ClockThứ Bảy, 12/06/2021 14:57

A Lưới đẩy nhanh tiêm vắc xin viêm da nổi cục ở trâu bò

TTH.VN - Sau hơn 1 tháng đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng, chống bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò, huyện A Lưới cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh cho gia súc. Lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm soát, không để xảy ra tình trạng mua bán, nhập lậu sản phẩm từ trâu, bò qua biên giới.

Xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên gia súc4 địa phương xuất hiện dịch viêm da nổi cục trên bòTập trung phòng chống dịch bệnh, đảm bảo chống rét cho gia súc, gia cầm dịp tết

Tiêm phòng vắc xin VDNC trên bò ở A Lưới

Hơn 8.000 liều vắc xin được tiêm

Cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lực lượng thú y tại huyện A Lưới đến đến từng hộ gia đình để hướng dẫn, tuyên truyền và thực hiện tiêm vắc xin nên công tác này được triển khai khá nhanh chóng. 

Ông Văn Lập, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới cho biết, tính đến nay, huyện A Lưới đã tiêm hơn 8.000 liều vắc xin trên tổng số gần 12.000 liều (khoảng 70%). Đặc biệt, chú trọng vào các xã có gia súc mắc bệnh.

A Lưới có tổng đàn trâu, bò gần 12.000 con, lớn nhất tỉnh và cũng là một trong những địa phương có số gia súc mắc bệnh lên đến 70 con (toàn tỉnh có 82 con), trong đó có 4 con đã chết, tiêu hủy. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, đến hết tháng 5/2021, bệnh VDNC đã xảy ra trên 14 thôn/5 xã, thị trấn trên địa bàn là Hồng Bắc, Hồng Kim, Trung Sơn, Quảng Nhâm và thị trấn A Lưới.

Ông Lập cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch, UBND huyện đã bố trí kinh phí thực hiện phòng, chống bệnh VDNC với khoảng 540 triệu đồng mua vắc xin phòng, chống dịch bệnh; đồng thời giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng các đơn vị liên quan tiêm phòng khẩn cấp vắc xin này cho trâu, bò. Kế hoạch tiêm vắc xin được đẩy nhanh trước tiên ở các xã có gia súc mắc bệnh, sau đó tiêm phòng rộng rãi trên gia súc ở cả 18 xã, thị trấn.

Anh Hồ Văn Din, người dân xã Trung Sơn cho biết: “Vắc xin được chính quyền địa phương hỗ trợ tiêm phòng miễn phí, người dân không phải đóng tiền. Trước khi tiêm, cán bộ đã đến nhà tuyên truyền, phân tích để chúng tôi hiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng chăn nuôi nên gia đình tôi và hàng xóm đều phối hợp tốt với lực lượng chức năng”.

Một trong những điểm có phần tác động đến tiến độ tiêm vắc xin VDNC trên trâu, bò là nhiều người dân có thói quen, tập quán chăn thả gia súc ở các khu vực đồi, núi dẫn đến những khó khăn khi lực lượng chức năng đến tiêm. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Nghiếu, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, nhờ tuyên truyền mạnh, sử dụng hình ảnh trực quan, người dân lo sợ thiệt hại nên đã tích cực đưa trâu, bò về tiêm phòng. "Xã chúng tôi có hơn 900 con trâu, bò, đến nay đã tiêm được khoảng 80% và đang tiếp tục triển khai", ông Nghiếu khẳng định.

Theo đánh giá từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, đến nay cơ bản tình hình dịch bệnh VDNC trên trâu, bò được kiểm soát. Tuy nhiên, vẫn sẽ đẩy nhanh quá trình tiêm vắc xin. Đảm bảo an toàn cho gia súc.

Cán bộ các địa phương ở A Lưới cũng tăng cường truyền truyền, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi gia súc

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tiến độ tiêm phòng vắc xin VDNC trên trâu, bò ở A Lưới rất nhanh là cơ sở để đáp ứng miễn dịch, phòng chống bệnh hiệu quả. “Đến nay, toàn tỉnh có 82 con gia súc mắc bệnh VDNC. Nếu so sánh số gia súc mắc bệnh trên tổng đàn, con số ở A Lưới không phải cao và cho thấy đã kiểm soát tốt”, ông Hưng nhấn mạnh.

Đồng loạt các giải pháp

Đại diện UBND huyện A Lưới cho biết, nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của đa phần người dân A Lưới, vì vậy việc khống chế, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh VDNC ở trâu, bò tiến hành rất quyết liệt. UBND huyện đã chỉ đạo công chức nông nghiệp các xã, thị trấn phối hợp với trưởng thú y và thôn trưởng, tổ trưởng dân phố thực hiệm tiêm phòng bổ sung vắc xin VDNC, có giải pháp xử lý với những trường hợp không chấp hành.

A Lưới cũng củng cố và kiện toàn ban chỉ đạo chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, động vật, thủy sản cấp xã. Giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong công tác chỉ đạo tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh nhằm đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các địa phương cũng thực hiện việc giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia súc có biểu hiện bệnh, nghi bị bệnh và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định. Ngoài ra, cũng hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch, tổng dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Theo lãnh đạo UBND huyện, hiện các ngành chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò đồng thời có chế tài kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Các lực lượng chức năng sẽ cùng vào cuộc để kiểm soát, tăng cường giám sát và xử lý theo quy định.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng, chống dịch bệnh nổi bật mùa đông xuân

Môi trường mưa ẩm thuận lợi cho virus phát triển, nhất là các bệnh nhiễm trùng hô hấp và đường tiêu hóa. Trong số các ca bệnh nhập viện tăng, một số trường hợp diễn biến nặng do tự điều trị.

Phòng, chống dịch bệnh nổi bật mùa đông xuân
Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

Hãng tin CNA dẫn nhận định của các chuyên gia chia sẻ, khi COVID-19 xuất hiện đột ngột, lây lan nhanh và cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thể giới, kể từ đó, có thể nói rằng mọi người dân đều lo lắng về sự xuất hiện của một căn bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng nào đó sẽ xảy ra tiếp theo, có thể là virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng.

Cúm gia cầm có thể trở thành vấn đề mới nổi nghiêm trọng vào năm 2025

TIN MỚI

Return to top