ClockThứ Sáu, 03/02/2023 19:02

Tuyển sinh Đại học 2023: Nhiều trường sử dụng kết quả kỳ thi riêng, chứng chỉ quốc tế

Đến thời điểm này, trên 50 cơ sở giáo dục đại học đã công bố thông tin tuyển sinh năm 2023.

Tăng tốc tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệpTuyển sinh đại học 2023 sẽ diễn ra sớm hơn so với năm 2022Hơn 40 trường đã công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2023

Thí sinh đến nhập học tại trường Đại học Kinh tế Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Thu Hoài/TTXVN

Nhìn chung, các phương thức tuyển sinh đại học năm nay đều ổn định như năm trước, gồm: Xét tuyển thẳng, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, xét tuyển kết hợp, xét tuyển theo kết quả các kỳ thi riêng… Đặc biệt, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay có chiều hướng giảm hơn so với năm 2022.

Nhiều trường xét tuyển từ điểm thi đánh giá năng lực, tư duy

Hiện tại, một số trường đại học đã thông báo lịch tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội…

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Bài thi Đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội được thiết kế có tính toàn diện, ổn định, phân loại. Do đó, sẽ không có bất kỳ thay đổi gì về dạng thức, câu trúc đề thi HSA trong những năm qua và thời gian tới. Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ có những điều chỉnh về hành chính, như: giới hạn số lần dự thi, tăng chế tài xử phạt thí sinh vi phạm quy chế thi, lệ phí đăng ký dự thi và thi.

Cụ thể, căn cứ quy mô của kỳ thi, thí sinh chỉ được đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. Việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tiễn năm 2022 với hơn 20.000 lượt thi của thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác mong muốn được thi HSA.

Thí sinh đăng ký dự thi tại địa chỉ http://khaothi.vnu.edu.vn/ hoặc http:/hsa.edu.vn/ và chọn ca thi tương ứng. Lệ phí dự thi năm 2023 là 500.000 đồng/thí sinh/lượt thi. Thí sinh bắt đầu đăng ký thi từ ngày 6/2/2023 cho các đợt thi tháng 3 - 4/2023, đăng ký từ ngày 18/3/2023 cho các đợt thi tháng 5 - 6/2023.

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã bắt đầu mở cổng đăng ký dự thi đánh giá năng lực từ ngày 1/2 trên trang https://thinangluc.vnuhcm.edu.vn. Năm nay, kỳ thi tiếp tục tổ chức tại 17 địa điểm, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Đồng thời, dự kiến mở rộng thêm địa điểm thi tại tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức 2 đợt. Đợt 1 vào ngày Chủ nhật (26/3) và đợt 2 vào ngày Chủ nhật (28/5).

Kỳ thi Đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt: đợt 1 vào tháng 5/2023 tại Hà Nội; đợt 2 vào tháng 6/2023 tại Hà Nội; đợt 3 tổ chức vào tháng 7/2023 tại một số địa điểm như: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, Tuyên Quang, Thái Nguyên…

Ở kỳ thi này, thí sinh không bị giới hạn số lần thi. Sau khi hoàn thành, các em được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong 2 năm và được đăng ký xét tuyển vào trường đại học nào sử dụng kết quả của kỳ thi.

Từ năm 2023, bài thi đánh giá tư duy dự kiến sẽ theo hình thức trắc nghiệm với 3 phần (150 phút), gồm: Tư duy toán học, Tư duy đọc hiểu và Tư duy giải quyết vấn đề. Như vậy, cấu trúc và nội dung bài thi được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ hơn (từ 270 phút xuống còn 150 phút). Đồng thời, xóa bỏ tư duy theo tổ hợp môn học (từ Toán + Đọc hiểu + Khoa học tự nhiên + Tiếng Anh thành nội dung đánh giá tư duy toán học, tư duy đọc hiểu và tư duy giải quyết vấn đề) để phù hợp với Chương trình giáo dục Trung học Phổ thông mới áp dụng.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực năm 2023 để xét tuyển đại học hệ chính quy, dự kiến vào ngày 6/5/2023. Thời gian đăng ký dự thi từ ngày 20/2 - 9/4/2023.

Thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi tại 1 trong 2 điểm thi: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Quy Nhơn. Nhà trường lưu ý thí sinh cần tìm hiểu kỹ phương thức, điều kiện tuyển sinh năm 2023 của trường đại học bản thân có nguyện vọng dự tuyển và lựa chọn 2, 3 hoặc 4 bài thi sẽ dự thi.

Thí sinh lựa chọn đăng kí một số bài thi trong các bài thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và sử dụng kết quả thi để đăng kí dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học chính quy theo yêu cầu của mỗi trường đại học. Lệ phí thi là 160.000 đồng/môn thi.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Đề thi có 2 phần - trắc nghiệm và tự luận. Đối với những môn chung, phần trắc nghiệm chiếm 70%, còn lại là tự luận. Riêng môn Ngữ văn (phần tự luận 70%, trắc nghiệm 30%). Việc giữ đến 70% trắc nghiệm trong đề thi các môn bởi học sinh ở phổ thông thường làm quen với việc thi trắc nghiệm, trừ môn Văn. Còn 30% tự luận sẽ đánh giá về khả năng hiểu và trình bày cho người khác hiểu của thí sinh. Đó là một trong những điều kiện ban đầu cần thiết đối với một giáo sinh và trong tương lai trở thành giáo viên.

Trong đề án tuyển sinh đại học năm 2023, nhiều trường đều dành chỉ tiêu nhất định cho phương thức xét tuyển theo kết quả của các kỳ thi riêng, do các cơ sở giáo dục đại học lớn tổ chức.

Xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Cùng với việc sử dụng kết quả các kỳ thi riêng, năm 2023, nhiều trường tiếp tục dành chỉ tiêu xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để xét tuyển đối với hai nhóm thí sinh. Nhóm đối tượng tuyển sinh thứ nhất là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia. Điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC 4 kỹ năng (nghe và đọc 785, nói 160 và viết 150 trở lên). Đồng thời, thí sinh cần có thêm điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 hoặc 2023 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 85 điểm trở lên hoặc đạt điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh từ 700 điểm trở lên.

Nhóm đối tượng thứ 2 là thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Điều kiện nhận hồ sơ là thí sinh phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế trong thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023 đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC 4 kỹ năng (nghe và đọc 785, nói 160 và viết 150 trở lên); và có điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 của môn Toán và một môn khác môn tiếng Anh thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường.

Trường Đai học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng thông báo điều kiện bắt buộc là thí sinh phải tốt nghiệp Trung học phổ thông, đạt hạnh kiểm tốt trong 3 năm học Trung học phổ thông và có kết quả thi tốt nghiệp đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và nhà trường quy định. Ngoài điều kiện trên, để xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ vào trường, thí sinh cần có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 6.0 trở lên hoặc chứng chỉ TOEFL iBT từ 79 điểm trở lên; đồng thời, thí sinh phải đạt tổng điểm 2 môn thi còn lại trong tổ hợp xét tuyển từ 14 điểm trở lên trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 (trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc môn Ngữ văn).

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xét tuyển thẳng đối với thí sinh đã tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 có hạnh kiểm tất cả các học kỳ đạt loại tốt, có học lực giỏi cả 3 năm ở bậc Trung học phổ thông và đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS; TOEFL iBT; TOEIC, DELF; TCF; HSK; HSKK, chứng chỉ Tin học quốc tế MOS (thời hạn 2 năm tính đến ngày 1/6/2023).

Trường Đại học Ngoại thương giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2022. Trong đó, có phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên, áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và các chương trình chất lượng cao Ngôn ngữ thương mại.

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra phương thức tuyển sinh bằng xét tuyển kết hợp với điều kiện thí sinh có chứng chỉ quốc tế Tiếng Anh (Tiếng Pháp) tương đương IELTS 5.0 trở lên, hoặc có kết quả trong kỳ thi SAT đạt từ 1100/1600, hoặc ACT đạt từ 22/36. Các chứng chỉ phải còn hiệu lực tính đến ngày xét tuyển. Nhà trường cũng đưa ra điều kiện kèm theo cho phương thức này là thí sinh phải có tổng điểm 2 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2023 thuộc tổ hợp xét tuyển đạt từ 12 điểm trở lên, trong đó có môn Toán và 1 môn khác không phải ngoại ngữ.

Với các tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật, tổng điểm môn Toán của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2023 và điểm môn Vẽ Mỹ thuật của trường năm 2023 phải đạt từ 12 điểm trở lên.

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Kế hoạch tuyển sinh tổng thể năm 2023 dự kiến sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong tháng 2, thiết kế với lịch trình sớm hơn năm 2022 để công tác tuyển sinh có thể hoàn tất và bắt đầu năm học mới vào đầu tháng 9/2023. Thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông tin tuyển sinh từ các trường đại học, có sự cân nhắc, lựa chọn giữa nhiều phương án, đề ra chiến lược học tập cụ thể để có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào các trường, ngành học theo sở thích và nguyện vọng của các em.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top