Thế giới

Một năm chiến tranh ở Gaza: Những vết sẹo tinh thần đeo bám suốt cuộc đời

ClockThứ Hai, 07/10/2024 06:24
TTH - Sau một năm xung đột diễn ra giữa Israel và Hamas (7/10/2023 – 7/10/2024), người dân Gaza vẫn đang phải hứng chịu những tổn thương sẽ để lại những vết sẹo suốt đời.

LHQ: Nạn đói thảm khốc tăng gấp đôi vào năm 20246 con tin thiệt mạng, Tổng thống Biden vội tìm đề xuất ngừng bắn cuối cùng cho GazaLHQ kêu gọi phản ứng toàn cầu khẩn cấp để giải quyết khủng hoảng ở Dải Gaza

Người dân ở Gaza, đặc biệt là trẻ em, đang phải hứng chịu những tổn thương sâu sắc do xung đột Israel-Hamas. Ảnh: AFP/TTXVN 

Anh Hazem Suleiman đã giảm gần 1/4 cân nặng khi anh và gia đình phải liên tục chạy trốn khỏi các cuộc không kích của Israel ở Gaza. Nhưng điều thực sự khiến anh lo lắng là những tổn thương không thể nhìn thấy – những chấn thương vô hình sẽ ám ảnh anh mãi mãi.

“Tôi sẽ không quên tiếng la hét của trẻ em và phụ nữ... Tôi gặp ác mộng về những xác chết cháy đen. Phim kinh dị không chiếu cảnh này, nhưng đó thực sự là những gì đã xảy ra”, anh Suleiman chia sẻ.

Người đàn ông 26 tuổi này hiện đang sống trong một căn lều ở thành phố Khan Younis cùng với vợ, mẹ và 8 đứa con. May mắn hơn nhiều láng giềng và bạn bè khác, họ vẫn còn sống… nhưng điều đó không có nghĩa là họ không bị tổn thương.

“Tình trạng tinh thần của tôi rất tệ, và các con tôi liên tục sợ hãi”, anh nói.

Theo ông Mohammed Abu Shawish, người đứng đầu công tác hỗ trợ sức khỏe tâm thần của Tổ chức Y tế hỗ trợ người Palestine tại Gaza, hơn 2 triệu trong tổng số khoảng 2,3 triệu dân ở vùng đất này đã “trải qua hoặc chứng kiến các sự kiện bạo lực và đau thương” trong suốt một năm qua. Đặc biệt, các bà mẹ luôn phải đối mặt với những lo lắng cao độ khi phải cân bằng giữa trách nhiệm bảo vệ con cái với nỗi sợ bạo lực, ông Shawish cho biết.

Hầu hết người dân Gaza đã phải di dời - một số người thậm chí phải di dời tới 10 lần - kể từ khi cuộc tấn công của Israel nổ ra vào ngày 7/10 để đáp trả việc Hamas tấn công miền nam Israel, giết chết 1.200 người và bắt giữ khoảng 250 người làm con tin.

Kể từ đó, các cuộc không kích và pháo kích của Israel đã biến phần lớn dải Gaza thành đống đổ nát và hơn 41.600 người đã thiệt mạng, ít nhất 90.000 người khác bị thương, số liệu từ Bộ Y tế Gaza cho thấy.

Những con số này không thể truyền tải hết được nỗi đau thương sâu sắc của những người còn sống sót sau các cuộc tấn công. Nhiều nhân viên cứu trợ cho biết những vết sẹo tinh thần, nhất là đối với trẻ em, là “rất sâu sắc”.

“Các em đã mất đi cảm giác được thuộc về gia đình, cha mẹ và anh chị em, vì cả cha, mẹ hay bất kỳ ai khác đều không thể mang lại cho các em cảm giác an toàn đó… không ai có thể bảo vệ các em”, Israa Al-Qahwaji, điều phối viên của tổ chức Save the Children cho biết.

Hồi tháng 6, Save the Children ước tính có tới 21.000 trẻ em được cho là đã mất tích ở Gaza, bao gồm 17.000 trẻ em không có người đi kèm và bị lạc, cùng 4.000 trẻ bị chôn vùi dưới các đống đổ nát, trong khi những đứa trẻ sống sót đặc biệt dễ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.

Theo ông Abu Shawish, những tổn thương mà trẻ em đang trải qua có thể định hình cuộc sống của chúng và góp phần gây ra một loạt các bệnh tâm thần, từ những thách thức về nhận thức và giáo dục, cho đến các vấn đề về hành vi và rối loạn sức khỏe mãn tính.

“Điều tôi có thể nghĩ đến ngay lúc này là hy vọng chúng tôi sẽ sống sót… Nhưng ngay cả khi sống sót, chúng tôi vẫn sẽ bị ám ảnh bởi những ký ức kinh hoàng về cuộc chiến này”, bà Abu Amer – một người dân ở Gaza chua xót nói.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su

Nằm nép mình dưới chân dãy Bạch Mã hùng vĩ, thôn Khe Su, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, là nơi cư trú của một cộng đồng nhỏ người Mường. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm từ các cấp chính quyền, người dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.

Đổi thay cuộc sống người Mường ở Khe Su
Giảm nghèo ở vùng lõi

Xã Bình Tiến được xem là vùng “lõi nghèo” của TX. Hương Trà. Do vậy, cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể địa phương không ngừng huy động nhiều nguồn lực để cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng nguồn thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Giảm nghèo ở vùng lõi
Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Với vai trò là Tổ trưởng Tổ an ninh thôn, luôn tận tâm, nhiệt huyết với công tác bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, anh Đoàn Văn Rinh - chàng trai 9X người Tà Ôi ở vùng cao A Lưới vinh dự được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng công an xã, thị trấn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tận tâm với công tác bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Return to top