Thế giới

Cần tiếp tục hành động khẩn cấp để ngăn chặn khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng

ClockThứ Năm, 09/02/2023 16:46
TTH.VN - Giữa bối cảnh hàng triệu người trên toàn thế giới tiếp tục rơi vào nạn đói, các nhà lãnh đạo của năm tổ chức nhân đạo, ngân hàng và thương mại quốc tế đã kêu gọi hành động khẩn cấp hơn nữa để ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng toàn cầu trở nên tồi tệ hơn.

FAO: Giá lương thực thế giới tăng 14,3% vào năm 2022Nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều tổn thất hơn vào năm 2023World Bank: Lạm phát giá lương thực vẫn ở mức cao trên toàn thế giớiKhủng hoảng lương thực toàn cầu liên quan đến khả năng chi trả

Hàng triệu người trên thế giới tiếp tục rơi vào nạn đói. Ảnh: daidoanket.vn

Trong một tuyên bố chung ngày 8/2, Tổ chức Nông lương LHQ (FAO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kêu gọi cứu trợ cho các điểm nóng về nạn đói và tạo thuận lợi cho thương mại, cùng với nhiều biện pháp khác; đồng thời khuyến nghị các quốc gia nên cân bằng các biện pháp can thiệp khẩn cấp ngắn hạn với các nỗ lực phục hồi lâu dài hơn.

Nguồn cung lương thực dự kiến giảm

Tuyên bố chung của các tổ chức này cho biết, lạm phát lương thực vẫn ở mức cao do những cú sốc từ đại dịch COVID-19, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, cuộc xung đột Ukraine, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lãi suất tăng. 

Theo thống kê, gần 350 triệu người ở 79 quốc gia đang trong tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng và tình trạng suy dinh dưỡng đang gia tăng. Tình hình dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn, với nguồn cung cấp lương thực toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua. Nhu cầu lương thực sẽ trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở 24 quốc gia được xác định là “điểm nóng về nạn đói”, trong đó có đến 16 quốc gia ở châu Phi.

Lo ngại các điểm nóng về nạn đói

Với cảnh báo trên, các cơ quan kêu gọi các chính phủ và nhà tài trợ hỗ trợ cho các nỗ lực cấp quốc gia nhằm giải quyết nhu cầu tại các điểm nóng, chia sẻ thông tin và tăng cường chuẩn bị cho khủng hoảng, trong đó WFP và FAO cho biết cần có quỹ khẩn cấp để phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất ngay lập tức.

Trong năm ngoái, WFP và các đối tác đã hỗ trợ được số lượng người kỷ lục. Cơ quan này đã hỗ trợ thực phẩm và dinh dưỡng cho hơn 140 triệu người nhờ khoản đóng góp kỷ lục 14 tỷ USD.

FAO cũng đầu tư 1 tỷ USD để hỗ trợ hơn 40 triệu người ở khu vực nông thôn bằng các biện pháp can thiệp nông nghiệp, trong khi Ngân hàng Thế giới cung cấp gói hỗ trợ lương thực và an ninh trị giá 30 tỷ USD trong khoảng thời gian 15 tháng kết thúc vào tháng 7/2023.

Giảm thiểu các hạn chế thương mại

Bên cạnh các hỗ trợ tài chính, lãnh đạo các tổ chức cũng kêu gọi tạo thuận lợi cho thương mại, tăng cường cung cấp hàng hóa công cộng và nâng cao vai trò của khu vực tư nhân trong việc cải thiện kết quả an ninh lương thực.

Hơn nữa, họ kêu gọi các chính phủ tránh các chính sách như hạn chế xuất khẩu - vốn có thể ảnh hưởng đến người nghèo ở các quốc gia thu nhập thấp phải nhập khẩu lương thực, đồng thời vận động hỗ trợ các biện pháp tạo thuận lợi thương mại nhằm cải thiện nguồn cung lương thực và phân bón.

Mặc dù các quốc gia đã dỡ bỏ một số lệnh cấm xuất khẩu đối với lúa mì và gạo, nhưng những hạn chế và lệnh cấm mới, đặc biệt là đối với rau củ, đang cản trở nguồn cung trên toàn thế giới.

“An ninh lương thực toàn cầu có thể được củng cố nếu các chính phủ hỗ trợ cả nhà sản xuất và người tiêu dùng thực phẩm một cách thông minh và có mục tiêu, chẳng hạn như bằng cách cải thiện năng suất nông nghiệp một cách bền vững”, lãnh đạo của các tổ chức nhấn mạnh.

Theo FAO, phần lớn các chương trình hỗ trợ cho nông nghiệp hiện chưa thực sự hiệu quả, làm suy yếu tính bền vững của môi trường, sức khỏe cộng đồng và năng suất nông nghiệp. Do đó, các khoản tài trợ cần được cải cách để được sử dụng nhằm tăng cường khả năng phục hồi và tính bền vững của hệ thống nông nghiệp-lương thực, bao gồm thông qua việc áp dụng các thực hành nông nghiệp tốt, nghiên cứu và đổi mới, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng.

Tố Quyên (Lược dịch từ UN)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025

Chiều 18/4, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thành phố Huế tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025, với chủ đề: “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”.

Triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025
Giám sát dinh dưỡng học đường tại 8 trường mầm non các xã nghèo

Ngày 20/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố phối hợp với Trung tâm y tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới tổ chức kiểm tra, giám sát dinh dưỡng tại Trường mầm non A Ngo, Hồng Thượng. Đây là hai trường có bếp ăn bán trú nằm trong nhóm các xã nghèo trên địa bàn thành phố.

Giám sát dinh dưỡng học đường tại 8 trường mầm non các xã nghèo
Return to top