ClockThứ Hai, 23/07/2018 05:30

Rác thải xây dựng: Chưa được xử lý hiệu quả

TTH - Trong khi các địa phương đang loay hoay với bài toán tìm điểm tập kết chất thải rắn xây dựng (CTRXD) thì tình trạng đổ trộm CTRXD vẫn diễn ra hàng ngày từ thành thị đến nông thôn.

Rác "nhảy" khắp các đường vắngPhân loại tại nguồn

Các tuyến đường vắng người qua lại trong khu vực An Vân Dương trở thành điểm tập kết chất thải rắn xây dựng

Nỗi lo tại các khu quy hoạch

Tại khu quy hoạch Bàu Vá (phường Thủy Xuân, TP.Huế), ngay trên tuyến đường chính vào khu quy hoạch (đường Nguyễn Văn Đào) có những ụ đất, đá cao đổ bên lề đường và một số khu đất chưa được đầu tư xây dựng. Theo một số cư dân quanh khu vực, những đống đất đá này được đổ vào đêm khuya nên không ai biết để ngăn chặn. Sáng sớm, mọi người phát hiện thì việc đã rồi. 

Chuyện các bãi tập kết CTRXD cũng là mối lo của đơn vị quản lý Khu đô thị mới An Vân Dương. Được quy hoạch điểm về phát triển đô thị nhưng gần đây, tình trạng đổ trộm CTRXD trên các tuyến đường, khu vực chưa đầu tư xây dựng diễn ra thường xuyên. Điểm nóng là dọc các tuyến đường Thủy Dương - Thuận An, đường 100m khu A, đường nối từ đường Phạm Văn Đồng - Thủy Dương, đường Trường Chinh nối dài và các tuyến đường mới mở ít người qua lại. Không chỉ diễn ra đêm tối, rác còn được ngang nhiên đổ trộm vào ban ngày.

Ông Hoàng Tiến Minh, Giám đốc Ban quản lý Khu vực phát triển đô thị (BQL KVPTĐT) chia sẻ, tình trạng tập kết CTRXD trong khu vực An Vân Dương ngày càng phức tạp, dù được thường xuyên kiểm tra nhưng rất khó kiểm soát, thậm chí, các lái xe còn có hành động chống trả khi được yêu cầu không được đổ CTRXD trong khu vực.

Thời gian qua, BQL KVPTĐT thường xuyên kiểm tra hiện trường, có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư, nhà đầu tư đang triển khai thực hiện dự án trên địa bàn khu đô thị về tình trạng tập kết CTRXD không đúng nơi quy định, vận chuyển vật liệu thi công ảnh hưởng đến môi trường; tiến hành cắm biển báo cấm đổ trộm rác thải tại một số vị trí xung yếu, tăng cường cán bộ trực đêm từ 18-22h...

Năm 2017, BQL KVPTĐT đã phát hiện nhiều vi phạm của các xe tải đổ đất và thông tin đến Phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh, trong đó có 4 trường hợp bị lập 4 biên bản xử phạt. BQL KVPTĐT đồng thời tiến hành san ủi trả lại mặt bằng bị lấn chiếm để tập kết CTRXD tại một số vị trí  như: khu tái định cư Thủy Thanh, đường 100m khu A, đường nối Phạm Văn Đồng - Thủy Dương.

Giải bài toán tái chế

Quy định của Thông tư Quản lý CTRXD nêu rõ, các dự án, công trình khi xin giấy phép xây dựng phải có thông báo kế hoạch quản lý CTRXD; đồng thời, CTRXD phải được phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định; khuyến khích các giải pháp công nghệ, lựa chọn sử dụng vật liệu phù hợp nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phát sinh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng. Tuy nhiên, trên địa bàn chưa có đơn vị nào đứng ra tiến hành thu gom hay xây dựng phương án tái chế CTRXD. Các kế hoạch quản lý CTRXD của các dự án đang triển khai đa phần vẫn đang nằm trên giấy.

Năm 2017, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng tham mưu ban hành các văn bản liên quan đến địa điểm và việc quản lý các bãi thải vật liệu xây dựng, bãi phế liệu trên địa bàn. Sở Xây dựng đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố đề xuất chọn 1 hoặc 2 bãi xử lý CTRXD tập trung với diện tích 1ha.

Trên cơ sở vị trí đã lựa chọn, UBND cấp huyện thực hiện đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư, lựa chọn công nghệ xử lý, phần chất thải không tái chế sẽ được chôn lấp tại bãi xử lý này. Nếu chỉ xử lý bằng cách chôn lấp thì khuyến khích việc xử lý CTRXD tại nơi phát sinh với quy trình công nghệ phù hợp đảm bảo các yêu cầu về an toàn, môi trường. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có một vài đơn vị đề xuất vị trí xây dựng và triển khai xây dựng điểm tập kết CTRXD.

Riêng khu vực TP.Huế đã xây dựng bãi tập kết CTRXD tại góc giao nhau giữa đường Võ Văn Kiệt-Thiên Thai, thuộc phường An Tây và giao Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế quản lý, vận hành. Tuy nhiên, các bãi tập kết này mới chỉ dừng lại ở phương án chôn lấp. Nếu không có phương án xử lý hay tái chế, tình trạng quá tải tại các bãi tập kết này sẽ không quá xa.

Theo ông Nguyễn Đại Viên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, CTRXD chiếm tới khoảng 25% lượng chất thải sinh hoạt, tuy nhiên hiện nay việc thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD chưa thực sự hiệu quả.

Cũng theo ông Viên, ở Nhật, đơn vị phát thải phải trả kinh phí cho đơn vị tái chế. Tuy nhiên, ở nước ta để làm được điều này không dễ. Trên quan điểm ưu tiên phân loại từ đầu nguồn và tái chế, trước mắt, đang siết lại công tác quản lý cấp phép xây dựng, trong đó chú ý đến kế hoạch thu gom, xử lý CTRXD trong quá trình thi công.

Các địa phương cần sớm xây dựng các bãi tập kết CTRXD tập trung, giảm trường hợp đổ trộm làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, mỹ quan. Về lâu dài, tỉnh phải kêu gọi nhà đầu tư tham gia tái chế CTRXD.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển

Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt trong năm 2024 ảnh hưởng của bão số 6 và liên tiếp các đợt thiên tai trong tháng 9 và 10 đã làm xói lở bờ biển trên địa bàn hơn 10,3km/tổng số 127km, tập trung các khu vực huyện, thị Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và quận Thuận Hóa.

Cân đối nguồn vốn đầu tư xây dựng kè biển
Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới

Sáng 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Khẩn trương xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thực chất, hiệu quả, tạo động lực phát triển mới
Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân

“Cay, ngon, sạch” - sản phẩm nước ớt và tương ớt của Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân do anh Tô Đông Thoạn, ở Vinh Xuân, Phú Vang sản xuất đã và đang được thị trường đón nhận. Hiện, chủ cơ sở sản xuất đang tập trung nguồn lực để xây dựng thương hiệu riêng khi Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân vừa được chứng nhận là “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023”.

Xây dựng thương hiệu cho Thực phẩm Ogranic Vinh Xuân

TIN MỚI

Return to top