Thế giới

Chưa đến 10% nhựa được sản xuất trên toàn cầu sử dụng vật liệu tái chế

ClockThứ Sáu, 11/04/2025 16:09
TTH.VN - Theo phân tích toàn cầu chi tiết đầu tiên về vòng đời của nhựa, chưa đến 10% nhựa được sản xuất trên toàn thế giới được làm từ vật liệu tái chế.

Đông Nam Á: “Điểm nóng” rác thải nhựa và những nỗ lực quản lýIndonesia: Độc đáo sáng kiến đổi rác thải nhựa lấy gạoTrung bình, mỗi người Mỹ thải ra 130kg rác thải nhựa mỗi năm

Mỗi năm, thế giới thải ra trung bình khoảng 268 triệu tấn nhựa. Ảnh: Unslash

Nghiên cứu cho thấy, hầu hết nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than và dầu; bất chấp những lời lẽ hoa mỹ của các nhà sản xuất, các siêu thị và công ty đồ uống nói rằng nhựa sẽ được tái chế.

Nghiên cứu đã phân tích 400 triệu tấn nhựa để có thể đưa ra những đánh giá và khuyến nghị nhằm hỗ trợ các nỗ lực giảm ô nhiễm và thúc đẩy quản lý nhựa bền vững.

Được biết, sản lượng nhựa đã tăng đáng kể từ 2 triệu tấn được sản xuất vào năm 1950 và dự kiến đến năm 2050, con số này sẽ lên đến 800 triệu tấn mỗi năm. Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng với xu hướng đó, “ô nhiễm nhựa là vấn đề cấp bách toàn cầu và ngày càng gia tăng, đặt ra những thách thức lớn đối với môi trường, nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng”.

Tác giả của nghiên cứu Quanyin Tan và các đồng nghiệp đã phân tích các xu hướng chính trong chuỗi cung ứng nhựa toàn cầu. Kết quả cho thấy trong số 400 triệu tấn nhựa được sản xuất trong năm 2022, chỉ có chưa tới 38 triệu tấn (9,5%) được sản xuất từ nhựa tái chế, 98% trong số 362 triệu tấn còn lại được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là than và dầu.

Được công bố trên tạp chí Communications Earth & Environment tuần này, nghiên cứu cho thấy lượng nhựa được xử lý bằng cách đốt thay vì tái chế đang tăng đáng kể. Trong khoảng 268 triệu tấn nhựa đã được thải bỏ trung bình hằng năm, chỉ có 27,9% được phân loại và có thể được tái chế, trong khi 36,2% được đưa thẳng đến bãi chôn lấp và 22,2% được đưa đến lò đốt. Đáng chú ý, trong tổng số rác thải nhựa đã được phân loại, chỉ có 50% thực sự được tái chế, phần còn lại gồm 41% được đốt và 8,4% được đưa đến bãi chôn lấp.

Thống kê trên toàn cầu, các bãi chôn lấp vẫn là điểm đến chính của rác thải nhựa, chiếm 103,37 megaton (Mt), tương đương khoảng 40% tổng lượng rác thải nhựa.

Mặc dù vậy, tổng tỷ lệ rác thải nhựa toàn cầu được đưa đến bãi chôn lấp trong năm 2022 (40%) vẫn giảm đáng kể so với ước tính 79% tổng lượng rác thải nhựa toàn cầu được đưa đến bãi chôn lấp trong giai đoạn từ năm 1950 đến 2015.

Trong khi Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ nhựa lớn nhất, thì người Mỹ lại tiêu thụ nhiều nhựa nhất tính theo đầu người, tương đương 216kg/người/năm. Theo dữ liệu thu thập được, Mỹ thải ra 40,1 Mt rác thải nhựa, phần lớn là từ bao bì nhựa.

28 quốc gia EU và Nhật Bản cũng ghi nhận mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người ở mức cao, lần lượt là 86,6kg và 129kg.

Trong bối cảnh đó, các nỗ lực vẫn đang tiếp tục được tiến hành nhằm thống nhất một hiệp ước rác thải nhựa toàn cầu để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Các cuộc đàm phán về ô nhiễm nhựa tại Busan, Hàn Quốc, đã kết thúc trong thất bại vào tháng 12 năm ngoái sau khi các quốc gia sản xuất nhiên liệu hóa thạch phản đối các nỗ lực đưa giới hạn sản xuất nhựa vào hiệp ước.

Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ một dự thảo văn bản bao gồm các cam kết ràng buộc về mặt pháp lý đối với việc cắt giảm sản xuất nhựa trên toàn cầu và việc loại bỏ dần một số hóa chất và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Dự kiến, các cuộc đàm phán về hiệp ước giảm ô nhiễm nhựa sẽ được tiếp tục tại Geneva vào tháng 8 tới.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The Guardian)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Truyền thông giảm thiểu túi nilon khi đi chợ

Ngày 13/4, tại Cầu ngói Thanh Toàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Hương Thủy phối hợp với Hội LHPN thành phố Huế, Hội LHPN xã Thủy Thanh tổ chức truyền thông giảm thiểu túi nilon khi đi chợ cho người dân ở khu vực này.

Truyền thông giảm thiểu túi nilon khi đi chợ
Đến 2030, nhu cầu năng lượng từ các trung tâm dữ liệu AI sẽ tăng gấp 4 lần

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến cuối thập kỷ này, cơn sốt công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu sẽ đòi hỏi lượng năng lượng gần bằng lượng năng lượng mà cả Nhật Bản sử dụng hiện nay. Tuy nhiên, chỉ khoảng 1/2 nhu cầu đó có thể được đáp ứng từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Đến 2030, nhu cầu năng lượng từ các trung tâm dữ liệu AI sẽ tăng gấp 4 lần
UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Chí Tài:
Ưu tiên xử lý các "điểm đen" ô nhiễm môi trường

Trong thời gian qua, việc triển khai các mô hình đã đạt được những kết quả tích cực, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Song, để duy trì và mở rộng hiệu quả, cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn.

Ưu tiên xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường
“Tắt đèn” để tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường

Bằng nhiều hình thức khác nhau, TP. Huế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hưởng ứng sự kiện "Giờ Trái đất". Nhờ thế, đã góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

“Tắt đèn” để tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường
Return to top