ClockThứ Năm, 11/10/2018 14:11

Việt Nam tổ chức sự kiện uy tín nhất thế giới về thương mại gạo

“Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại sự kiện.

Mỗi năm Việt Nam đóng góp gần 6 triệu tấn gạo vào 'nồi cơm' thế giớiNgành gạo Việt Nam trước xu thế tự do hóa thương mại hoàn toànXuất khẩu gạo 9 tháng đạt gần 5 triệu tấn, tăng 23,2% giá trịXuất khẩu gạo 8 tháng năm 2018 tăng cả về khối lượng và kim ngạch

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 11/10, Bộ Công Thương phối hợp với Tạp chí The Rice Trader tổ chức Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 10. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện quốc tế uy tín nhất thế giới về lĩnh vực thương mại gạo với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam, lãnh đạo các bộ thương mại và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu gạo của 30 quốc gia.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong phối hợp với các tổ chức đối tác, các nước xuất, nhập khẩu gạo, không chỉ ở giá trị chuỗi cung ứng gạo mà còn tham gia phát triển công nghệ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực lúa gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới.

Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tập trung quan tâm phát triển thị trường xuất khẩu gạo để nâng cao hiệu quả và thúc đẩy xuất khẩu gạo; định hướng cho công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất lúa gạo hàng hóa trong nước theo hướng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu, quy định của thị trường.

Đồng thời, gắn phát triển thị trường xuất khẩu gạo với nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu của sản phẩm gạo xuất khẩu và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam trên thị trường, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tạp chí The Rice Trader cho biết hoạt động sản xuất, thương mại gạo của Việt Nam đã có nhiều bước tiến tích cực. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế, thương mại của thế giới có nhiều phức tạp, The Rice Trader bày tỏ tin tưởng vào sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong phát triển giá trị mặt hàng gạo trong thời gian tới.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, trong đó phát triển sản xuất, xuất khẩu lúa gạo chiếm một vị trí quan trọng, bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam và góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả khu vực và thế giới.

Diện tích trồng lúa hiện chiếm khoảng 60% tổng diện tích trồng cây hằng năm và sản xuất lúa gạo là nguồn sinh kế quan trọng cho khoảng 9 triệu hộ nông dân tại nông thôn Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với sản lượng trung bình hàng năm từ 5-6 triệu tấn sang 150 quốc gia, vùng lãnh thổ, thu về khoảng 2,5 tỷ USD.

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một Chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo. Với các chính sách này, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, đồng thời hướng tới mục tiêu tăng cường liên kết, gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, phát triển bền vững, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu để xây dựng, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

Ngành sản xuất lúa gạo hiện nay đối mặt với nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, các diễn biến phức tạp trong thương mại nhưng Phó Thủ tướng tin rằng sự phát triển của khoa học công nghệ sẽ mang lại hướng phát triển sản xuất lúa gạo mới thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nhiều sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo.

Lãnh đạo Chính phủ hy vọng với Thông điệp của Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 “Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai”, các quốc gia, tổ chức sẽ cùng thảo luận các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển thương mại gạo toàn cầu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất gạo bền vững, trong quản lý chuỗi cung ứng, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành lúa gạo, chia sẻ ý kiến đóng góp cho hướng phát triển sản xuất, thương mại gạo của Việt Nam.

Theo Chinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

Ecoba không chỉ là một cái tên, mà là dấu ấn của một cuộc cách mạng xanh trong ngành xây dựng. Được thành lập từ năm 2010, công ty đã vươn mình trở thành người tiên phong trong việc phát triển các giải pháp bền vững, kết hợp công nghệ tiên tiến với sự thấu hiểu sâu sắc về môi trường. Công ty chính là lời giải cho bài toán hiện đại hóa mà không đánh đổi thiên nhiên – một sứ mệnh khởi nguồn từ tầm nhìn vượt thời gian.

Ecoba Việt Nam - Tiên Phong Giải Pháp Xanh Bền Vững

TIN MỚI

Return to top