ClockThứ Năm, 30/05/2019 15:04

Nga, Mỹ thảo luận kế hoạch hòa bình chấm dứt cô lập Syria

Nga và Mỹ đang tiến hành thảo luận nhằm tìm ra một giải pháp chấm dứt xung đột Syria và đưa quốc gia Trung Đông này quay trở lại cộng đồng quốc tế.

Trung Đông 2018 – Khát vọng hòa bình vẫn còn xaDamascus (Syria) đón Giáng sinh trọn vẹn đầu tiên sau 7 năm nội chiếnNgoại trưởng Mỹ thăm 5 nước Trung Đông để thảo luận về tình hình Syria

Mỹ và Nga đang trong quá trình thảo luận để tìm ra một biện pháp khả thi nhằm giúp Syria thoát khỏi sự cô lập quốc tế nếu nước này nhất trí một số biện pháp, trong đó có lệnh ngừng bắn ở Idlib, đặc phái viên Mỹ về Syria Jim Jeffrey cho biết ngày 29/5.

Nga, Mỹ thảo luận kế hoạch hòa bình chấm dứt cô lập Syria. Ảnh: AFP

Ông Jim Jeffrey nhận định với báo giới sau khi kết thúc cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng Moscow và Washington đang tìm hướng tiếp cận theo từng bước để chấm dứt cuộc nội chiến 8 năm ở Syria nhưng điều này sẽ đòi hỏi "những quyết định cứng rắn".

Trong các cuộc hội đàm với Nga vào tháng này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thảo luận về một kế hoạch nhằm "cho phép chính phủ Syria tuân theo nghị quyết 2254 của Liên Hợp Quốc trong việc quay trở lại cộng đồng quốc tế", ông Jeffrey cho biết.

Nghị quyết 2254 kêu gọi các cuộc đàm phán hòa bình nhằm soạn thảo một hiến pháp mới và tổ chức bầu cử dưới sự giám sát của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Đặc phái viên của Mỹ cũng tuyên bố thêm: "Cho tới nay, chúng tôi vẫn chưa thấy giải pháp nào được thực hiện, chẳng hạn như lệnh ngừng bắn ở Idlib. Một cuộc họp của ủy ban hiến pháp sẽ cho thấy chính quyền Tổng thống Assad cần thực sự làm gì để chấm dứt cuộc xung đột này".

Ông Jeffrey đã gặp riêng các đặc phái viên của 4 nước thành viên thường trực còn lại trong Hội đồng Bảo An gồm Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga ngày 29/5. Đặc phái viên Mỹ cho biết các quốc gia đều có "mối quan tâm chung trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột này".

"Tuy nhiên, điều này cần phải áp dụng các quyết định cứng rắn, những quyết định không chỉ được đưa ra bởi chúng tôi mà còn cả từ Nga và quan trọng hơn cả là từ chính phủ Syria".

Cuộc gặp của Hội đồng Bảo an tập trung vào việc thảo luận các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt giao tranh giữa bối cảnh các lực lượng của Tổng thống Assad và Nga tiến hành các cuộc tấn công vào khu vực tây bắc tỉnh Idlib - thành trì quan trọng cuối cùng của phe nổi dậy.

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin, người tham dự các cuộc họp ở Liên Hợp Quốc tuần này đã phát biểu với báo giới rằng các lực lượng của chính phủ Syria do Nga ủng hộ đang tiến hành các "chiến dịch chống khủng bố" tại quốc gia Trung Đông này.

Hầu hết lãnh thổ tỉnh Idlib đều do Hayat Tahrir al-Sham - nhóm nổi dậy từng là 1 nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda kiểm soát.

Ông Vershinin nhận định Nga "sẵn sàng hợp tác" với Mỹ để tìm kiếm "tầm nhìn chung về một giải pháp chính trị bền vững ở Syria".

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Geir Pedersen nhấn mạnh hợp tác Nga - Mỹ là yếu tố then chốt để thúc đẩy một thoả thuận hoà bình cho Syria nhưng chính phủ Damascus phải nhất trí các biện pháp này.

"Nếu không thực hiện được điều đó, chúng ta sẽ rơi vào một viễn cảnh "không chiến tranh, không hòa bình" khi mà mọi thứ vẫn tiếp diễn một cách phức tạp và Syria sẽ không thể trở thành một phần trong cộng đồng quốc tế trong tương lai", ông Pedersen cho biết.

Hơn 370.000 người đã thiệt mạng và một nửa dân số Syria đã phải rời bỏ nhà cửa kể từ khi nội chiến nổ ra tháng 3/2011.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngân hàng Thế giới: Động đất gây thiệt hại 5,1 tỷ USD tại Syria

Ngân hàng Thế giới ngày 3/3 cho biết trận động đất nghiêm trọng và các đợt dư chấn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi tháng trước đã gây ra thiệt hại vật chất trực tiếp lên đến khoảng 5,1 tỷ USD ở Syria, làm tăng thêm nhiều khó khăn cho quốc gia vốn đã bị chiến tranh tàn phá này.

Ngân hàng Thế giới Động đất gây thiệt hại 5,1 tỷ USD tại Syria
Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng là quá lớn, gây áp lực đáng kể lên lực lượng cứu hộ ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

TIN MỚI

Return to top