ClockThứ Tư, 08/11/2023 05:19

Thoát nghèo lên... phố - Kỳ 3: Quyết không tái nghèo

TTH - Không chỉ thoát khỏi huyện nghèo mà mục tiêu hướng đến của huyện A Lưới là không để tái nghèo và từng bước nâng đời sống Nhân dân lên tầm cao mới.

Thoát nghèo lên... phố - Kỳ 1: “Cánh tay nối dài”Thoát nghèo lên... phố - Kỳ 2: Cả hệ thống chính trị vào cuộc

 Trồng cao su, nhiều hộ vươn lên khá giả

Nhiều mô hình mới có giá trị

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của người dân, A Roàng đang tập trung, nỗ lực thoát nghèo bền vững. Bằng các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia, xã A Roàng mở rộng diện tích trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế, kết hợp phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm gắn với du lịch văn hóa truyền thống dân tộc. Theo đó, địa phương duy trì các lễ hội A Za, bảo tồn và phát huy nghề dệt Zèng và nghề đan lát truyền thống phục vụ du lịch.

Mới đây, A Roàng có hơn 60 hộ đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trồng cây dược liệu thiên niên kiện và gừng gió với diện tích hơn 2ha. Đây là loại cây thích hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương và huyện miền núi A Lưới nói chung. Cây thiên niên kiện và gừng gió phát triển tốt, cho thu hoạch sau ba năm trồng. Tuy nhiên, chu kỳ đầu chỉ được thu hoạch một phần nên thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha. Nếu thu hoạch hết sẽ cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi ha.

Ông Văn Lập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện A Lưới cho biết, trên địa bàn huyện A Lưới đang xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại phù hợp với tiềm năng, lợi thế của huyện miền núi. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao đã và đang được triển khai như trồng chuối già lùn, nấm, sâm Bố Chính, chăn nuôi bò, lợn hữu cơ... Điển hình như mô hình trồng chuối già lùn của ông Nguyễn Hải Teo ở thôn Pi Ây 2, xã Quảng Nhâm. Năm 2018, qua tìm hiểu và biết được giống chuối già lùn thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất A Lưới, ông Teo đầu tư 500 triệu đồng để mua giống, lập vườn để trồng loại chuối này.

Trước khi đầu tư nguồn lực lớn để trồng chuối già lùn, ông Teo tham quan, học tập mô hình trồng chuối ở nhiều nơi để áp dụng vào trang trại của mình. Nhờ sự đầu tư bài bản, cộng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và áp dụng quy trình kỹ thuật trồng chuối hữu cơ, an toàn nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm chuối già lùn của ông Teo không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện, phục vụ du lịch mà còn tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng trên địa bàn tỉnh. “Đến nay, sau hơn bốn năm triển khai, vườn chuối của gia đình tui mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng”, ông Teo khoe.

Tại huyện A Lưới đang thực hiện DA “Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý” nằm trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I và kế hoạch phát triển dược liệu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn với tổng mức đầu tư 229 tỷ đồng. Các DA phát triển dược liệu quý được triển khai thực hiện tập trung ở các xã Hồng Bắc, Quảng Nhâm và một số xã khác với các loại cây quý như ba kích, bách hộ, cà gai leo, hà thủ ô, hoài sơn, hy thiêm, mạch môn, nhân trần, sa nhân tím, sâm Bố Chính, thiên niên kiện, sạ cạn.

Một hướng làm giàu

Trong khi sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, trang trại, gia trại là chủ lực thì dạy nghề và tạo việc làm, xuất khẩu lao động cũng được xác định là một hướng thoát nghèo bền vững và làm giàu của huyện A Lưới.

Chị Hồ Thị Khay ở xã Hồng Vân mạnh dạn đi xuất khẩu lao động theo “đơn hàng” giúp việc ở Đài Loan, sau khi trừ mọi chi phí sinh hoạt, mỗi tháng chị được nhận lương 9 triệu đồng. Chị dành dụm, tích lũy hơn 200 triệu đồng sau hai năm lao động ở nước ngoài, khi trở về quê hương chị mở hàng tạp hóa, ổn định cuộc sống, kinh tế khá giả. “Nối gót” chị Khay, chị Bùi Thị Hằng, anh Lê Văn Đua đi lao động ở Đài Loan, anh Hoàng A Xít đi Nhật, Hồ Văn Níu đi Ru ma ni... Hàng tháng, họ gửi về phụ giúp gia đình từ 15- 20 triệu đồng.

Anh Hoàng A Xít chia sẻ, nhờ lao động ở nước ngoài mới ổn định cuộc sống, có cơ hội vươn lên khá giả. Từ nguồn thu nhập xuất khẩu lao động, gia đình anh xây được nhà kiên cố, khang trang. Anh Xít còn tích lũy vốn để đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, hướng tới mở rộng lập trang trại chăn nuôi bò, dê, trồng chuối và kinh doanh dịch vụ tổng hợp.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới thông tin, từ đầu năm, huyện A Lưới xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động để phục vụ việc hoạch định các chính sách về lao động, việc làm trên địa bàn huyện. UBND huyện ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho người trong độ tuổi lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, phối hợp với các công ty: Daystar, Suleco, Sao Kim, NNL Vinamoto, NNL Thái Bình Dương, Công ty XKLĐ Hoàng Long CMS để xúc tiến hợp đồng cho người dân đi lao động nước ngoài.

Từ đầu năm đến nay, các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện ước giải quyết việc làm cho 778 lao động, tổ chức nhiều lớp dạy nghề cho hơn 210 học viên. Thông qua Công ty TNHH Hợp tác dạy nghề Sông Hương đã mở lớp dạy nghề thương mại điện tử cho 29 thanh niên. Các ban, ngành tổ chức nhiều đợt truyền thông công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động do Công ty SULECO, DAYSTAR triển khai với trên 1.000 lao động tham gia. Đến nay đã có 33 người xuất cảnh, 28 người đang chờ xuất cảnh lao động và hơn 50 người đang học nghề. Huyện A Lưới đặc biệt quan tâm tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tại Trường THPT A Lưới với 320 em lớp 12 về định hướng nghề nghiệp và đăng ký học nghề sau khi tốt nghiệp THPT.

Giai đoạn 2021-2025, huyện có kế hoạch tổ chức đào tạo nghề cho 1.250-1.500 lao động thuộc hộ nghèo, người DTTS theo chương trình 1956/QĐ-TTg (trong đó đào tạo đại học, cao đẳng nghề 50%, trung cấp nghề 20%, sơ cấp và dạy nghề dưới ba tháng 30%).

A Lưới đang tạo mọi điều kiện, hỗ trợ ổn định việc làm cho lực lượng lao động hiện có với gần 24.400 lao động, giải quyết việc làm mới cho 2.500 lao động. Đặc biệt, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường để dự báo “cung - cầu” phục vụ việc hoạch định các chính sách về lao động, việc làm trên địa bàn huyện; kết hợp tổ chức tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động đi làm việc trong nước.

Chính sách tín dụng hỗ trợ lao động đi làm việc nước ngoài có thời hạn, làm việc tại các khu chế xuất công nghiệp trong và ngoài tỉnh cho lao động hộ nghèo, cận nghèo được huyện A Lưới triển khai thực hiện. Mỗi suất đi xuất khẩu lao động được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi 80 triệu đồng/năm. Theo đó, mỗi năm, bình quân mỗi xã có 5 chỉ tiêu đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời được hỗ trợ 250 đến 300 lao động phi nông nghiệp làm việc trong và ngoài tỉnh. Mỗi đoàn thể vận động một năm có ít nhất một lao động đi làm việc nước ngoài. Các địa phương tiếp tục vận động mỗi hộ nghèo có lao động trong độ tuổi thanh niên tham gia học nghề và đi làm các khu công nghiệp ngoài tỉnh.

Ông Hồ Văn Ngưm khẳng định: Với các giải pháp căn cơ, bài bản, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của địa phương, A Lưới không chỉ thoát khỏi huyện nghèo vào cuối năm nay mà còn thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống lâu dài.

Bài, ảnh: Hoàng Triều - Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn TX. Hương Trà đã được hình thành, phát triển, góp phần giúp người nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thoát nghèo từ nguồn vốn chính sách
Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã trở thành “điểm tựa” vững chắc giúp người dân huyện miền núi Nam Đông vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo.

Điểm tựa giúp người dân Nam Đông thoát nghèo
Một mốc son tự hào của A Lưới

Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện A Lưới đã bám sát thực tế, nhất là các tiêu chí, tiêu chuẩn về giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt.

Một mốc son tự hào của A Lưới
Khi người dân vươn lên thoát nghèo

Khi người dân phát huy được vai trò chủ thể, họ vượt qua được khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ thế, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Phú Vang giảm đáng kể so với đầu năm nay.

Khi người dân vươn lên thoát nghèo
Cựu chiến binh Nam Đông vươn lên thoát nghèo

Trong phong trào “Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu giai đoạn 2019 – 2024”, Hội CCB huyện Nam Đông đã có nhiều nỗ lực để giúp đỡ hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững.

Cựu chiến binh Nam Đông vươn lên thoát nghèo

TIN MỚI

Return to top