Thế giới

Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác: Tiếp tục chia sẻ và củng cố niềm tin

ClockThứ Năm, 28/10/2021 10:07
Trong hội nghị cấp cao với ASEAN ngày 27-10, các đối tác tiếp tục thể hiện sự ủng hộ và chia sẻ với 11 nước thành viên trong nhiều vấn đề, từ đại dịch COVID-19 đến lập trường về sự tự do và rộng mở tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất hai trọng tâm mà ASEAN cần tập trungSingapore cam kết tài trợ gần 5,9 triệu USD vật tư y tế cho kho dự trữ ASEANTổng thống Joe Biden dẫn đầu phái đoàn tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ

Thủ tướng Úc Scott Morrison phát biểu trước các lãnh đạo ASEAN trong Hội nghị cấp cao ASEAN - Úc vào ngày 27-10 - Ảnh: REUTERS

ASEAN là trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và chúng tôi ủng hộ điều này thông qua cả lời nói và hành động. 

Thủ tướng Úc Scott Morrison nói. Úc và ASEAN đã đạt thỏa thuận thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Úc cam kết hỗ trợ vắc xin COVID-19 và tài chính cho ASEAN. Bên cạnh các hỗ trợ, Nhật Bản tiếp tục chia sẻ với khu vực về những lo ngại hàng hải, cam kết hợp tác với ASEAN để hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Các nước sẻ chia với ASEAN

"Khi chúng ta tiếp tục đương đầu với COVID-19, chúng ta hiểu rằng mình không thể đơn độc ứng phó và hồi phục. Bởi vậy đối với chúng ta, không có ưu tiên nào cao hơn là sự tiếp cận các vắc xin COVID-19 hiệu quả và an toàn" - báo Sydney Morning Herald dẫn phát biểu của Thủ tướng Úc Scott Morrison tại cuộc họp với ASEAN.

Úc đã hỗ trợ 4 triệu liều vắc xin cho ASEAN và dự kiến sẽ "chia sẻ thêm hàng triệu liều trong năm sau", trong đó có ít nhất 10 triệu liều từ nguồn cung nội địa của Úc sẽ gửi trước thời điểm giữa năm 2022.

Ngoài ra, Úc cũng cung cấp 92,6 triệu USD giúp khu vực đối phó với các thách thức như hồi phục hậu COVID-19, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cũng như thúc đẩy an ninh năng lượng, chuyển đổi sang năng lượng phát thải thấp, kinh tế tuần hoàn và các đại dương không ô nhiễm.

Trong khi đó, Nhật Bản đóng góp 1 triệu USD cho Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 và 50 triệu USD cho Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED). Theo tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tokyo đã cung cấp hơn 16 triệu liều vắc xin và 281 triệu USD cho ASEAN bên cạnh khoản vay lãi suất thấp trị giá 1,68 tỉ USD cho Khung phục hồi tổng thể của khu vực.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục đẩy mạnh các ưu tiên, phối hợp kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, phục hồi hiệu quả, bền vững, và hợp tác nâng cao năng lực ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp trong tương lai.

Thủ tướng hoan nghênh sự ủng hộ tích cực của Nhật với ASEAN trong việc giữ gìn ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông thông qua đối thoại, tăng cường lòng tin, thúc đẩy cam kết và hành xử có trách nhiệm giữa các bên.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN+3 vào chiều 27-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác ASEAN+3 cần tiếp tục đóng góp tích cực cho duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, đồng thời đề nghị các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc ủng hộ nỗ lực của ASEAN xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác; khẳng định ASEAN sẵn sàng tham gia đóng góp hỗ trợ tiến trình đối thoại, hợp tác vì hòa bình bền vững, các vấn đề nhân đạo và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác: Tiếp tục chia sẻ và củng cố niềm tin - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam, báo Chính phủ - Dữ liệu: ĐỖ DƯƠNG - Đồ họa: TUẤN ANH

Ủng hộ tầm nhìn của ASEAN

"Với tư cách Thủ tướng Nhật Bản, tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN và thúc đẩy mạnh mẽ các nỗ lực hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở" - Hãng tin Kyodo dẫn lời ông Kishida phát biểu lần đầu tiên trước các nhà lãnh đạo Đông Nam Á kể từ khi nhậm chức hồi đầu tháng. Ông cũng thông báo kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao đặc biệt nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Nhật Bản vào năm 2023 để đưa quan hệ hai bên bước vào "giai đoạn mới".

Theo Bộ Ngoại giao, ông Kishida khẳng định coi trọng quan hệ đối tác ASEAN - Nhật Bản, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực. Nhà lãnh đạo Nhật cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ lập trường của ASEAN về Biển Đông; hoan nghênh vai trò của ASEAN trong thúc đẩy hợp tác, đối thoại, xây dựng lòng tin trong khu vực, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Nhật Bản cũng ủng hộ vai trò của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp ổn định tình hình.

Trong khi đó, Thủ tướng Úc Morrison nhấn mạnh sự phát triển của ASEAN là nền tảng cho sự ổn định của khu vực và sự thịnh vượng của Canberra. Ông cũng "nói lại" với các nước về thỏa thuận "chia sẻ công nghệ" AUKUS mới đây giữa Úc, Anh và Mỹ, cho phép Canberra phát triển đội tàu ngầm hạt nhân.

"AUKUS không làm thay đổi cam kết lâu dài và sâu sắc của Úc đối với việc không phổ biến hạt nhân. Úc không muốn và sẽ không theo đuổi vũ khí hạt nhân, và tôi chắc rằng mọi thành viên ASEAN cũng sẽ như vậy" - ông Morrison nói. Theo ông, ngược lại, thỏa thuận này sẽ "củng cố cam kết của Úc đối với ASEAN và tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Theo Tuoitre

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS

Theo tin từ Japan Times, Nhật Bản vừa phát triển một phương pháp mới để phân hủy PFAS - một nhóm hợp chất hữu cơ chứa fluor nhân tạo thường được gọi là “hóa chất vĩnh cửu”, thường được sử dụng trong rất nhiều loại sản phẩm tiêu dùng và gây ra những lo ngại về môi trường cũng như sức khỏe con người.

Nhật Bản phát triển phương pháp mới có thể phân hủy “hóa chất vĩnh cửu” PFAS
Return to top