 |
Cần một hệ thống tài chính toàn cầu công bằng và thích ứng để đạt được các mục tiêu về khí hậu và phát triển. Ảnh minh họa: tapchicongthuong.vn/Báo Điện tử Chính phủ |
Khi gánh nặng nợ nần đã và đang tăng lên đáng kể ở hầu hết mọi nơi, mối nguy hiểm có thể nói là đặc biệt nghiêm trọng ở các nước đang phát triển. Đối mặt với gánh nặng trả nợ quá lớn, nhiều nước đang phát triển không thể thực hiện các khoản đầu tư cần thiết để giảm nghèo và thích ứng với một hành tinh đang nóng lên nhanh chóng.
Đối với hầu hết các nước đang phát triển, thách thức nằm ở cấu trúc nợ. Trong hai thập kỷ qua, khi nhiều bên đã thu hẹp năng lực cho vay, các nước đang phát triển không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào nguồn tài chính từ khu vực tư nhân, vốn không phù hợp với những “người đi vay dễ bị tổn thương”. Trong khi đó, những cú sốc ngoại sinh, gồm đại dịch COVID-19, thảm họa liên quan đến khí hậu và lạm phát cao đã gây ra sự gia tăng mạnh về lãi suất. Điều này đẩy chi phí đi vay lên cao, gây căng thẳng cho ngân sách công và đe dọa đến sự ổn định chính trị. Ngay cả những quốc gia chỉ vay ở mức nợ tối thiểu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng cũng đang gặp khó khăn.
Dự đoán trong những năm tới, nhu cầu về tài chính giá cả phải chăng sẽ chỉ trở nên cấp thiết hơn. Cụ thể, nhóm chuyên gia cấp cao về tài chính khí hậu ước tính, đến năm 2030, mỗi năm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (trừ Trung Quốc) sẽ cần huy động thêm 2,5 nghìn tỷ USD và con số này sẽ tăng lên đến 3,5 nghìn tỷ USD vào năm 2035.
Tuy nhiên theo cơ sở dữ liệu Debt Service Watch, các quốc gia nghèo nhất thế giới đang chi trung bình 50% doanh thu của họ cho việc trả nợ. Trong đó, hơn 3 tỷ người hiện đang sống ở các quốc gia này thường chi nhiều tiền hơn để trả nợ thay vì sử dụng chúng cho các dịch vụ thiết yếu như y tế hoặc giáo dục.
Để giải quyết những vấn đề này, kinh nghiệm từ Trung Quốc đã cung cấp những hiểu biết giá trị về cách giải quyết những thách thức tài chính hiện nay. Điều này được thể hiện rõ nhất trong sự công nhận của Trung Quốc về nhu cầu linh hoạt trong quản lý tài chính ngắn hạn. Vào tháng 11/2024, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Fo’an đã công bố kế hoạch xóa nợ trị giá 10 nghìn tỷ NDT (1,8 nghìn tỷ USD) cho các chính quyền địa phương như một phần của gói kích thích tài chính của chính phủ. Kế hoạch xóa nợ, đi kèm với việc phát hành trái phiếu được thiết kế để giảm gánh nặng nợ của chính quyền địa phương và giải phóng nguồn lực để kích thích phát triển kinh tế, thúc đẩy niềm tin kinh doanh và bảo vệ các dịch vụ công.
Không riêng Trung Quốc, nhiều quốc gia đã và đang áp dụng những cách giải quyết khủng hoảng về tài chính tùy chỉnh cho từng quốc gia. Song nhìn chung, nếu không có một hệ thống tài chính toàn cầu công bằng và thích ứng, các nước sẽ có rất ít cơ hội để đạt được các mục tiêu về khí hậu và phát triển. Để đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh công bằng, các nước đang phát triển cần phải “có cổ phần” trong các cơ hội kinh tế mà quá trình chuyển đổi này tạo ra.