ClockChủ Nhật, 24/04/2022 18:49

Trao chân thành, nhận đồng thuận

TTH - Trao yêu thương chân thành, là cách Trung úy Phạm Thái Sơn, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng cửa khẩu (ĐBPCK) Hồng Vân chạm đến trái tim người khác.

Đồn biên phòng cửa khẩu Hồng Vân giúp người dân thu hoạch lúaĐón nhận “Con nuôi đồn Biên phòng”

Trao quà cho người dân cùng lời động viên chân thành

Người dân thôn Ta Lo A Hố - xã biên giới Hồng Vân, huyện A Lưới đã quen với hình ảnh một sĩ quan biên phòng trẻ - Trung úy Phạm Thái Sơn, cứ vài hôm lại đến nhà vợ chồng cụ Quỳnh Xăng - Kăn Thiết (ngoài 80 tuổi) buộc chặt trên yên sau xe máy những chiếc chổi đót mà hai cụ làm được, làm “shipper”, chở đến các thôn lân cận hoặc ra thị trấn A Lưới để giao tận tay người mua. Sau những chặng đường dài trong buổi trưa nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, nhưng nụ cười vẫn luôn nở thật tươi.

Đón giao thừa cùng bà cụ neo đơn trên xã biên giới A Lưới

Vợ chồng cụ Quỳnh Xăng là một trong sáu hộ dân thuộc hoàn cảnh già cả, neo đơn hoặc hoàn cảnh khó khăn mà Trung úy Phạm Thái Sơn được đơn vị phân công phụ trách, theo mô hình “đảng viên phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”. Nhìn đôi vợ chồng tuổi tác già nua, ngồi cặm cụi làm từng chiếc chổi đót, trong lòng người sĩ quan biên phòng trẻ dâng lên niềm thương. Càng thương hơn khi thấy chổi làm xong đã lâu mà vẫn “tồn kho”, không bán được. Trăn trở tìm cách đỡ đần, giúp các cụ phần nào. Vậy là mỗi lúc đi địa bàn hoặc trong các cuộc gặp gỡ phối hợp với lực lượng thanh niên, phụ nữ…, các cơ quan đơn vị, để thực hiện các hoạt động phong trào, bao giờ Sơn cũng “lồng ghép” giới thiệu sản phẩm chổi đót của vợ chồng cụ Quỳnh Xăng, nếu ai có nhu cầu mua, Sơn đảm bảo ship đến tận nơi. Đồng thời Sơn đăng “câu chuyện” này lên mạng xã hội facebook, với mong muốn sẽ “gặp” được nhiều hơn sự đồng cảm, sẻ chia.

Còn nhớ lần đầu tiên theo cái hẹn công việc, tôi được Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Trung Sơn, đón từ thị trấn A Lưới, nhưng không đưa đến ĐBPCK Hồng Vân, mà mải miết đi qua con đường nhỏ len lỏi giữa ruộng sắn, ruộng ngô đến suối A Lin. Ở đó, Trung úy Phạm Thái Sơn đang cùng đồng đội là Thượng úy Hồ Văn Thảo, Thượng úy Nguyễn Minh Khánh Vũ miệt mài tận dụng từng chút thời gian, dựng chòi nghỉ chân “tình quân - dân” bên bờ suối, để kịp thời gian khánh thành, đưa vào hoạt động. Tiền thu được sẽ gây nguồn kinh phí, giúp người nghèo.

Gặt lúa giúp dân

Là người có 22 “tuổi lính”, trong đó 12 năm làm Phó Bí thư tăng cường xã, gắn bó, nặng lòng với dải đất biên giới xa xôi, với cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn (nên đã thực hiện nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, thoát nghèo), Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng thực sự quý trọng Sơn, bởi dù tuổi đời, tuổi lính còn rất trẻ, nhưng tấm lòng, nỗi trăn trở của Sơn đối với người dân nghèo nơi đây là “không tuổi tác”.

“Tôi thực sự xúc động lúc Sơn nói “chú ơi, hay mình làm gì đó để có nguồn thu giúp dân nghèo”, khi địa phương có chương trình xây dựng khu du lịch cộng đồng suối A Lin trên địa bàn xã Trung Sơn” - vậy là Thiếu tá Dũng cùng Thượng úy Hồ Văn Thảo, Thượng úy Nguyễn Minh Khánh Vũ ủng hộ Sơn, cộng đồng tâm huyết, bỏ tiền túi và công sức để xây dựng “chòi quân - dân”. Kế hoạch thực hiện chương trình “Du lịch cộng đồng - đồng hành cùng người nghèo” của các anh được Ban Chỉ huy đồn Biên phòng cửa khẩu Hồng Vân phê duyệt, chính quyền địa phương ủng hộ. Đến nay, có những phần quà ý nghĩa đã được gửi đến một số hộ nghèo trên địa bàn, từ nguồn thu từ hoạt động của “chòi quân - dân”.

Thượng tá Trần Văn Tuyển, Chính trị viên ĐBPCK Hồng Vân nói rằng, vận động người dân khu vực biên giới chấp hành các chủ trương, chính sách, chấp hành pháp luật… là một trong những nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng của lực lượng BĐBP. Đối với những cán bộ thuộc đội vận động quần chúng, trách nhiệm đó còn cao hơn. Điều khiến chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trân trọng người đội trưởng đội vận động quần chúng là bởi, thay vì tìm hiểu nói như thế nào để vận động, bao giờ Trung úy Phạm Thái Sơn cũng đặt câu hỏi, làm thế nào để giúp dân, đồng thời tìm cách giúp đỡ những hoàn cảnh cụ thể bằng hành động thiết thực.

Trung úy Phạm Thái Sơn (giữa) tại lễ tuyên dương “Gương mặt trẻ tiêu biểu” “Gương mặt trẻ triển vọng” BĐBP năm 2021

Khi đội vận động quần chúng nhận “nâng bước em tới trường” cháu Lê Thành Ly Nin, người dân tộc Pa Cô ở thôn Ta Ay Ta, xã Trung Sơn, có bố tàn tật, mẹ đau ốm triền miên, hoàn cảnh rất khó khăn, ngoài số tiền đội hỗ trợ hàng tháng, Sơn tìm cách kết nối với các tấm lòng thông qua mạng xã hội facebook hoặc các mối quan hệ công tác, tìm sự cảm thông, chia sẻ. Bà Lê Thị Mai Loan, Phó Chủ tịch Mặt trận huyện A Lưới đã tiếp tục kết nối và được mạnh thường quân gửi yêu thương đến cháu Nin, hỗ trợ cháu chiếc xe đạp trị giá khoảng 1,5 triệu đồng. Cô giáo Đàm Thị Hoa, Hiệu trưởng mới về nhận công tác tại Trường THCS - THPT Hồng Vân (nơi cháu Nin đang học) tặng cháu một bộ sách giáo khoa mới…

Ấp ủ dự định nối tiếp chương trình “nâng bước em tới trường” bằng mô hình “Bữa cơm bán trú - nâng bước em tới trường”, Trung úy Phạm Thái Sơn đã rất trăn trở khi nói: “Nối giữa hai xã Hồng Vân và Hồng Thủy là đèo Pêke gần 15km. Học sinh từ Hồng Thủy sang Hồng Vân học, có em mang theo cơm ăn trưa, nhưng rất nhiều em hoàn cảnh khó khăn, phải quay về nhà. Đi qua đèo hết cả sức, lấy đâu sức mà yên tâm học hành”. Với mong muốn thiết tha thực hiện mô hình “bữa cơm bán trú” để “nâng bước” cho rất nhiều học sinh, chứ không chỉ “dừng lại” con số 3-4 em trên địa bàn đơn vị phụ trách, Trung úy Phạm Thái Sơn đang phối hợp với cô giáo Đàm Thị Hoa và cán bộ mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực miền Trung xin dự án tình nguyện quốc gia, hỗ trợ cơm trưa cho học sinh ở xã Hồng Thủy ở lại bán trú buổi trưa, 7 nghìn đồng/em/1 bữa. Các lực lượng sẽ giúp công nấu, phần nào chia sẻ bớt khó khăn, để học sinh yên tâm học tập.

“Không phải lớn lao, to tát, những việc tôi làm “nhỏ bé”, nhưng thực sự chân thành và xuất phát từ yêu thương, với niềm tin, chân thành yêu thương sẽ chạm đến trái tim người khác” - Trung úy Phạm Thái Sơn bộc bạch. Để người phụ nữ ở thôn A Năm xã Hồng Vân bị bắt, khởi tố (nhưng sau đó được tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ) về hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy hiểu rằng, cộng đồng, xã hội nói chung, BĐBP nói riêng luôn bên cạnh, dành yêu thương, giúp đỡ và mong muốn những người trót lầm lỡ, trở về con đường thiện lương, Trung úy Sơn đã dành 1 trong 2 suất quà đặc biệt, trị giá 1 triệu đồng cho các con nhỏ của chị, trước dịp Tết Nguyên đán.

Trao yêu thương chân thành, người sĩ quan biên phòng trẻ ấy và đồng đội của anh đã nhận được sự đồng thuận của Nhân dân khu vực biên giới. Gia đình anh Hồ Văn Tét - chị A Râh Thị Nhị, gia đình anh Hồ A Ngao và nhiều gia đình khác trên dải đất biên giới huyện A Lưới đã đồng ý để lực lượng BĐBP mượn đất xây dựng chốt kiên cố chống dịch COVID-19; sẵn lòng để BĐBP kéo đường điện, thắp sáng, phục vụ sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ “bám” chốt.

Theo Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh: Trao yêu thương chân thành, chính là cách mà Trung úy Phạm Thái Sơn và lực lượng BĐBP tỉnh thực hiện “dân vận khéo” vô cùng hiệu quả; đã góp phần không nhỏ xây dựng niềm tin trong Nhân dân. Từ sự đồng thuận, thời gian qua, người dân A Lưới đã chấp hành và chung tay trong phòng, chống dịch COVID-19; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới thông qua hàng trăm tin báo, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật mỗi năm, có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Người dân A Lưới đã nghe theo vận động, mạnh dạn chuyển đổi giống, cây trồng, vật nuôi phù hợp, thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, chung tay phát triển kinh tế địa phương.

Với những đóng góp không nhỏ trong nhiều mặt, đặc biệt trong công tác dân vận, Trung úy Phạm Thái Sơn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu trong toàn quốc, vinh dự được Bộ Tư lệnh BĐBP tuyên dương “Gương mặt trẻ tiêu biểu” “Gương mặt trẻ triển vọng” BĐBP năm 2021.

Bài: PHẠM THÙY CHI - Ảnh: NVCC

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Với phương châm “Thực hiện sắp xếp giảm đầu mối bên trong gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới”, huyện Quảng Điền sớm ban hành Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện.

Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy
Thủy Biều đồng thuận “hiến đất mở đường”

Sau khi TP. Huế triển khai các dự án (DA) mở rộng đường kiệt, UBND phường Thủy Biều đã vận động người dân “hiến đất mở đường”. Nhờ sự đồng thuận cao nên nhiều tuyến đường kiệt được đầu tư mở rộng, tạo diện mạo mới cho Thủy Biều và giúp giao thông, đi lại thuận tiện hơn.

Thủy Biều đồng thuận “hiến đất mở đường”
Sáp nhập huyện Nam Đông - Phú Lộc: Đoàn kết, đồng thuận

Trong niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và người dân Thừa Thiên Huế khi Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết (NQ) thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, hai huyện Phú Lộc và Nam Đông khẩn trương thực hiện quy trình sáp nhập huyện theo NQ số 1314/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự đoàn kết, đồng thuận là yếu tố tạo nên thành công cho nhiệm vụ này.

Sáp nhập huyện Nam Đông - Phú Lộc Đoàn kết, đồng thuận
Tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo

Phát huy lợi thế kinh tế vườn và phát triển chăn nuôi, thời gian qua chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phường Thủy Biều (TP. Huế) đã huy động nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo cây, con giống cũng như bổ sung các tiêu chí thiếu hụt nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn thành phố.

Tạo sự đồng thuận, chung tay vì người nghèo
Vì dân nên dân đồng thuận

Đến cổng thôn văn hóa Đồng Bào, xã Quảng Vinh (Quảng Điền) hỏi nhà ông Trần Khởi, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn, người dân nơi đây ai cũng biết và nhiệt tình chỉ cho chúng tôi. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, nghe ông Khởi kể về công việc của mình, chúng tôi càng hiểu vì sao người dân quý mến ông.

Vì dân nên dân đồng thuận

TIN MỚI

Return to top