và phức tạp từ các động thái hung hăng của Trung Quốc với yêu sách chủ quyền vô lý của nước này. Phán quyết của Tòa trọng tài về Biển Đông hồi tháng 7 đã bác bỏ những yêu sách vô lý đó, bác bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử” do Bắc Kinh tạo dựng nên.

Đây có thể xem là một bước ngoặt quan trọng, góp phần củng cố các tuyên bố và cơ sở pháp lý về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông. Việc Trung Quốc phớt lờ phán quyết chỉ làm hình ảnh của họ trên cương vị là cường quốc số 2 thế giới thêm lu mờ.

2017 và 
những điều hi vọng

Dưới con mắt của những người lạc quan, thế giới trong năm 2017 sẽ chứng kiến xu thế hợp tác nhiều hơn giữa các nước, vì sự phát triển và hòa bình chung của khu vực và thế giới. Trong số đó, mối quan hệ giữa các nước lớn được xem là quan trọng, bởi nó định hình trật tự trong quan hệ quốc tế.

175 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc cùng đặt bút ký vào thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Mỹ, Trung Quốc, EU và nhiều quốc gia khác sau đó cuối cùng đã phê chuẩn thỏa thuận này, mở ra những hi vọng cho năm 2017 và những năm sau đó trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất.

2017 cũng là năm bản lề của tân Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres. Với kinh nghiệm nhiều năm là người đứng đầu cơ quan cứu trợ người tị nạn cùng bản lĩnh ngoại giao dày dạn, hi vọng trên cương vị mới ông Guterres sẽ là trung gian hòa giải các vấn đề nóng của thế giới, giải quyết dứt điểm vấn đề tị nạn - di dân và dần kết thúc điểm nóng xung đột toàn cầu.

Bất chấp những hục hặc cuối cùng của năm 2016, đã có những chỉ dấu cho thấy quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ nồng ấm và bớt gay gắt. Tương tự là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang xích lại gần nhau, bất chấp các tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông.

Cuối cùng, hãy cùng nguyện cầu những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới 2017 - nơi mà tiếng hát sẽ thay tiếng súng và bom đạn, tiếng cười sẽ thay những giọt 
nước mắt…

Bóng ma khủng bố vẫn còn

Các vụ tấn công khủng bố liên tiếp vào thời điểm cuối năm ở châu Âu một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo thế giới vẫn chưa thật sự kết thúc cuộc chiến chống khủng bố. Sự xuất hiện của các hình thức tấn công mới, vấn nạn “sói cô đơn” (chỉ những kẻ tự cực đoan hóa và không thuộc tổ chức nào) là mối đe dọa thường trực đối với mỗi quốc gia.

Ở mảng công nghệ, 2016 hẳn sẽ là năm khó quên đối với Samsung. Vụ bê bối liên quan tới chiếc điện thoại “con cưng” Samsung Galaxy Note 7 đã khiến gã khổng lồ đến từ Hàn Quốc thiệt hại hàng chục tỉ USD.

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ông Trump sẽ rời thủ đô Washington trước lễ nhậm chức Tổng thống

Ông Trump dự kiến tham dự một buổi lễ tạm biệt tại sân bay quân sự Andrew ở ngoại ô thủ đô Washington thay vì tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Chưa có Tổng thống Mỹ nào từng tham dự lễ chia tay ở sân bay này trước lễ tuyên thệ nhậm chức.

Ông Trump sẽ rời thủ đô Washington trước lễ nhậm chức Tổng thống
Trump sẽ kết thúc nhiệm kỳ thế nào?

Câu hỏi đầu tiên được giới quan sát đặt ra là liệu Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump có mời Tổng thống đắc cử tới Nhà Trắng và trò chuyện trước lễ nhậm chức hay không?

Trump sẽ kết thúc nhiệm kỳ thế nào

TIN MỚI

Return to top