Thế giới

Mỹ ghi nhận ca nhiễm cúm gia cầm thứ hai ở người

ClockThứ Năm, 23/05/2024 09:40
TTH.VN - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 22/5 cho biết trường hợp nhiễm cúm gia cầm thứ hai ở người đã được xác nhận tại Mỹ kể từ khi virus này được phát hiện lần đầu tiên ở bò sữa vào cuối tháng 3 vừa qua.
 Mỹ vừa phát hiện thêm một ca nhiễm cúm gia cầm ở người là một công nhân chăn nuôi bò sữa ở Michigan. Ảnh: Getty Image

Cụ thể, một công nhân chăn nuôi bò sữa ở Michigan mới đây đã được chẩn đoán mắc bệnh cúm gia cầm. Đây là ca nhiễm thứ hai ở người tại nước này, làm gia tăng mối lo ngại về sự bùng phát của dịch cúm gia cầm và đặt ra nghi ngờ liệu virus có đang dần lây lan sang người hay không. Tuy nhiên, CDC cho rằng nguy cơ đối với công chúng vẫn ở mức thấp.

CDC cho biết hiện chưa thấy bằng chứng về việc cúm gia cầm lây truyền từ người sang người và cơ quan này đã xét nghiệm gần 40 người kể từ tháng 3 đến nay, bao gồm cả công nhân ở Michigan vừa nhiễm bệnh. Trước đó, hồi tháng 4, ca nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người tại Mỹ được xác nhận là một công nhân chăn nuôi bò sữa ở Texas.

Michigan và Texas nằm trong số 9 bang đã báo cáo dịch cúm gia cầm ở đàn bò sữa kể từ cuối tháng 3. Các nhà khoa học tin rằng đợt bùng phát đang lan rộng hơn, dựa trên phát hiện của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) về các vật chất di truyền H5N1 trong khoảng 20% các mẫu sữa bò tiệt trùng bán lẻ ở Mỹ.

Tương tự như trường hợp ở Texas, bệnh nhân ở Michigan chỉ báo cáo các triệu chứng ở mắt. Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh của bang, bệnh nhân này có các triệu chứng nhẹ và đã hồi phục.

Trong một tuyên bố, CDC cho biết mẫu bệnh phẩm lấy từ mũi của người này cho kết quả âm tính với virus H5N1 trong xét nghiệm tại bang Michigan, nhưng mẫu bệnh phẩm lấy từ mắt bệnh nhân này được chuyển đến CDC cho kết quả dương tính.

Được biết, người công nhân này thường xuyên tiếp xúc với gia súc bị nhiễm cúm gia cầm. Từ đó, CDC cho rằng “có thể xác định thêm các ca nhiễm tương tự ở người” do hàm lượng virus cao còn tiềm ẩn trong sữa từ những con bò bị nhiễm bệnh và mức độ lây lan bệnh ở bò sữa.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sữa chưa tiệt trùng là vật trung gian truyền virus chính ở bò sữa, mặc dù các quan chức hiện vẫn không biết chính xác quá trình lây lan diễn ra như thế nào.

Để hạn chế sự lây truyền cúm gia cầm ở gia súc, từ cuối tháng 4 vừa qua, USDA bắt đầu yêu cầu bò sữa phải xét nghiệm âm tính với virus trước khi vận chuyển qua các bang.

Tiến sĩ Amesh Adalja, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế John Hopkins, cho biết có khả năng sẽ có một số trường hợp nhiễm cúm gia cầm bắt nguồn từ việc tiếp xúc với bò bị nhiễm bệnh và sữa của chúng.

Cũng trong ngày 22/5, Australia báo cáo trường hợp nhiễm cúm gia cầm đầu tiên ở người là một đứa trẻ vừa từ nước ngoài trở về. Sau khi có triệu chứng nghiêm trọng, bệnh nhân này đã phục hồi hoàn toàn.

Cơ quan y tế bang Victoria cho biết việc truy tìm dấu vết tiếp xúc chưa xác định được thêm trường hợp nhiễm cúm gia cầm nào nữa và khả năng người khác bị nhiễm bệnh là rất thấp vì bệnh này không dễ lây lan giữa người với người.

Tiến sĩ Claire Looker, Giám đốc y tế của bang, khẳng định “đây là trường hợp nhiễm cúm gia cầm có độc lực cao ở người đầu tiên được xác nhận ở Australia”, và đây cũng là trường hợp đầu tiên phát hiện chủng H5N1 ở người hoặc động vật ở nước này. Như vậy đến nay, bệnh cúm H5N1 đã xuất hiện tại tất cả các châu lục trên thế giới.

Australia là lục địa duy nhất đến nay chưa có động vật nhiễm virus cúm gia cầm độc lực cao H5N1, nhưng chính quyền nước này hôm qua cho biết một chủng cúm gia cầm khác đã được phát hiện tại một trang trại trứng gần Melbourne.

Ông Graeme Cooke, Giám đốc thú y bang Victoria, nói rằng các xét nghiệm đầu tiên trong phòng thí nghiệm cho thấy virus này là một chủng H7 chưa được xác định, có thể đến từ quần thể chim hoang dã và đã từng được phát hiện ở Australia trước đây.

Năm 2020, bang Victoria là nơi xảy ra đợt bùng phát H7N7 - đợt bùng phát gần đây nhất tại Australia trong số 9 đợt bùng phát cúm gia cầm có khả năng gây bệnh cao ở nước này kể từ năm 1976.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & CNA)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
Cộng đồng người Việt tại Australia chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước

Mặc dù những ngày cuối năm vô cùng bận rộn, phải hoàn tất các công việc để khép lại năm 2024 và chuẩn bị tâm thế cho Năm mới 2025, song cộng đồng người Việt tại Australia vẫn dành một khoảng thời gian quý giá để tề tựu bên nhau, tổ chức các hoạt động hướng về quê hương, đất nước.

Cộng đồng người Việt tại Australia chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước
Cúm gia cầm đã xuất hiện ở khắp năm châu lục

Theo các quan chức y tế Liên hợp quốc, cúm gia cầm đã gây ra cái chết của hơn 300 triệu con chim trên toàn thế giới, ở 108 quốc gia trên khắp 5 châu lục và loại virus này “ngày càng vượt qua các rào cản về loài”.

Cúm gia cầm đã xuất hiện ở khắp năm châu lục
Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu

Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ngày 18/12 cho hay, Chính phủ Australia vừa đóng góp 13 triệu đô la Australia (tương đương 8,4 triệu USD) vào các nguồn lực cốt lõi của UNDP cho năm 2024. Đóng góp đáng kể này thể hiện cam kết liên tục của Australia đối với sự phát triển bền vững và quan hệ đối tác với UNDP.

Australia tiếp tục hỗ trợ UNDP giải quyết các thách thức phát triển toàn cầu
Return to top