ClockThứ Bảy, 08/10/2016 14:23

Thủ tướng: Mỗi quyết định chi tiêu phải đặt ra 3 câu hỏi

Thủ tướng yêu cầu trước mỗi quyết định chi tiêu phải đặt 3 câu hỏi: Có tiết kiệm không, có lãng phí không và có hiệu quả không?

“Trong năm 2017, cần thiết sẽ lập quỹ để xử lý trước nợ xấu và hoàn trả sau, giải quyết được “cục máu đông” đang làm ách tắc nền kinh tế”. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 (diễn ra trong 2 ngày 3 - 4/10).

Quyết liệt để đạt mức tăng trưởng cao

Đặt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay đạt 6,3% - 6,5%, GDP quý IV phải tăng từ 7,1 - 7,3%. Đây là mức phấn đấu cao nên phải có nhiều biện pháp quyết liệt hơn.

Một trong những vấn đề quan trọng Chính phủ tập trung làm năm 2017 là tái cơ cấu ngân hàng. (Ảnh: Internet)

“Mỗi thành viên Chính phủ phải có cách làm quyết liệt, cụ thể hơn để chuyển biến tình hình, phải có cách làm mới tốt hơn nữa, khắc phục cách làm cũ không phù hợp của yêu cầu mới. Nhất là những tồn tại kéo dài như nợ xấu, nợ công, tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ kéo dài, sự chậm trễ phát triển các doanh nghiệp nội địa, hay một số dấu hiệu trì trệ. Ở các nước tiên tiến phát triển như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, dấu hiệu đầu tiên của sự phát triển, tăng tốc, tức là những công trình đầu tư xây dựng phải làm nhanh, vượt mức. Còn ta có tình trạng nhiều công trình ê a kéo dài. Đấy là điều chúng ta phải khắc phục”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không chủ quan, kiểm soát tốt để lạm phát tăng không quá 5% như Nghị quyết Quốc hội nêu. Cùng với đó là có lộ trình phù hợp bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Trước tình trạng giải ngân vốn ngân sách tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, Thủ tướng lưu ý các địa phương, bộ, ngành, nếu không giải ngân được sẽ dành vốn ưu tiên là vốn đối ứng cho các dự án ODA. Bên cạnh đó là những giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu từ nay đến cuối năm.

Sẽ siết chặt quản lý ngân sách

Năm 2017, Chính phủ đẩy mạnh trao quyền tự chủ, xã hội hóa đơn vị sự nghiệp công lập, kể cả cổ phần hóa những đơn vị đủ điều kiện. Hiện cả nước có gần 60.000 đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng chỉ có 2% là tự chủ 100% kinh phí, gần 19% là tự chủ một phần, còn lại trên 80% là Nhà nước bao cấp hoàn toàn. Số tiền ngân sách chi ra rất lớn nên cần tính toán giảm biên chế.

Thủ tướng cũng yêu cầu trong năm 2017 tiếp tục siết chặt quản lý ngân sách, trong đó có giải pháp để có bước chuyển lớn trong tư duy quản lý ngân sách, quản lý tài sản công, để mỗi quyết định chi tiêu phải đặt ba câu hỏi: Có tiết kiệm không, có lãng phí không và có hiệu quả không?! Việc siết chặt quản lý ngân sách cũng nhằm để thực hiện mục tiêu bội chi ngân sách năm 2017 không quá 3,5%.

Năm 2017, một trong những vấn đề quan trọng Chính phủ tập trung giải quyết, là xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng. Đây là việc đang làm tích cực nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan nên chưa giải quyết triệt để. Vì vậy, cần đánh giá kết quả đối với những vấn đề đặt ra, trong đó có việc mua lại các tổ chức tín dụng với giá 0 đồng.

Thủ tướng chỉ đạo: “Đối với nợ xấu, nhiều chuyên gia báo cáo rằng, nếu không dùng tiền tươi thóc thật, không dùng ngân sách thì không giải quyết được cơ bản vấn đề nợ xấu. NHNN nên sớm đề xuất vấn đề này. Cần thiết thì đề xuất có quỹ để xử lý trước và hoàn trả sau để chúng ta giải quyết cục máu đông nợ xấu làm ách tắc nền kinh tế. Đó là quả bom nổ chậm trong hệ thống ngân hàng của chúng ta. Chính vì vậy, NHNN sớm trình đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, nhất là xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, xử lý dứt điểm nợ xấu”.

Cùng với đó, năm tới, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn ngoài ngành, không để lợi ích nhóm thao túng, mang về lợi ích tối đa cho Nhà nước.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trình Quốc hội đưa đấu giá nợ xấu vào luật

Nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu do VAMC và các công ty quản lý tài sản (AMC) quản lý là một trong số những tài sản đấu giá được nêu tại dự thảo Luật Đấu giá tài sản đang được Chính phủ trình lên Quốc hội khoá XIV. Hiện việc đấu giá nợ xấu của VAMC mới chỉ được quy định tại các văn bản dưới luật.

Trình Quốc hội đưa đấu giá nợ xấu vào luật

TIN MỚI

Return to top