ClockThứ Ba, 17/12/2024 11:54

Trợ lực giúp nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

TTH - Năm 2024, trên địa bàn huyện Phú Lộc có gần 4.850 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi. Điều này phản ánh thực tế những nỗ lực của hội viên, nông dân (HVND) trên địa bàn trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Làm giàu từ nuôi trồng thủy sản“Sống khỏe” bằng nghề

Với sự hỗ trợ của HND các cấp, mô hình nuôi cá lóc đầu vuông của nông dân xã Vinh Mỹ đã cho hiệu quả kinh tế cao 

Về xã Giang Hải hỏi anh Huỳnh Văn Khanh thì hầu như ai cũng biết. Từ một nông dân vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hướng đi để phát triển kinh tế, sau nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, Khanh chọn trồng hoa súng để khởi nghiệp.

Khanh kể, thấy tiềm năng đất đai tại địa phương rất lớn nhưng không biết trồng cây gì cho phù hợp là điều anh trăn trở trong thời gian dài. Đến năm 2013, sau khi nhận thấy nhiều nơi trồng hoa súng mang lại hiệu quả, thị trường tiêu thụ mạnh, Khanh liền nảy sinh ý tưởng đầu tư trồng hoa súng,  nhưng nguồn vốn cũng như cây giống ban đầu với Khanh là điều rất khó khăn.

Đem nguyện vọng trồng hoa súng đến với các cấp hội nông dân (HND), Khanh được tín chấp vay vốn để đào ao hồ, mua cây giống ban đầu. Ngặt nỗi, cây giống được người thân cung cấp không đảm bảo chất lượng nên mới trồng vài ngày thì cây chết. Cứ thế trải qua mấy vụ đầu thất bại vì thiếu giống chất lượng, thiếu vốn, có lúc tưởng chừng như không thể theo đuổi nghề trồng hoa súng.

Một lần nữa, Khanh lại cậy nhờ đến các cấp HND để được vay vốn, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, cộng thêm với việc tự tìm tòi, nghiên cứu nên từ vụ thứ ba trở đi cây hoa súng bắt đầu phát triển ổn định, cho thu nhập tạm ổn. Từ đó, Khanh tự tin, mạnh dạn từng bước mở rộng diện tích ao hồ trồng hoa súng, đến nay lên đến hơn 10ha. Nguồn giống được anh tự gây tạo tại ao hồ của mình để phục vụ sản xuất tại chỗ. Bình quân mỗi năm, doanh thu từ  bán hoa súng cảnh khoảng  3-4 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập từ  7-8 triệu đồng/người/tháng.

Cũng là HVND gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế gia đình, nay hộ ông Phạm Thành Trung ở thôn Vinh Sơn, xã Lộc Sơn đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Cơ ngơi tài sản của ông Trung hiện nay là 60ha rừng trồng, 22ha trồng sen lấy hạt, 3ha nuôi cá nước ngọt. Tận dụng tiềm năng đất đai rộng lớn, ông Trung trồng thêm 6ha cây ăn quả như bưởi da xanh, dừa, mít, dưa lưới, sầu riêng và nuôi thêm đàn bò 30 con…

Ông Trung chia sẻ, để có được nguồn tài sản như bây giờ, gia đình ông cũng phải trải qua nhiều phen lận đận. Đầu tư làm trang trại, phát triển kinh tế quy mô lớn đòi hỏi nguồn vốn phải lớn, trong khi xuất phát điểm chỉ “hai bàn tay trắng”, ông Trung phải nhờ đến sự hỗ trợ ban đầu của HND các cấp như tín chấp cho vay vốn làm ăn, hướng dẫn kỹ thuật… được xem là “bệ đỡ” thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình.

Tích lũy vốn qua các năm, ông Trung mở rộng quy mô trồng rừng, xây dựng trang trại, đầu tư thêm một xưởng cưa xẻ gỗ dân dụng, mua sắm máy móc phục vụ cho sản xuất như máy cày, xe múc, xe vận chuyển… Ngoài mỗi năm lãi vài trăm triệu đồng, mô hình phát triển kinh tế của ông Trung còn tạo việc làm ổn định cho 50 lao động, trong đó 20 lao động thường xuyên có thu nhập mỗi người từ 6 triệu đồng trở lên/tháng.

Bà Đặng Hoàng Ái Thuỵ, Chủ tịch HND huyện Phú Lộc thông tin, thời gian qua, các cấp HND trên địa bàn huyện đã tổ chức lồng ghép nhiều hoạt động hỗ trợ nhằm giúp đỡ HVND, các chủ trang trại trên địa bàn vay vốn, phát triển SXKD. Thông qua các ngân hàng, dự án, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp, nhiều HVND đã tiếp cận, vay được vốn để đầu tư phát triển SXKD.

Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Phú Lộc xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng trở lên, như mô hình trồng rừng gỗ lớn, trồng dưa hấu hữu cơ, trồng rau an toàn, nuôi cá chình, cá lóc đầu vuông, nuôi cá lồng, tôm xen ghép trên đầm phá và trên cát...

Đầu năm 2024, toàn huyện Phú Lộc có 8.168 hộ nông dân đăng ký danh hiệu SXKD giỏi các cấp; đến cuối năm nay qua đánh giá có khoảng 4.850 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp; trong đó, cấp Trung ương 9 hộ, cấp tỉnh 137 hộ, cấp huyện 609 hộ.


Bài, ảnh: Thanh Nga
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Sống khỏe” bằng nghề

Khi giới thiệu về Nguyễn Văn Minh Phồn cùng cơ sở sản xuất đồ nhựa nội thất của anh, chị Hà Thị Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mậu (TP. Huế) cho biết, đây là gương sáng trong sản xuất, kinh doanh giỏi, đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn.

“Sống khỏe” bằng nghề
Nông dân thành thị làm giàu

Từ phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, ở TP. Huế xuất hiện nhiều gương điển hình, cá nhân làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ...

Nông dân thành thị làm giàu

TIN MỚI

Return to top