ClockThứ Năm, 13/02/2025 06:20

Trồng cây, giữ rừng

TTH - Có lẽ ai cũng hiểu được lợi ích của việc trồng cây, giữ rừng nên Huế mới có những cánh rừng xanh bạt ngàn và tỷ lệ cây xanh đô thị cao nhất nước.

Lực lượng vũ trang phấn đấu trồng trên 6.000 cây xanh Để hoạt động trồng cây thêm ý nghĩa

 Du khách tham quan đồi Vọng Cảnh

Mỗi ngày trồng thêm một cây

Đầu xuân mới Ất Tỵ, đã có hàng ngàn cây xanh được lãnh đạo thành phố và các đơn vị, ban ngành trồng để hưởng ứng Tết trồng cây. Đây không phải là lần đầu tiên mà hoạt động này được các địa phương, ban ngành trong cả nước triển khai từ rất lâu nhằm thực hiện và hưởng ứng lời kêu gọi Bác Hồ về thực hiện Tết trồng cây mỗi mùa xuân về, Tết đến.

Hơn nữa, sau bao cuộc thiên tai bão lũ, có lẽ ai cũng hiểu rõ giá trị và lợi ích thiết thực từ việc trồng cây, giữ rừng nên không đợi các cuộc vận động, hưởng ứng mà dường như việc trồng cây xanh như là một phần không thể thiếu với nhiều người dân, nhất là người dân ở đô thị xanh như Huế.

Hiếm có đô thị nào có mật độ cây xanh cao và lượng cây xanh nhiều như Huế, với hơn 64.000 cây xanh đường phố, vượt tiêu chuẩn về cây xanh đối với đô thị loại 1 và đạt mật độ cây xanh cao nhất cả nước, đạt 12,9m2/người.

TP. Huế lúc đó (năm 2016) và bây giờ được chia thành 2 quận Thuận Hóa, Phú Xuân cũng là thành phố đầu tiên của Việt Nam được WWF công nhận là “Thành phố xanh quốc gia”. Những con số và danh hiệu đó đã phần nào nói lên được về mức độ bao phủ cây xanh của đô thị Huế.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương cũng được đánh giá có lợi thế ít tỉnh, thành nào sánh được về diện tích đất rừng và sự đa dạng sinh học; đặc biệt là những khu rừng trong phố như Thiên An, Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh… càng làm cho Huế thêm phần trong xanh, an lành.

Những kết quả đó có được phần lớn đến từ ý thức giữ gìn, chăm sóc, bảo vệ, trồng thêm cây rừng mỗi ngày, mỗi mùa, mỗi năm của người dân Huế; từ những chiến lược bảo vệ có hiệu quả của lực lượng chức năng; những chủ trương, chính sách hợp lý của lãnh đạo tỉnh và còn từ những kế hoạch trồng, thay thế dài hơi của ngành lâm nghiệp…

Rõ ràng đã có sự nhất quán, đồng thuận, chung sức đồng lòng từ của cả hệ thống chính trị đến toàn thể Nhân dân trong việc trồng cây, giữ rừng nên chúng ta mới có kết quả như ngày hôm nay, với độ che phủ rừng thuộc top cao của cả nước, hơn 57%.

Song ai cũng hiểu, việc trồng cây, trồng rừng không thể là chuyện ngày một ngày hai. Muốn có được cây xanh tốt, ngoài nguồn giống chất lượng phải đảm bảo cây được chăm sóc, bón phân, tưới nước thường xuyên. Muốn có những khu rừng tự nhiên, rừng trồng xanh tươi phải chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch hợp lý. Và việc này phải được thực hiện thường xuyên, trồng năm này sang năm khác, vụ này sang vụ khác. Nói nôm na là trồng lứa này gối vụ cho lứa sau chứ không đợi cây già thu hoạch rồi mới trồng cây khác. Việc trồng rừng cũng nên được tính toán chọn những loại cây phù hợp, chất lượng. Cây này bổ trợ cây kia. Nếu chỉ trồng keo tràm thôi thì chưa đủ mà dưới tán rừng phải chọn những loài cây bản địa phù hợp. Khi lứa cây này cao hơn, có lứa cây khác bổ sung vào để hỗ trợ nhau phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần có những dự án trồng rừng nối nhau, khi dự án này kết thúc sẽ có dự án khác được mở ra để cây rừng luôn được trồng mới.

Nhiều lợi ích

Một lợi ích rất thiết thực được triển khai thời gian gần đây trong việc trồng rừng là bán tín chỉ carbon. Huế là 1 trong 6 địa phương ở khu vực Bắc Trung bộ, gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị được chi trả hơn 900 tỷ đồng, trong đó Huế được chi trả hơn 107 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon sau khi tham gia dự án thí điểm thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính. Hiện, các ngành chức năng của thành phố đang tính toán để chi trả số tiền này cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định.

Trước đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Thừa Thiên Huế cũng đã chi trả hàng trăm tỷ đồng tiền dịch vụ bảo vệ môi trường rừng cho hàng trăm hộ chủ rừng là tổ chức, cộng đồng, nhóm hộ và hộ gia đình quản lý. Tổng diện tích rừng được chi trả gần 160.000 ha/283.000 ha rừng của thành phố, chiếm hơn 54%. Nhờ thế đã góp phần tăng tỷ lệ bao phủ rừng và quan trọng hơn là giúp cho hàng ngàn lao động có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống của người dân.

Từ câu chuyện này có thể thấy lợi ích kép từ việc trồng cây, trồng rừng, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, chống xói lở, biến đổi khí hậu mà còn tạo được nguồn thu tốt cho người dân, nhất là khi Huế có lợi thế về rừng trồng gỗ lớn với diện tích khoảng hơn 12.420ha. Trong đó, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn và chuyển hóa gỗ nhỏ sang gỗ lớn các loài keo là 11.742ha, diện tích rừng trồng sản xuất các loài cây bản địa là 681ha. Theo kế hoạch, phấn đấu đến hết năm nay, toàn thành phố xây dựng được 14.000ha rừng trồng sản xuất các loài keo gỗ lớn làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất gỗ.

Vì có nhiều lợi ích như thế nên việc trồng thêm cây xanh, thêm rừng là nhiệm vụ cần kíp và không của riêng ai, nhất là khi việc bán tín chỉ carbon đã cho thấy hiệu quả thiết thực, không chỉ trong việc trồng rừng mà một số địa phương ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn thu được từ việc trồng lúa. Thế nên, Huế cũng cần hướng tới mục tiêu này, phải làm thế nào để mỗi cây xanh được trồng xuống đều có thể đem lại nguồn thu trực tiếp và cả gián tiếp bằng việc bán tín chỉ carbon.

Bài, ảnh: H. Tâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người giàu lên từ rừng

Đó là lời giới thiệu của lãnh đạo địa phương khi nói đến ông Đặng Văn Nông, thôn Tân Mỹ, xã Phong Mỹ, thị xã Phong Điền. Để có thành quả này, ông Nông đã trải qua nhiều năm tháng cơ cực, “ăn ngủ” với rừng.

Người giàu lên từ rừng
Giữ rừng mùa xuân

Lợi dụng đầu xuân, các đối tượng thường gia tăng hoạt động khai thác trái phép lâm sản và săn, bẫy động vật hoang dã. Lực lượng kiểm lâm và các ngành chức năng tăng cường phối hợp chốt chặn, tuần tra bảo vệ rừng xuyên suốt trước, trong và sau Tết...

Giữ rừng mùa xuân
Rừng xanh, người an

Những gốc cây dễ đến bốn người ôm mới xuể, thân thẳng tắp vươn ngọn lên trời xanh. Rừng vẫn xanh, cây lớn bao bọc cây nhỏ, phủ kín một vùng lớn trên dãy Trường Sơn.

Rừng xanh, người an

TIN MỚI

Return to top