ClockChủ Nhật, 14/04/2024 06:40

Dịch vụ tốt sẽ thúc đẩy chuyển đổi giao thông xanh

TTH - Dù là xu hướng của tương lai, song để chuyển đổi giao thông xanh không phải là điều đơn giản. Ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên Huế đã có những trao đổi về chiến lược của tỉnh trong lĩnh vực này.

Phát triển giao thông xanh để xây dựng TP. Huế trở thành đô thị sinh tháiPhát triển giao thông xanh“Giao thông điện Huế - Hành trình xanh cho tương lai”Giao thông xanh - Xu thế tất yếu trong tương lai

 Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển Thừa Thiên Huế Cung Trọng Cường

Giao thông xanh là xu thế tất yếu trong tương lai. Vậy, sự phát triển của các loại hình giao thông xanh tại Thừa Thiên Huế như thế nào? So với các tỉnh, thành trong cả nước, Thừa Thiên Huế đang ở đâu, thưa ông?

Hiện nay, giao thông xanh nói riêng, xu hướng giao thông và di chuyển thông qua các giải pháp giảm phát thải, thông minh nói chung đang được các nước trên thế giới hướng đến. Đặc biệt, sau cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 cũng như cam kết NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định) cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc giảm phát thải. Chuyển đổi giao thông xanh chính là một trong những chiến lược quan trọng. Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị định, quyết định về vấn đề này và từng bước triển khai.

Đối với Thừa Thiên Huế, tỉnh đang thực hiện song song cả ba chiến lược đồng thời gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách (thông qua đưa vào trong quy hoạch tỉnh, hoàn thiện và xây dựng, ban hành các quy định liên quan đến giao thông xanh); thúc đẩy phát triển các loại hình giao thông xanh như, phương tiện phi cơ giới (đi bộ, xe đạp), chuyển đổi phương tiện điện (xe máy điện, xe ô tô điện, taxi điện) và thúc đẩy phát triển giao thông công cộng; phát triển hạ tầng giao thông xanh gồm xây dựng các tuyến đường dành người đi bộ, xe đạp, xây dựng không gian xanh, phát triển hệ thống xe đạp chia sẻ, trạm sạc, chuyển đổi pin cho xe máy điện giao hàng và từng bước thực hiện hoàn thiện hệ thống kết nối công cộng theo hướng đa phương thức và giảm phát thải.

 Chuyển đổi giao thông xanh phù hợp với định hướng xây dựng Huế trở thành thành phố xanh

Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện các chương trình thúc đẩy truyền thông, khuyến khích người dân và các đơn vị chuyển đổi phương thức di chuyển theo hướng công cộng và giảm phát thải, đặc biệt trên địa bàn TP. Huế.

Với những nỗ lực thời gian qua, tôi cho rằng, Thừa Thiên Huế nằm trong nhóm các tỉnh có chính sách, chiến lược rõ ràng và có kết quả tích cực trong việc chuyển đổi sang giao thông xanh.

TP. Huế được định hướng trở thành đô thị xanh, đô thị sinh thái. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của việc áp dụng các loại hình giao thông xanh trong bối cảnh hiện nay?

Như đã trao đổi, hiện nay, giao thông xanh là một xu hướng và đã đưa vào chiến lược của Chính phủ, cũng như trong quy hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế. Phát thải thông qua giao thông chiếm tỷ lệ rất lớn trong phát thải ra môi trường. Do đó, việc chuyển đổi giao thông xanh rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Chuyển đổi sang giao thông xanh cũng đóng vai trò quan trọng trong giảm phát thải, cũng như giảm vấn đề ùn tắc khu vực nội đô tại TP. Huế, kể cả chuyển đổi phương án di chuyển bằng thuyền trên sông Hương (ưu tiên phương tiện thân thiện môi trường như thuyền dùng động cơ điện) để giảm thải các phương tiện phục vụ đi lại khu vực trung tâm thành phố hoặc các điểm du lịch hai bên bờ sông.

Sẽ có những thách thức khi áp dụng các mô hình giao thông xanh tại Thừa Thiên Huế. Ông có thể chia sẻ cụ thể về những khó khăn này?

Việc áp dụng các mô hình giao thông xanh gặp khá nhiều thách thức và khó khăn như, các quy định cấp Chính phủ, địa phương hiện vẫn đang hoàn thiện và chưa đầy đủ để tạo hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi phương tiện.

Hạ tầng và quy hoạch vẫn chưa theo hướng chuyển đổi xanh và giao thông xanh nên khá khó khăn khi chuyển đổi mô hình giao thông xanh; các phương tiện giao thông xanh theo mô hình mới, chi phí đầu tư, triển khai chưa đồng bộ và cao hơn mô hình truyền thống, từ đó tạo ra khó khăn trong cách tiếp cận (giá xe ô tô điện, xe bus điện, tàu điện đầu tư rất cao so với phương tiện dùng nhiên liệu).

Nhiều người cho rằng, dù hạ tầng giao thông của Thừa Thiên Huế đang dần hoàn thiện, song, dường như các dịch vụ giao thông xanh hiện nay vẫn còn nghèo nàn. Các dịch vụ sẵn có vẫn chưa thu hút người dân và du khách. Ông đánh giá như thế nào về nhận định trên?

Theo ý kiến cá nhân tôi, nhận định này đúng trên góc độ tiếp cận từ người sử dụng. Để chuyển đổi sang hướng giao thông xanh thì cần một thời gian dài để hoàn thiện chính sách, đầu tư hạ tầng, kêu gọi nhà đầu tư hoặc các đối tác, tổ chức tham gia vào việc chuyển đổi giao thông xanh.

 Hệ thống xe đạp sẻ chia đang được tỉnh đầu tư và dần hoàn thiện

Hiện nay, đầu tư vào các dịch vụ liên quan giao thông xanh gần như mới bắt đầu hoặc mới triển khai trong thời gian ngắn và các doanh nghiệp/nhà đầu tư liên quan cũng tiên phong thực hiện. Do đó, sẽ không đồng bộ về dịch vụ đầu tư hạ tầng, khả năng sẵn sàng và đồng bộ các dịch vụ giao thông xanh.

Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang quan tâm, nỗ lực triển khai nên việc chuyển đổi sẽ diễn ra nhanh trong thời gian đến. Hy vọng rằng, các dịch vụ giao thông xanh sẽ ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu cho người dân và sự ủng hộ của cộng đồng, người dân sẽ tăng lên. Đó cũng là điều kiện để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi giao thông xanh.

Kế hoạch phát triển giao thông xanh cho TP. Huế luôn được quan tâm. Để kế hoạch được hiện thực hóa, theo ông cần những giải pháp gì?

Để triển khai được kế hoạch phát triển giao thông xanh cho TP. Huế thì rất cần triển khai đồng bộ đồng thời cả 3 giải pháp: Thiết chế pháp lý và các chính sách của địa phương bao gồm các quy định, quy chế quản lý về khu vực giảm phát thải, các quy chế về sử dụng năng lượng, tài nguyên, phương thức di chuyển và tuân thủ các quy định của Chính phủ cũng như cam kết quốc tế.

Đầu tư hạ tầng cho giao thông công cộng cũng như giao thông xanh, cũng là một giải pháp quan trọng trong việc chuyển đổi thói quen sử dụng phương tiện di chuyển cũng như tiếp cận điểm đến. Ví dụ như đầu tư đường đi bộ, đi xe đạp, ưu tiên phương tiện công cộng, kết nối giao thông công cộng theo hướng xanh khu vực trung tâm, đầu tư hạ tầng sạc, sử dụng năng lượng mặt trời cho các hệ thống trạm sạc…

Một giải pháp quan trọng nữa đó là sự quan tâm, đồng thuận của người dân về việc chuyển đổi thói quen đi lại và quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường, trong đó ngoài các quy định thì công tác tuyên truyền, truyền thông tích cực và hỗ trợ cho người dân chuyển đổi phương tiện là các giải pháp quan trọng.

Xin cảm ơn ông!

Lê Thọ (Thực hiện)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Dù mới đi vào hoạt động chính thức chưa đầy nửa năm, song với việc phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, nay là thành phố Huế (Trung tâm) đã và đang có những đóng góp quan trọng trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xúc tiến thương mại, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan.

Cầu nối thúc đẩy doanh nghiệp phát triển
Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

Ngày 19/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực hiện Đề án giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Thúc đẩy giáo dục quyền con người trong các cơ sở mầm non

TIN MỚI

Return to top