ClockChủ Nhật, 27/02/2022 08:52

Xăng dầu tăng giá, ngư dân gặp khó

TTH.VN - Sau những chuyến “hái lộc” đầu năm, xăng dầu tăng giá, các tàu cá đánh bắt xa bờ ngại vươn khơi vì sợ lỗ.

Điểm tựa cho ngư dân trên biểnTạo sự ràng buộc trong khâu tiêu thụTrống giục vươn khơiRa khơi ngày mưa, rét

Ngư dân Thuận An ngại vươn khơi vì giá xăng, dầu tăng

Cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP.Huế) không còn cảnh tấp nập. Nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ công suất lớn xếp hàng dài neo đậu.

Tại Phú Thuận, Phú Hải (huyện Phú Vang), tình trạng tương tự cũng diễn ra. Nguyên nhân xuất phát từ chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu được rút ngắn, đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã tăng 4 đợt. Việc giá xăng dầu liên tục tăng khiến ngư dân lo lắng thu không đủ bù chi.

Ông Trần Văn Chiến (xã Phú Thuận), chủ tàu cá vỏ thép cho biết, gần nửa tháng nay, tàu cá của ông liên tục nằm bờ. Ngoài xăng dầu tăng giá, tiết trời chưa thuận cũng là trở lực. “Sau Tết Nhâm dần, tàu cá của tôi chỉ một lần vươn khơi đầu năm, từ đó đến nay chưa “đạp” sóng thêm một lần nào”.

Theo ông Chiến, với công suất 1.000CV, trung bình mỗi chuyến biển từ 20 ngày đến 1 tháng, tiêu tốn khoảng 4.000 lít dầu. Nếu lượng hải sản thu về không mong đợi, thua lỗ là điều chắc chắn.

Sau tết, hầu hết các địa phương vùng biển đã tổ chức lễ xuất quân. Tàu cũng đã vươn khơi "lấy ngày", song, so với thời điểm này năm ngoái, nhiều tàu cá đang thất thu, ngư dân thấp thỏm lo âu. “Không nhiều ngư dân dám vươn khơi thời điểm này. Các điều kiện khách quan lẫn chủ quan chưa ủng hộ ngư dân. Trước mắt chúng tôi đang là một mùa biển khó”, ông Trần Bình (phường Thuận An) âu lo.

Ông Lê Thuận (xã Phú Hải) nhẩm tính, hiện, giá hải sản có tăng nhưng không đáng kể. Giá cá thu được mua từ 100 -110 nghìn đồng/kg; cá ngừ từ 20 - 30 nghìn đồng/kg tùy loại… Bình quân mỗi chuyến biển từ 15 đến 20 ngày có chi phí từ 100 đến 120 triệu đồng. Nay xăng dầu tăng giá, nếu vươn khơi thì chi phí đi biển có thể đội lên từ 170 đến 180 triệu đồng. “Với giá bán hải sản nói trên, trừ chi phí nhiên liệu, thực phẩm và tiền thuê lao động thì chủ tàu thu lợi không được bao nhiêu, thậm chí thua lỗ”, ông Thuận nói.

Ngoài giá nhiên liệu tăng cao, lao động biển khan hiếm cũng tạo ra trở lực cho ngư dân

Tàu khai thác gặp khó đồng nghĩa với việc đội tàu hậu cần trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Trên bờ, việc tìm bạn tàu khó khăn, dưới nước hải sản khai thác giảm sút khiến tàu hậu cần chưa thể có những chuyến thu mua ưng ý.

Ông Trần Vẹm (xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) cho biết, từ sau tết nguyên đán đến nay, tàu cá của ông vẫn chưa thể vươn khơi. “Theo phong tục địa phương, đến tháng 2 âm lịch thì ngư dân ở địa bàn xã mới xuất quân ra khơi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cộng với giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao, đặc biệt là tình trạng khan hiếm lực lượng lao động nghề biển vào dịp đầu năm nên việc vươn khơi, bám biển của bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn”, ông Vẹm chia sẻ.

Trước những khó khăn của ngư dân, chính quyền các địa phương đã phối hợp với chi hội nghề cá động viên ngư dân tích cực vươn khơi bám biển. Chi cục Thủy sản cũng khuyến cáo, ngư dân cần thực hiện các giải pháp như kéo dài thời gian đánh bắt trên biển, bán hải sản cho tàu hậu cần, dịch vụ để đổi lấy nhiên liệu, lương thực rồi tiếp tục đánh bắt nhằm giảm chi phí, tránh thua lỗ.

Ông Trần Quang Nhất, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Thuận An cho biết, dịch bệnh COVID-19 khiến giá bán các loại hải sản vẫn ở mức thấp, trong khi giá dầu diesel hiện đang ở mức gần 21 nghìn đồng/lít khiến việc vươn khơi, bám biển của ngư dân rất khó. Giá nhiên liệu liên tục tăng cao buộc các chủ tàu cá phải tính toán cân đối lại chi phí sao cho hợp lý trong mỗi chuyến biển mới có thể đảm bảo việc vươn khơi, đánh bắt hải sản không bị thua lỗ. "Sau lễ xuất quân, nhiều tàu cá nối đuôi nhau vượt sóng. Thế nhưng lúc này, số lượng tàu cập cảng hiện nay rất thưa thớt. Khoảng một tuần trở lại đây, theo ước tính, khoảng hơn 80% tàu đánh bắt xa bờ chưa thể vươn khơi vì tiết trời xấu. Ngoài lý do khách quan, đại bộ phận ngư dân cũng ngại vươn khơi khi giá xăng dầu tăng", ông Nhất thông tin.  

Toàn tỉnh có khoảng 450 tàu đánh bắt xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần xa bờ công suất từ 90 đến 1.100CV và hơn 2.000 phương tiện đánh bắt vùng gần bờ, đầm phá. Dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến đầu ra tiêu thụ hải sản, giá cả các loại hải sản sụt giảm, trong khi giá nhiên liệu xăng dầu tăng khiến hoạt động khai thác, đánh bắt thủy hải sản của ngư dân gặp trở ngại. Để giảm áp lực ngư dân mong muốn Nhà nước, các cơ quan chức năng liên quan cần sớm có giải pháp áp dụng các chính sách hỗ trợ giá xăng, dầu cho ngư dân. Bên cạnh đó, cần phát triển thêm nhiều đội tàu hoạt động dịch vụ, hậu cần nghề cá trên biển để ngư dân đánh bắt xa bờ yên tâm bám biển.

Bài, ảnh: Lê Thọ

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi

Việc tổ chức các cuộc thi cho học sinh không chỉ giúp nâng cao sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực mà còn góp phần giáo dục toàn diện cho các em.

Áp lực của học sinh từ các cuộc thi
Nỗi niềm con nước vùng lộng

Vùng biển bãi ngang - nơi có hàng ngàn ngư dân, gắn bó hàng trăm năm với nghề biển đang vật lộn với con sóng.

Nỗi niềm con nước vùng lộng

TIN MỚI

Return to top