Thế giới

Nhật Bản, Mỹ hợp tác về AI tạo sinh để hiện đại hóa công tác nghiên cứu

ClockThứ Ba, 09/04/2024 14:28
TTH.VN - Tạp chí Nikkei Asia ngày hôm nay (9/4) cho hay, Chính phủ Nhật Bản và Mỹ sẽ hình thành một khuôn khổ hợp tác sử dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative artificial intelligence), hay AI tạo sinh, để đưa nghiên cứu khoa học lên một tầm cao mới.

WHO ban hành hướng dẫn về sử dụng AI tạo sinh trong chăm sóc sức khỏeĐại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết đầu tiên về AI

 Biểu tượng ứng dụng ChatGPT, một công nghệ AI tạo sinh do Công ty OpenAI phát triển. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo đó, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản Moriyama Masahito sẽ đến Mỹ để gặp Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ David Turk, và hai bên sẽ ký kết một văn bản vạch ra những nỗ lực hợp tác liên quan đến công nghệ.

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết, đây là thỏa thuận song phương đầu tiên với Mỹ liên quan đến nghiên cứu AI cơ bản. Hình thành cốt lõi của thỏa thuận này là việc cùng sử dụng các mô hình nền tảng hỗ trợ AI tạo sinh.

Công nghệ AI tạo sinh đang bắt đầu được sử dụng trong môi trường nghiên cứu để ghi lại biên bản và tạo tài liệu. Bằng cách học máy từ những dữ liệu thực nghiệm, các tài liệu nghiên cứu và những nguồn tương tự, AI có thể đưa ra các giả thuyết khoa học và các thiết kế thử nghiệm. Điều đó sẽ giúp cải thiện một cách đáng kể hiệu quả trong công tác nghiên cứu, từ đó dẫn đến những khám phá mới.

Liên quan đến lĩnh vực này, Riken, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản trong năm tài chính vừa qua đã bắt đầu phát triển công nghệ AI tạo sinh để tăng tốc độ nghiên cứu khoa học. Trong khi đó tại Mỹ, Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cũng tiến hành hoạt động tương tự.

Đối với mô hình nền tảng của Mỹ, mục tiêu là kết hợp hơn 1 nghìn tỷ tham số. Riken có kế hoạch ban đầu đạt khoảng 100 tỷ thông số cho mô hình của đơn vị này, sau đó mở rộng quy mô hơn nữa.

Sáng kiến này sẽ được đề cập trong tuyên bố chung dự kiến được Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào ngày 10/4.

Được biết, Riken và Argonne sẽ làm việc cùng nhau dựa trên tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng như thỏa thuận giữa Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản và Bộ Năng lượng Mỹ. Hai viện nghiên cứu dự kiến sẽ hợp tác trong 7 lĩnh vực, bao gồm việc sử dụng chung công nghệ AI tạo sinh và dữ liệu, cùng với việc trao đổi các nhà nghiên cứu.

Cụ thể, hai bên sẽ thúc đẩy trao đổi các nhà nghiên cứu, cán bộ và nghiên cứu sinh. Đồng thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ nguồn nhân lực và vật chất cần thiết cho nghiên cứu, với sự kết hợp của công nghệ AI tạo sinh, siêu máy tính Fugaku của Nhật Bản và siêu máy tính Aurora của Mỹ.

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản và Bộ Năng lượng Mỹ đã xây dựng các tài liệu vạch ra khuôn khổ hợp tác trong các dự án nghiên cứu nhắm vào những lĩnh vực riêng biệt. Thỏa thuận sắp tới sẽ cập nhật tuyên bố năm 2014 về hợp tác liên quan đến các siêu máy tính, bổ sung thêm nội dung về hợp tác trong lĩnh vực AI.

Trong khi văn bản trước đó về các siêu máy tính không được các quan chức cấp cao ký, thỏa thuận mới sẽ được các quan chức nội các cấp cao ký và hình thành một khuôn khổ hợp tác mạnh mẽ hơn.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Nikkei Asia)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS
Return to top