ClockThứ Tư, 18/09/2019 12:22

Công khai minh bạch các khoản thu đầu năm học

TTH.VN - Câu chuyện về thu, chi đầu năm học mới ở các trường lại được nhắc đến với không ít băn khoăn, trăn trở. Tình trạng lạm thu ở nhiều trường vẫn là căn bệnh trầm kha biến tướng dưới nhiều hình thức...

Xử lý nghiêm đối với trường học lạm thu trái quy định“Học phí” đắt

Không đóng góp theo kiểu "cào bằng"

Năm học 2019 - 2020, Thừa Thiên Huế không tăng học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập. Học sinh theo học ở địa bàn thành thị đóng từ 90.000 đến 166.000 đồng/tháng/học sinh; ở địa bàn nông thôn đóng 32.000 đến 79.000 đồng/tháng/học sinh; ở các xã miền núi đóng từ 9.000 đồng đến 30.000 đồng/tháng/học sinh.

Học phí không tăng trong năm học 2019 - 2020 

Ghi nhận từ thực tế, hầu hết phụ huynh đều hài lòng với mức thu học phí. Mối băn khoăn chỉ dồn vào các khoản thu dưới hình thức vận động phụ huynh quyên góp để mua sắm, cải tạo cơ sở vật chất cho trường, lớp... Nhiều năm qua, không ít “con sâu làm rầu nồi canh” khiến phụ huynh nơm nớp lo khoản đóng góp đầu năm.

Chị Nguyễn Thị Thúy, có con đang theo học tiểu học và phổ thông cơ sở trong TP. Huế, cho biết: “Vợ chồng tôi đều là công nhân lao động, đầu năm chỉ tính riêng tiền trường của hai con là trên 4 triệu đồng nên rất khó khăn. Tôi thấy tiền học phí, thu bảo hiểm y tế của nhà trường là hợp lý, còn một vài khoản khác xem ra không ổn. Sắp đến, khi nhà trường tổ chức họp phụ huynh, chúng tôi sẽ có ý kiến”.

Khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục là cần thiết. Tuy nhiên, nhiều trường chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục. Anh Trần Văn Nghĩa, có con học lớp 5, cho hay: Hội phụ huynh đứng ra kêu gọi đóng tiền để mua giường, ti vi cho con xem, đóng góp kiểu này rất ức chế, cứ áp đặt, cào bằng”. Xét cho cùng, các khoản đóng góp tự nguyện để mua sắm trang thiết bị dù người đứng ra vận động là phía nhà trường hay phụ huynh cũng đều sai quy định.

Cũng là một cách ủng hộ nhà trường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, song, cách làm mà Trường tiểu học Phú Cát (TP. Huế) thực hiện được phụ huynh đồng tình. Ý tưởng hình thành con đường hạnh phúc cho học sinh có chỗ vui chơi trong trường với số tiền hàng chục triệu đồng được phụ huynh hưởng ứng. Vấn đề là, nhà trường và phụ huynh có sự bàn bạc thống nhất từ ý tưởng đến cách xây dựng. Hơn nữa, đóng góp không áp đặt, khiến phụ huynh cảm thấy nhẹ nhàng, nhất là hiệu quả của công trình rất thiết thực, góp phần đem lại hiệu quả học tập cho học sinh.

Chấn chỉnh lạm thu

Năm học 2019 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo thể hiện quyết tâm ngăn chặn hiện tượng lạm thu bằng việc tăng trách nhiệm, tăng chế tài để xử lý nghiêm sai phạm.

Các khoản đóng góp tự nguyện phải đúng tính chất tự nguyện (ảnh minh họa)

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, các khoản đóng góp tự nguyện phải đảm bảo đúng tính chất tự nguyện của người dân, tổ chức tài trợ, đóng góp. Tuyệt đối không gợi ý, không lợi dụng danh nghĩa xã hội hóa để tổ chức thu các khoản đóng góp mang tính chất cào bằng, không quy định mức tài trợ tối thiểu. Không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp dưới bất cứ hình thức nào.

Thầy giáo Lê Triều Sơn, Hiệu phó Trường THPT Gia Hội, cho biết: "Nhà trường đã thu các khoản đầu năm theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ quản lý hội phụ huynh ở các lớp trong việc thu và sử dụng nguồn kinh phí hợp lý, tránh dồn những khó khăn trên vai phụ huynh trong đầu năm học".

Ngoài học phí trong quy định, nhà trường có thu hộ các khoản bảo hiểm y tế, phí Đoàn, Đội... Những khoản thu được phép, như: tiền ăn bán trú, chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú, tiền mua học phẩm đối với trẻ mầm non, tiền vệ sinh, tiền nước uống tinh khiết, tiền đồng phục học sinh, phù hiệu trường, thẻ học sinh... Những khoản thu này phải thực hiện trên sự thỏa thuận giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, không mang tính chất dịch vụ mà phải đảm bảo nguyên tắc lấy thu, bù chi, không có chênh lệch…

Sở Giáo dục và Đào tạo lưu ý, Hội Cha mẹ học sinh, chỉ thu những khoản thu để phục vụ cho hoạt động chứ không thu các khoản quyên góp, tài trợ các việc để chi các chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học.

Bà Lê Thị Niềm, phụ huynh ở TP. Huế cho rằng, đại diện hội cha mẹ học sinh cần nắm rõ quy định về thẩm quyền, trách nhiệm thi sẽ không xảy ra tình trạng lạm thu, nhất là các khoản thu "biến tướng". Ngay phụ huynh cần phải góp ý với Hội cha mẹ học sinh để thống nhất và cùng theo dõi việc thu-chi cho đúng.  Đặc biệt, nhà trường phải công khai, minh bạch với các khoản thu này.

Bài, ảnh: Huế Thu

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tránh “lạm thu” đầu năm học

Các khoản thu đầu năm học không vượt quá mức thu tối đa được quy định trong Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND. Điều này giúp các trường không “vượt khung”, tránh xảy ra “lùng bùng” trong các khoản thu đầu năm.

Tránh “lạm thu” đầu năm học
Quy định mới về học phí

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Quy định mới về học phí

TIN MỚI

Return to top