ClockThứ Bảy, 26/10/2024 08:47

Chủ động, khẩn trương ứng phó bão số 6

TTH.VN - Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đã có Công điện hỏa tốc chỉ đạo công tác chủ động ứng phó với bão số 6 (TRAMI).

Tuyệt đối không được chủ quan với bão số 6Công điện khẩn ứng phó bão số 6 Chủ động ứng phó với bão TRAMI và gió mạnh trên biển “Nhận diện” sớm nguy cơ để ngăn ngừa thiệt hại do mưa lũỨng phó hoàn lưu bão gây mưa lớn

Huy động các lực lượng ứng phó với mưa bão, lũ lụt, sạt lở đất   

Công điện nêu rõ: Bão số 6 (TRAMI) dự báo ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế. Để chủ động ứng phó với bão, lũ lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu: Triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 110/CĐ-TTg, ngày 24/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với bão số 6 và các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Nắm chắc tình hình, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, chủ động triển khai công tác ứng phó theo kế hoạch đã được phê duyệt theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương. Hủy, hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách để tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ trong mọi tình huống; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền rộng rãi, kịp thời, chính xác về diễn biến bão, mưa lũ, kích hoạt các hình thức cảnh báo thiên tai để Nhân dân biết và chủ động phòng, chống.

Khẩn trương rà soát và kiên quyết di dời người dân ra khỏi các vùng xung yếu, nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập sâu, lũ quét; không để người dân ở lại trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản...

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, tổ chức vận hành an toàn, hiệu quả các hồ thủy lợi, thủy điện; huy động các lực lượng hướng dẫn, hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho Nhân dân, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; triển khai cắt, tỉa cây xanh có khả năng gãy, đỗ; hướng dẫn tàu thuyền neo, đậu đúng cách, đảm bảo an toàn tài sản cho ngư dân.

Tăng cường kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lưới điện, chủ động phương án cấm người, phương tiên lưu thông, nhất là trước và trong khi bão đổ bộ và mưa lũ. Căn cứ diễn biến và dự báo bão, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chủ động điều chỉnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn cho công nhân; xem xét thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ học.

Người dân chủ động chằng chống mái nhà bằng bao cát, ứng phó với bão số 6  

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu ứng phó với mưa bão, lũ lụt. Lực lượng công an, quân đội giữ gìn an ninh và bảo vệ tài sản của Nhân dân; triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ các địa phương ứng phó với mưa bão, lũ lụt; sẵn sàng sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Phân công các ủy viên ban thường vụ cấp ủy trực tiếp xuống địa bàn được phân công để chỉ đạo công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt; trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa lũ và thường xuyên báo cáo về Ban Thường vụ Tỉnh ủy.  

Không để bị động, bất ngờ 

Chủ tịch UBND TP. Huế cũng vừa có công điện, yêu cầu Chủ tịch UBND các phường xã, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành, đơn vị trên địa bàn thành phố cùng các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động ứng phó bão số 6.

Khẩn trương khắc phục sạt lở ở bờ biển Thuận An  

Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão số 6, trên địa bàn TP.Huế có nước dâng, mưa lớn diện rộng, sạt lở đất. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu trưởng các phòng, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị, đoàn thể cấp thành phố, Chủ tịch UBND các phường, xã khẩn trương triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Trong đó, UBND các phường, xã tổ chức theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin diễn biến mưa bão để chủ động triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai ảnh hưởng đến địa bàn quản lý; tăng cường tuyên tuyền, vận động người dân giằng chống, gia cố nhà cửa; gia cố các cây xanh có nguy cơ gãy đổ trên địa bàn. Đồng thời, rà soát các kế hoạch, kịch bản, phương án sơ tán dân, phương án ứng phó thiên tai bão, lũ, khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt; đối với các địa bàn ven biển, đầm phá quản lý chặt chẽ và tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi, đánh bắt cá trên đầm phá khi có gió mạnh, không để người dân trú tránh trên tàu thuyền, nhà bè nuôi thủy sản khi có bão…

Ban Chỉ huy Quân sự thành phố, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng, Đồn biên phòng Cửa khẩu Cảng Thuận An, UBND các phường, xã: Thuận An, Hải Dương, hướng dẫn neo đậu bảo đảm an toàn cho tàu thuyền, phương tiện tại cảng, bến, khu neo đậu; tuyệt đối không để người dân trú tránh trên phương tiện, tàu, thuyền khi có gió mạnh, sóng lớn, nước dâng do bão. Phòng Kinh tế thành phố chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ; kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn ao nuôi thuỷ sản, lồng bè, khu neo đậu tránh trú bão, các cơ sở chăn nuôi nhằm hạn chế thiệt hại do bão lũ...

Được biết, do ảnh hưởng liên tiếp của các đợt thiên tai, trong tháng 9 đến tháng 10/2024, đặc biệt là các đợt mưa lớn, gió mạnh trên biển, sóng lớn, triều cường, nước dâng trong các ngày 19-21/10/2024 đã gây sạt lở đoạn bờ biển Thuận An dài khoảng 1.000 mét, ăn sâu vào đất liền gây nguy cơ mất an toàn cho tuyến đường liên xã, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các hộ dân thuộc phường Thuận An.

Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND TP. Huế, phường Thuận An và các đơn vị liên quan, người dân triển khai nhiều giải pháp khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn cho các bãi tắm cũng như tài sản, tính mạng của người dân.

PHONG ANH-THANH HƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top