ClockThứ Sáu, 13/12/2024 14:52

Đưa hàng Việt Nam vươn ra thị trường thế giới trong kỷ nguyên mới

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn các DN Việt ngày càng có các sản phẩm chất lượng, chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn ra quốc tế, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xe ôtô điện của Vinfast lên tàu xuất khẩu sang thị trường Mỹ. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tại Hội nghị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa tổ chức tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh với vai trò người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cùng vươn lên, có những sản phẩm chất lượng, chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn ra quốc tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường.

Những thương hiệu như VinFast trong ngành xe điện, Hòa Phát trong ngành thép, Viettel trong lĩnh vực viễn thông, Vinamilk, TH trong ngành sữa, GrowMax trong ngành tôm… và nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên đóng góp cho ổn định và tăng trưởng kinh tế, cũng như xuất khẩu, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và đã trở thành niềm tự hào quốc gia, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong 5 năm trở lại đây, có 2 thương hiệu Việt rất ấn tượng, có nhiều nỗ lực, đó là Vinfast và GrowMax.

Vinfast, từ con số 0, nhưng với tầm nhìn táo bạo, khả năng thích ứng nhanh chóng và ý chí kiên định của đội ngũ lãnh đạo đã vươn lên trở thành hãng xe số 1 tại thị trường Việt Nam chỉ sau 5 năm hoạt động, không chỉ chinh phục được thị trường nội địa, mà còn tạo ra một bước tiến mạnh mẽ vươn tầm quốc tế.

Cùng với đó, sự ra đời của thương hiệu thức ăn tôm đầu tiên của người Việt GrowMax vào tháng 6/2020 cùng với sự khẳng định về chất lượng đã được hầu hết khách hàng nuôi tôm trên cả nước và khách hàng quốc tế công nhận là một minh chứng rõ ràng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành tôm.

Mặc dù, mới ra đời được gần 5 năm, nhưng GrowMax đã quy tụ được đội ngũ hùng hậu các chuyên gia, kỹ sư lành nghề, phát triển một cách mạnh mẽ và đạt những thành tựu đáng tự hào, đưa GrowMax vượt qua 18 thương hiệu quốc tế lâu năm khác để vươn lên vị trí thứ 2 toàn quốc cả về sản lượng và thị phần.

“Tinh thần bền bỉ, không lùi bước trước các khó khăn đã giúp các thương hiệu này dần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, từ sự nghi ngờ sang lòng tin tưởng và tự hào về một thương hiệu Việt, giúp phá vỡ định kiến về trình độ và năng lực của người Việt. Chúng ta có thể tự hào nói rằng, người Việt Nam luôn dám đối mặt với thách thức, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn và có thể chinh phục được những đỉnh cao bằng những khát vọng của mình, cho thế giới thấy rằng 'người ta làm được thì doanh nghiệp Việt Nam cũng làm được' và 'không gì là không thể',” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tư duy sính ngoại còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Tâm lý ưa chuộng hàng ngoại, coi đó là biểu tượng của chất lượng và đẳng cấp, đã gây không ít khó khăn cho hàng Việt Nam trong việc mở rộng thị phần ngay trên sân nhà.

Về phía các doanh nghiệp, cũng chưa thực sự đổi mới sáng tạo, làm ra các sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái chưa được kiểm soát cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng.

Chính vì vậy, để tiếp sức đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, mỗi người Việt Nam hãy trở thành những “đại sứ hàng Việt,” ưu tiên sử dụng và quảng bá sản phẩm Việt Nam.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị, hãy tiếp tục nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến chất lượng sản phẩm; đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa nước ngoài.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo nên hệ sinh thái cùng phát triển, cùng hưởng lợi.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào kênh phân phối, quảng bá sản phẩm để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn; thực hiện các chính sách giảm giá thành, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về phía nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững; và với tư cách người tiêu dùng lớn nhất, cần tăng cường sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công.

“Để 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' không phải là một khẩu hiệu, không chỉ là một phong trào, mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế-xã hội sinh động, là một nét văn hóa, là ý thức tự hào và trách nhiệm của mỗi người dân, chúng ta hãy cùng nhau hành động đưa hàng Việt Nam trở thành lựa chọn số một của người Việt Nam, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng,” Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh./.

Theo vietnamplus.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top