ClockThứ Bảy, 25/12/2021 14:34

Nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế vững vàng vượt sóng về đích

Năm 2021, các ngành hàng nông nghiệp đều có sự tăng trưởng, đưa tăng trưởng toàn ngành dự kiến đạt 2,8%; đặc biệt giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục chưa từng có với trên 48,6 tỷ USD.

Hỗ trợ chi phí sinh hoạt để thu hút lao động có thu nhập thấp quay lại làm việcThúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh tháiGiảm nghèo bền vững và tăng thu nhậpPhát triển nông nghiệp theo hướng xanh, bền vữngHỗ trợ sinh viên từ mô hình câu lạc bộ khởi nghiệp

Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Thuỷ sản Minh Phú Hậu Giang (Hậu Giang). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp hơn trong năm 2021 tiếp tục minh chứng ngành nông nghiệp cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng triệu hộ nông dân đã linh hoạt, năng động hơn trong mọi bối cảnh.

Tăng tốc ngay từ đầu năm, cuối năm nhanh chóng phục hồi sản xuất, ngành nông nghiệp đã tận dụng các cơ hội tạo ra giá trị kinh tế, góp phần tạo nên tăng trưởng cao, xuất khẩu đạt kỷ lục chưa từng có.

Nông nghiệp vẫn khẳng định là “trụ đỡ” của nền kinh tế ngay cả trong lúc khó khăn chưa từng có tiền lệ.

Về đích ngoạn mục

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm nay là năm thuận lợi nhất với ngành về thời tiết so với những năm gần đây. Nhưng cũng như bao ngành khác, ngoài phải đối mặt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ngành còn gặp khó khăn lớn nhất là đại dịch COVID-19, gây đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Tuy nhiên, đến cuối năm, hầu hết các chỉ tiêu ngành đều đạt được, có chỉ tiêu đạt rất cao. Các ngành hàng đều có sự tăng trưởng, góp phần đưa tăng trưởng toàn ngành dự kiến đạt 2,8%. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục chưa từng có với trên 48,6 tỷ USD.

Năm 2021, trồng trọt là lĩnh vực đóng góp vào tăng trưởng của ngành cao nhất. Chỉ tính riêng lúa tuy diện tích gieo cấy giảm nhưng năng suất đạt rất cao, sản lượng cả năm đạt trên 43,5 triệu tấn, tăng 800.000 tấn so với năm 2020.

Các loại cây trồng hàng năm, rau màu, cây công nghiệp đều tăng sản lượng, giá cũng tương đối ổn định. Xuất khẩu các sản phẩm như tiêu, điều, càphê, gạo, cao su, rau quả… đều có tăng trưởng tốt.

Với sản phẩm lâm nghiệp, để có kết quả xuất khẩu lâm sản đạt mức kỷ lục mới dự kiến 15,6 tỷ USD phải kể đến những nỗ lực của các bộ, ngành và hiệp hội, doanh nghiệp trong việc đàm phán và đạt được thỏa thuận trong cuộc điều tra theo Mục 301 của Mỹ về gỗ Việt Nam. Điều này sẽ tạo nền tảng để xuất khẩu đồ gỗ có thể sớm cán đích 20 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ giao.

Với thủy sản, năm nay lĩnh vực này tưởng chừng không đạt mục tiêu đặt ra, bởi vùng sản xuất trọng điểm là các tỉnh, thành phía Nam - nơi phải giãn cách xã hội trong thời gian dài khiến các nhà máy có công suất và hiệu quả sản xuất đạt thấp.

Nhưng khi chuyển sang tình hình mới, các doanh nghiệp đều nhanh chóng thích ứng, vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất tận dụng cơ hội nhu cầu thị trường tăng, giá tốt. Do vậy, xuất khẩu thuỷ sản trong những tháng cuối năm hồi phục mạnh mẽ, dự kiến đạt 8,9 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngoài việc tận dụng tốt các Hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, ngành nông nghiệp đã chủ động, linh hoạt thích ứng với diễn biến dịch COVID-19, duy trì sản xuất đảm bảo nguồn cung dồi dào cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Các tổ công tác phía Bắc và phía Nam của bộ đã nhanh chóng thành lập, vào cuộc cùng các tổ hỗ trợ tiêu thụ và lưu thông nông sản ở địa phương tạo ra một hệ thống gỡ khó thông suốt; củng cố các chuỗi cung ứng nông sản an toàn; kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng và các tổ chức vận chuyển hàng hóa nông sản.

Hàng nghìn đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm ở phía Nam được kết nối, đảm bảo hàng trăm tấn hàng mỗi ngày cho các địa phương bị giãn cách có đủ lương thực, thực phẩm.

Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 128/NQ-TTg quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19,” nông nghiệp là ngành có sự phục hồi nhanh chóng.

Các nhà máy chế biến nông, thủy sản hoạt động linh hoạt, thích ứng nhanh trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã tăng trưởng trở lại.

Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho biết, có thời điểm các nhà máy chỉ sản xuất được từ 25-30% công suất.

Khi dịch căng thẳng, doanh nghiệp nhận thấy vấn đề quan trọng nhất là làm sao sản xuất được, càng tối đa công suất càng tốt. Doanh nghiệp tăng mua tôm cỡ lớn để khâu sơ chế đạt hiệu quả năng suất cao hơn, nhất là thời điểm gặp khó khăn về cả nguồn lao động.

Theo ông Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, ngành nông nghiệp không chỉ nhanh chóng thích ứng sản xuất mà còn bắt nhanh xu hướng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm.

Ngành đã kết hợp với ngành công thương, thông tin và truyền thông tìm thị trường mới qua các kênh bán hàng online, các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, giảm chi phí đầu vào.

Trong điều kiện dịch, nhu cầu thực phẩm một số nước tăng lên, Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội đó để đảm bảo mức tăng trưởng nông nghiệp nói chung và xuất khẩu nói riêng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế-xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, không chỉ là một ngành có đóng góp 14% tổng GDP.

Từ đại dịch có thể nhìn thấy ngành nông nghiệp với hàng triệu hộ nông dân có thể linh hoạt và năng động hơn, trên từng mảnh vườn, cái ao… vẫn có thể tạo ra giá trị kinh tế, tạo ra bức tranh nông nghiệp “dương.” Sức sống của các hộ nông dân là niềm tin để nông nghiệp-nông dân-nông thôn ngày càng phát triển.

Nhà sản xuất trách nhiệm

Sau đại dịch COVID-19, các nước trên thế giới có thể sẽ xem xét lại chiến lược đầu tư cho ngành nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực vững chắc hơn. Tuy nhiên, với nền tảng tốt, nông nghiệp Việt Nam tiếp tục có cơ hội khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế là trở thành nhà sản xuất và cung cấp lương thực thực phẩm, minh bạch, trách nhiệm bền vững.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá, từ câu chuyện xử lý tình huống trong lúc đại dịch nhưng qua đó ngành nông nghiệp nhìn lại chuỗi cung ứng và đưa ra giải pháp kết nối thị trường cho từng loại nông sản.

Ngành nông nghiệp thấy rằng, thông tin kết nối thị trường trong thời gian vừa qua gần như bỏ ngỏ, người trồng thì cứ trồng, người mua cứ mua. Thị trường chưa có sự kết nối từ đầu cung sang đầu cầu.

Do vậy, bộ đã thành lập Diễn đàn kết nối nông sản 970, qua đây từng bước tích hợp lại thông tin sản xuất và tiêu thụ, để năm 2022 từng bước hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch về thông tin sản xuất và thông tin thị trường, phục vụ cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Với định hướng dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn chỉnh Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Chiến lược vừa kế thừa những thành tựu đã đạt được vừa tổng hợp những quan điểm tiếp cận mới, xu thế mới, giá trị mới phù hợp với bối cảnh mới, xoay quanh 3 trụ cột: “nông nghiệp sinh thái,” “nông thôn hiện đại,” “nông dân thông minh.”

Tư duy phát triển nông nghiệp chuyển từ sản xuất sang kinh tế; từ thiên về năng suất sản lượng sang tích hợp đa giá trị; từ cung ứng những mặt hàng có thể sản xuất sang đáp ứng đa dạng nhu cầu theo chuỗi giá trị hòa nhập với xu thế phát triển của toàn cầu.

“Chúng ta phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng tiến tới một ngày nông sản Việt Nam không chỉ đảm bảo chất lượng mà còn có nhãn sinh thái vào sản phẩm. Đây sẽ là điều đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách vận hành nền kinh tế nói chung, nền nông nghiệp nói riêng, đúng với cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP26), Việt Nam sẽ trở thành quốc gia trung hòa các-bon vào năm 2050.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9/1, Công an TP. Huế tổ chức hội nghị triển khai công tác Công an năm 2025. Tham dự hội nghị có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn ĐBQH TP. Huế; Phạm Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế.

Đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội
Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

​Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được coi như một mũi nhọn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, để giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Bước đột phá trong tư duy phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

Khu phố cổ Gia Hội nằm ở phía đông ngoài Kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Ngày nay khu phố này thuộc phường Gia Hội (Q. Phú Xuân) đang phải đối mặt với quá trình đô thị hóa, cũng như bài toán mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Vậy Gia Hội sẽ phát triển, đi lên như thế nào?

Phố cổ Gia Hội cần tìm sự khác biệt để đi lên

TIN MỚI

Return to top