ClockChủ Nhật, 09/07/2017 06:58

DN thực phẩm bị “hành”bởi Nghị định không có trong Luật?

“Tư duy quản lý khi ban hành Nghị định 38 là vô cùng lạc hậu. Tại sao lại kiểm tra dựa trên lấy mẫu để nói an toàn hay không khi mẫu làm sao đại diện cho chất lượng của bao nhiêu hàng hóa, trong khi lực lượng quản lý có hạn, sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng, chế biến phức tạp?” – TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản đặt câu hỏi.

VASEP cho rằng công bố phù hợp quy định ATTP, quy định tại Nghị định 38 không có trong Luật ATTP

Nghị định 38 đang “hành” DN như thế nào?

Đánh giá hoạt động quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) hiện nay, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, tư duy quản lý ATTP hiện nay vô cùng lạc hậu. Điển hình là việc cơ quan quản lý chỉ dựa trên hoạt động DN tự lấy mẫu mang đi kiểm nghiệm, kết hợp với việc nộp một số giấy tờ theo quy định của Nghị định 38/2012/NĐ-CP, để rồi từ đó đưa ra kết luật về tính an toàn của thực phẩm.

Bà Minh cho rằng tư duy quản lý khi ban hành Nghị định 38 là vô cùng lạc hậu

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh liên tiếp đặt câu hỏi: “Tư duy quản lý ATTP của Cục ATTP - Bộ Y tế, cũng như tư duy quản lý khi ban hành Nghị định 38 là vô cùng lạc hậu. Tại sao lại kiểm tra dựa trên lấy mẫu để nói an toàn hay không khi mẫu làm sao đại diện cho chất lượng của bao nhiêu hàng hóa trong khi đó lực lượng quản lý có hạn, sản phẩm hàng hóa ngày càng tăng, chế biến phức tạp?

Mẫu đó không thể đại diện được cho chất lượng của bao nhiêu hàng hóa. Cơ quan quản lý chỉ ngồi để kiểm tra giấy tờ, thậm chí còn không có đủ người để xuống lấy mẫu. Như vậy làm sao khẳng định đó là sản phẩm an toàn? Nếu trình lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và nói kiểm tra như vậy là bảo đảm an toàn thì có phải là nói dối hay không?”.

TS. Minh cho rằng, việc DN tự lấy mẫu chỉ nên là giải pháp bổ sung và kiểm soát ATTP tập trung “đầu vào” của chuỗi thực phẩm tại các chợ đầu mối, hải quan, cửa khẩu, bến cá…

“Trên thế giới hiện nay người ta kiểm tra hệ thống, họ bắt nhà sản xuất phải đáp ứng các chuẩn mực về kiểm soát mối nguy, hoặc là kiểm soát rủi ro. DN phải tự phân tích và đánh giá các mối nguy và rủi ro của mình ở đâu, và đưa ra những giải pháp để khắc phục. Chuyện lấy mẫu không thể đại diện cho việc kiểm soát ATTP được. Hàng bao nhiêu tấn lấy vài ba mẫu, mỗi mẫu vài gram đưa vào phòng thí nghiệm. Dựa hoàn toàn vào mẫu này là sai và như thế, vấn đề ATTP của Việt Nam không bao giờ kiểm soát được”, TS. Minh bày tỏ quan điểm.

Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ: “Công bố phù hợp quy định ATTP, quy định tại Nghị định 38 không có trong Luật ATTP, nhưng lại là quy định đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nhiều so với quy định công bố hợp quy, một quy định chính thức của Luật ATTP.

Thêm vào đó, điều kiện được chứng nhận phù hợp ATTP trong Nghị định 38 không rõ ràng, gây ra sự tùy tiện, phía cơ quan quản lý kết luận là phù hợp cũng được, không phù hợp cũng được. Mỗi lần doanh nghiệp gửi hồ sơ phải sửa đổi nhiều lần, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp”.

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Hoài Nam, luật sư Trần Ngọc Hân - đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcharm) cung cấp thêm thông tin: “Các DN phản ánh với chúng tôi, việc quy định như thế nào là phù hợp quy định ATTP hoàn toàn tùy thuộc vào sự giải thích của chuyên viên Cục ATTP - Bộ Y tế. DN không biết làm thế nào để tuân thủ, dẫn đến thời gian hoàn thành việc công bố kéo dài hàng tháng, thậm chí nhiều tháng với chi phí cao và không thể tính trước. Nhiều doanh nghiệp bao gói thuộc Amcharm phải mất cả tháng trời để thực hiện hồ sơ công bố ATTP, thậm chí có những hồ sơ lên tới 6 tháng vẫn chưa xong”.

Theo đại diện Amcharm, Nghị định 38/2012/NĐ-CP nêu rõ, doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì đã công bố chứ không phải cơ quan quản lý. “Như vậy, tất cả quá trình thẩm xét hồ sơ của Cục ATTP nhằm tác dụng gì?”, luật sư Hân đặt câu hỏi.

Dịch vụ công trực tuyến: 6 tháng không làm nổi hồ sơ?

Trước phản ánh của các DN, hiệp hội, ông Lê Hoàng – Trưởng phòng Quản lý Tiêu chuẩn và Kiểm nghiệm Cục ATTP (Bộ Y tế) giải thích: “Quản lý ATTP đối với các nhóm hàng ATTP rất khác so với các hàng hóa khác bởi đây là nhóm hàng có liên quan đến an toàn sức khỏe người dân. Về thực trạng vấn đề ngộ độc thực phẩm mà các đồng chí đã đưa ra trong báo cáo, các đồng chí trích dẫn trong báo cáo là ngộ độc thực phẩm cấp tính, rất nhiều người sẽ hiểu tại sao ngộ độc thực phẩm cấp tính là nhiễm vi sinh vật do thức ăn, nhưng ở đây chưa có ai đề cập đến trường hợp ngộ độc thực phẩm mãn tính, và khi chúng ta đi siêu thị đều mua thực phẩm hàng ngày đều cân nhắc có an  toàn hay không. Nên nói vấn đề quản lý 1% hay 99% tôi khẳng định là chưa chính xác, chúng ta không thống kê đánh giá được điều đó”.

Theo ông Trần Văn Châu – Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục ATTP), việc quản lý an toàn thực phẩm dựa trên cơ sở kỹ thuật do cơ quan nhà nước ban hành, bên cạnh đó là quy định chính phủ, thông tư các bộ ban ngành. ATTP là nhóm ngành hàng bắt buộc thực hiện các quy định trong quy chuẩn chứ không phải các cơ sở tự áp dụng.

Ông Châu cho rằng không thể bỏ Nghị định 38

Ông Châu khẳng định: “Nghị định 38 có 2 nội dung. Đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì công bố phù hợp an toàn thực phẩm, tôi thử hỏi các ngành hàng có nguy cơ an toàn mà không thuộc diện của ngành hàng nhóm 1 được công bố tiêu chuẩn, nếu không có việc này thì hàng trăm ngàn sản phẩm trong những năm qua có ra đời được không? Tôi phải khẳng định rằng Nghị định 38 của Chính phủ tạo điều kiện cho phát triển”.

Ngoài ra, ông Châu cũng cho biết, hiện Cục ATTP đã nhận hồ sơ công bố phù hợp ATTP qua mạng, doanh nghiệp chỉ việc gửi hồ sơ qua mạng không tốn nhiều thời gian

Tuy nhiên, luật sư Trần Ngọc Hân - Đại diện Amcham đã ngay lập tức phản bác ý kiến của đại diện Cục ATTP: “Cục có hỏi quản lý thực phẩm như thế nào thì chúng tôi có nói rất nhiều lần ở đây rằng là chúng tôi không yêu cầu bãi bỏ công bố phù hợp an toàn thực phẩm, mà chúng tôi chỉ muốn chuyển nó thành hình thức là công bố hợp chuẩn theo luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, vẫn tiền kiểm, vẫn kiểm tra, vẫn công bố.

Chúng tôi vẫn làm nhưng là hình thức đúng luật chứ không phải là một hình thức không có quy định trong luật. Cụm từ công bố xác nhận phù hợp ATTP nó nằm ở đâu trong luật an toàn thực phẩm?”.

Thêm vào đó, luật sư Hân cũng cho biết, trình tự, hồ sơ công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đã rút gọn. Nhưng bản kê có hàng trăm nguyên liệu có thể kê khai trong một tờ khai, mà vẫn là một quy trình công bố 4 – 6 tháng thì làm sao DN có thể xuất được hàng, bán ra thị trường. Chẳng hạn, một chiếc bánh có đến 12 nguyên liệu, thời gian xin giấy phép mỗi nguyên liệu mất 30 ngày, vậy là tổng cộng mất hơn 300 ngày.

Theo Dân việt

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168

Ngày 10/1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Huế cho biết, đơn vị đã triển khai đồng loạt các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn và xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (GPLX).

Lắp biển xử lý vi phạm Nghị định 168
Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì tại điểm cầu Thừa Thiên Huế.

Sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống

TIN MỚI

Return to top