ClockThứ Năm, 25/11/2021 07:15

Lợi ích kép từ rừng ngập mặn

TTH - 35,5 ha rừng ngập mặn (RNM) đã thành rừng, thật sự phát huy tác dụng được giao cho xã Quảng Lợi (Quảng Điền) hưởng lợi gắn với quản lý, bảo vệ an toàn.

Bàn giao hơn 35 ha rừng trồng ngập mặn cho xã Quảng Lợi

Người dân Quảng Lợi thu hoạch lá dừa nước

Từ năm 2016, Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh triển khai trồng RNM trên vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Vùng đầm phá Quảng Lợi là nơi đầu tiên được triển khai trồng các loại cây dừa nước, bần với diện tích hơn 35ha. Sau 6 năm trồng, chăm sóc những cây dừa nước, bần chua, đước… đã thành rừng, tập trung ở khu vực đầm phá thuộc các thôn Thủy Lập, Tháp Nhuận và Hà Công.

Theo quy định về quy trình, chu kỳ một năm trồng và 5 năm chăm sóc, đồng thời nhận thấy cây phát triển tốt, thành rừng, CCKL tiến hành nghiệm thu. Đầu tháng 11, CCKL tổ chức bàn giao 35,5 ha RNM thuộc tiểu khi 88 cho xã Quảng Lợi tiếp tục quản lý, bảo vệ, làm cơ sở xây dựng phương án giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình bảo vệ và hưởng lợi.

Ông Trần Hùng ở xã Quảng Lợi kể, những ngày đầu triển khai trồng RNM, người dân chưa thật sự tin tưởng vào lợi ích rừng có thể mang lại. Giờ đây, người dân địa phương thật sự vui mừng khi RNM trong 3 năm qua trở thành “bức bình phong” trấn lũ, bảo vệ tài sản, mùa màng, tính mạng người dân. Nhiều năm trước, cứ đến mùa bão, lũ, người dân lại lo mất an toàn cho thuyền bị hư hỏng, hoặc lũ cuốn trôi; đê bao nuôi trồng thủy sản hư hỏng thiệt hại lớn. Thường sau lũ, mỗi hộ dân phải mất chi phí hàng chục triệu đồng sửa chữa đê bao, ao hồ nuôi tôm, cá. Từ 3 năm nay, RNM làm nơi neo đậu, trú tránh an toàn cho hàng trăm chiếc thuyền, người dân không còn tốn chi phí lớn đầu tư sửa chữa đê bao, ao hồ nuôi thủy sản của hộ gia đình.

Từ khi bắt đầu thành rừng, RNM trở thành nơi trú ngụ, bãi đẻ, sinh sôi, kết hợp với các hoạt động bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, nhiều loài thủy sản đầm phá đang từng bước phục hồi. Một số loài cá, tôm có giá trị kinh tế một thời cạn kiệt, thậm chí biến mất như bống thệ, kình, mú, tôm rảo, tôm đất… đã xuất hiện trở lại, ngày càng sinh sôi. Một thời gian khá dài, nguồn sinh kế, thu nhập của ngư dân gần như không còn, giờ đây mỗi ngày thu nhập vài trăm ngàn đến cả triệu đồng từ khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang. 2 năm qua xuất hiện một lượng tép rất lớn trong các khu RNM, ước mỗi năm, người dân xã Quảng Lợi thu nhập 20 tỷ đồng từ khai thác tép.

RNM rộng lớn hàng chục ha còn là địa điểm tham quan, giải trí lý tưởng đối với du khách. Ngư dân Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi tận dụng cơ hội, tổ chức hoạt động đưa du khách tham quan RNM bằng thuyền, trải nghiệm các nghề bủa lưới, câu cá trên sông mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Vào mùa cao điểm, những ngày thời tiết thuận lợi, nhiều hộ dân thu nhập 500 ngàn đến trên 1 triệu đồng từ vận chuyển hành khách tham quan RNM, trải nghiệm nghề đánh bắt thủy sản.

Người dân còn khai thác lá dừa nước làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Doanh nghiệp tư nhân Thủy Lập đang tổ chức thu gom lá dừa nước từ người dân, phục vụ sơ chế cung cấp cho các cơ sở sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mái lợp chòi du lịch sinh thái. Mỗi mét vuông tấm lợp, tường làm chòi hiện nay có giá trên dưới 100 ngàn đồng. Lâu dài, doanh nghiệp sử dụng lá dừa sản xuất các sản phẩm, vật dụng thân thiện với môi trường, thay thế thói quen sử dụng bao bì ni lông như dây nón, quà lưu niệm, túi xách, giỏ đựng thực phẩm…

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo khẳng định, RNM thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương và góp phần rất lớn trong bảo vệ môi trường sinh thái, mùa màng. Rừng hiện đang phát triển tốt, việc bàn giao cho địa phương quản lý, hưởng lợi là niềm vui cũng là trách nhiệm lớn đối với chính quyền và Nhân dân. UBND xã đang xây dựng cơ chế quản lý, dự kiến bàn giao cho các chi hội nghề cá bảo vệ, khai thác; tranh thủ các chương trình, dự án xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng. Địa phương sẽ tranh thủ chính sách hỗ trợ quản lý rừng mỗi ha 300 ngàn đồng/năm để cấp cho các chi hội nghề cá phục vụ hoạt động bảo vệ rừng. Đồng thời kiến nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ thêm kinh phí, như nguồn từ dịch vụ môi trường rừng phục vụ quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả.

Diện tích RNM được dự án đầu tư phát triển rừng ven biển và đầm phá tỉnh, do Chi cục Kiểm lâm làm chủ đầu tư đã trồng từ năm 2016 đến nay khoảng 126 ha. Trong đó, huyện Quảng Điền 50,5 ha, còn lại thuộc xã Hương Phong (TP. Huế) 21,5 ha, xã Phú Diên (Phú Vang) 30 ha và huyện Phú Lộc 24,5 ha. Ngoài xã Quảng Lợi đã được bàn giao, dự kiến 2-3 năm tới khi cây thành rừng sẽ tiếp tục giao cho các địa phương, Nhân dân quản lý, hưởng lợi.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu hút FDI: Lợi ích kép

Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là động lực tạo chuyển biến trong tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết việc làm cũng như thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp (DN).

Thu hút FDI Lợi ích kép
Lợi ích kép từ chế biến rơm vỗ béo bò

Để tận dụng nguồn rơm, hạn chế đốt đồng sau thu hoạch, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh đã triển khai thành công mô hình chế biến rơm làm thức ăn vỗ béo bò tại huyện A Lưới.

Lợi ích kép từ chế biến rơm vỗ béo bò
Phát triển du lịch vùng cao mang lại lợi ích kép

Hai huyện vùng cao A Lưới và Nam Đông có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đa dạng về văn hóa là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Việc đưa ra các chiến lược thúc đẩy du lịch nơi đây vừa tạo sinh kế cho người dân, vừa góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Phát triển du lịch vùng cao mang lại lợi ích kép
Thước đo cho giá trị rừng ven biển

Không cung cấp gỗ như rừng trồng sản xuất, nhưng giá trị mà rừng ven biển; trong đó có rừng ngập mặn mang lại khó có thể kể hết. Đặc biệt, khi Việt Nam đang nỗ lực triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, đưa phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Thước đo cho giá trị rừng ven biển

TIN MỚI

Return to top