ClockThứ Sáu, 27/05/2016 14:10

Nuôi lợn ở vùng giáp dịch

TTH - Các ngành chức năng huyện Phong Điền cùng chính quyền địa phương đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh lợn tai xanh khi “sát nách” là huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) đã xuất hiện bệnh này trên đàn lợn của 17 hộ dân.

Dù thực hiện các bước phòng ngừa đầy đủ, các chủ trang trại ở Phong Điền vẫn lo lắng khi dịch bệnh lợn tai xanh đang “sát nách”

Người nuôi lo lắng

Ghi nhận tại “thủ phủ” trang trại, gia trại nuôi lợn của các hộ dân trên địa bàn các xã Phong Sơn, Phong Xuân (huyện Phong Điền), công tác phòng, chống dịch lợn tai xanh cùng nhiều bệnh khác được chính quyền địa phương, cơ quan thú y cùng người dân chủ động triển khai. Tuy nhiên, người nuôi vẫn khá lo lắng khi “mùa” dịch đang đứng “sát nách”!

Ông Giáp Thanh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Phong Sơn thông tin: “Tổng đàn lợn trên địa bàn xã khoảng 2.300 con lợn nái sinh sản và lợn thịt, chủ yếu tập trung ở 3 trang trại, gia trại lớn. Số còn lại nằm trong các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ. Mặc dù địa phương chủ động triển khai tiêm phòng, tiêu độc khử trùng khu chuồng trại ngay từ đầu vụ nuôi, nhưng tâm lý chung các hộ dân hiện nay cũng lo lắng cho đàn gia súc của mình”.

Tại gia trại của anh Tạ Quang Thiên (thôn Hiền An), có 30 lợn nái và 150 lợn thịt. Với chuồng nuôi được xây dựng hiện đại, theo mô hình nuôi công nghiệp. Mỗi năm, ngoài lợn nái cung cấp nguồn giống tại chỗ, gia trại anh Thiên xuất chuồng chừng 4 lứa lợn thịt, trọng lượng đạt 80kg/con. Anh Thiên cho biết: “Mình cùng một người bạn nữa vốn xuất thân từ Trường ĐH Nông lâm, được đào tạo bài bản, lập gia trại này gần hai năm qua. Mặc dù ngay từ ban đầu, theo khuyến cáo của đơn vị thú y cùng chính quyền địa phương, trại mình tiến hành tiêm phòng đầy đủ, tiêu độc khử trùng thường xuyên chuồng nuôi nhưng hiện vẫn khá lo lắng bởi tổng số đàn khá lớn”.

Tại xã Phong Xuân, ông Trần Quang Mãn, cán bộ thú y xã cho hay: “Tổng đàn lợn trên địa bàn xã trên 3.000 con với 5 trang trại, gia trại lớn. Hầu hết các chủ trang trại, gia trại này đều được tập huấn các kiến thức thú y cơ bản về phòng, chống các loại dịch bệnh nên ngay từ đầu, cùng với phương tiện truyền thông trên địa bàn xã tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm của mình, các chủ trang trại luôn chủ động trong công tác phòng ngừa”.

Đến nay, xã Phong Xuân đã chủ động tiêm vacxin phòng bệnh tai xanh, lở mồm long móng cho 100 lợn nái trên địa bàn xã. Theo ông Mãn, khoảng 6 năm trước, trên địa bàn xã Phong Xuân từng xuất hiện ổ dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn lợn. Rút kinh nghiệm, những năm gần đây chính quyền cơ sở tập trung lãnh, chỉ đạo, phối hợp với cơ quan chức năng, lực lượng chuyên môn để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, dịch tai xanh trên lợn trong giai đoạn hiện nay đang diễn biến phức tạp. Ngoài tiêm phòng, phun thuốc tiêu độc khử trùng, trong những ngày qua, lực lượng thú y cơ sở cùng chính quyền địa phương đã thực hiện giám sát dịch bệnh đến từng hộ, cơ sở chăn nuôi nhằm phát hiện, xử lý bệnh kịp thời.

Tiêu dùng là khâu then chốt

Trước tình hình dịch bệnh tai xanh đang ở “sát nách”, vừa qua, Sở NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tai xanh. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, hiện nay, dịch tai xanh có khả năng lây lan nhanh và diễn biến hết sức phức tạp, nguy cơ dịch tiếp tục lây lan rộng hơn và khả năng trong thời gian tới sẽ xuất hiện trên địa bàn tỉnh rất cao.

Theo báo cáo của Cục thú y, cơ quan Thú y vùng III, đến nay, dịch lợn tai xanh đã lan rộng ở 6 xã thuộc 4 huyện, thị xã, TP của tỉnh Quảng Trị - giáp ranh với Thừa Thiên- Huế, làm 505 con lợn mắc bệnh tai xanh (126 lợn nái, 256 lợn thịt và 123 lợn con). Đã tiến hành tiêu huỷ 142 con lợn (21 lợn nái, 48 lợn thịt và 73 lợn con).

Sở NN&PTNT yêu cầu chính quyền cơ sở tập trung lãnh, chỉ đạo và phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện tiêm phòng đầy đủ; chậm phát hiện, không xử lý kịp thời để dịch xảy ra trên địa bàn. Xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, cung ứng đầy đủ vacxin; tiêm phòng vacxin phòng bệnh tai xanh lợn ở những vùng có nguy cơ cao, cơ sở nuôi giống, trang trại…

Sở NN&PTNT cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư hóa chất cần thiết và trang thiết bị, phương tiện để phòng chống dịch. Phối hợp với các địa phương giám sát, chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng chống dịch tai xanh có hiệu quả. 

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định: “Nắng nóng và thời tiết diễn biến như hiện nay sẽ làm lợn rất dễ phát bệnh tai xanh nếu không tiêm phòng tốt và tăng cường sức đề kháng. Hoạt động tiêm phòng được xem là khâu then chốt trong công tác phòng chống dịch bệnh. Do vậy, chi cục đã chú trọng từ việc bảo quản, cung ứng vắc xin chất lượng, cam kết tiêm phòng đảm bảo tiến độ, số lượng, chất lượng. Các địa phương có kế hoạch triển khai cụ thể, huy động lực lượng thú y đủ số lượng tham gia một cách đồng bộ, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông cơ sở và xử lý những hộ không chấp hành tiêm phòng.”

Theo ông Hưng, đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh đã tiêm phòng 97.510 liều vacxin tam liên lợn (đạt 82%) phòng 3 bệnh: dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn. Chi cục đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức lễ phát động tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Đến nay đã hình thành 155 tổ tiêu độc, huy động 171 máy bơm, bình bơm; cấp 20.050 lít benkocid và 10.000 lít iodine để thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ, đột xuất tại các nơi nguy cơ cao.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025
ĐỐI MẶT VỚI DỊCH ĐẬU MÙA KHỈ:
Cần rút bài học từ Covid-19

Khi đại dịch COVID-19 vừa kết thúc, với sự xuất hiện của một chủng virus mới, được biết đến là virus Mpox gây bệnh đậu mùa khỉ, cảnh báo về việc căn bệnh này đã và đang nghiêm trọng hơn ở châu Phi cũng như lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, sẽ giành được nhiều sự chú ý hơn.

Cần rút bài học từ Covid-19

TIN MỚI

Return to top