ClockThứ Năm, 10/05/2018 15:03

“Thùng rác thông minh”

TTH - Với mong muốn tạo thuận lợi trong việc giữ gìn vệ sinh lớp học và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nhóm học sinh Trường tiểu học Trường An (TP. Huế) đã chế tạo thành công “Thùng rác thông minh”.

Du lịch... “nhặt rác”48 đề tài được xét trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuậtHương Thủy: 29 sản phẩm tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng

Thùng rác phát huy tác dụng trong việc trực nhật lớp học

Đó là sản phẩm của nhóm học sinh Lê Anh Thư, Lê Nguyên Bảo, Tống Phước Minh Trí và Đinh Hạnh Phương, lớp 3/2 Trường tiểu học Trường An.

“Chúng em có ý tưởng làm “Thùng rác thông minh” nhằm tạo hứng thú và tiện lợi cho các bạn trong việc giữ gìn vệ sinh lớp học, trường học.Ý tưởng của chúng em đã được sự nhất trí và hỗ trợ của thầy cô cũng như bố mẹ...”, Anh Thư chia sẻ. Để làm ra sản phẩm độc đáo này, nhóm học sinh đã tận dụng những sản phẩm đồ chơi cũ như xe điều khiển từ xa, bộ pin dự phòng, thiết bị mạch điện đơn giản từ máy điện thoại cũ; loa từ xe cũ; thùng rác nhựa, khay đồ ăn cũ; dây điện sạc pin, hộp đồ ăn...

Thùng rác được chế tạo thông qua 4 bước chính. Đầu tiên là chuẩn bị các vật dụng cần thiết như trên. Sau đó, tạo cân bằng cho thùng rác khi được đặt lên xe, thử cân bằng, trọng lượng và bố trí thiết bị hộp điện phù hợp, kiểm tra thiết bị cảm ứng, âm thanh. Dùng thùng rác kết dính với khay và xe điều khiển từ xa bằng keo dán, đảm bảo cân bằng trong quá trình di chuyển. Hàn các bo mạch với nhau: bo mạch điều khiển với hệ thống cảm biến sóng siêu âm và thiết bị cần điều khiển, nhận diện của bộ cảm biến sóng siêu âm, với nắp thùng rác được mở. Bước tiếp theo phải cố định các thiết bị, trang trí và cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm.

Để vận hành sản phẩm, các em đã gắn thiết bị vào nguồn 5V. Sau đó di chuyển thùng rác đến trước người bỏ rác, đưa tay đến gần bộ cảm biến (4-5cm) ở nắp thùng rác. Thiết bị cảm biến sóng siêu âm sẽ bật đèn tín hiệu (yêu cầu bỏ rác) bộ điều khiển lập tức mở nắp thùng rác, 5 giây sau thiết bị âm thanh phát ra âm thanh 1: “Xin bỏ rác vào thùng” sau 2 giây nắp đậy lại, đồng thời phát ra âm thanh 2: “Xin cảm ơn”.

Nếu trong quá trình người bỏ nhiều rác có thể giữ tín hiệu lâu (đèn cảm biến đỏ và giữ) ở bộ cảm biến sóng siêu âm thì nắp của thùng rác vẫn giữ nguyên không đóng lại cho đến khi người bỏ rác vào thùng rút tay ra khỏi vị trị cảm biến. Sau đó di chuyển đến vị trí khác. Nếu muốn cố định một chỗ, người dùng có thể tháo thùng rác ra khỏi thiết bị di chuyển, để ở vị trí cố định và các tính năng không thay đổi.

Thùng rác này đã được nhân rộng ra các trường trên địa bàn TP. Huế như ứng dụng sản phẩm linh hoạt trong tiết học thủ công, trực nhật lớp học, lao động dọn dẹp vệ sinh sân trường... Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, giáo viên hướng dẫn các em cho biết, cả 4 em đều học giỏi, nhanh nhẹn và đam mê nghiên cứu khoa học. “Thùng rác trên ứng dụng tốt, giúp các em có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Nó như là một người bạn của các em vì biết di chuyển, biết nói...”, cô Hằng nói.

Sản phẩm của các em đã đạt giải nhì “Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ XI -2018” vừa diễn ra vào tháng 4 vừa qua.

Bài, ảnh: Thế Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo kết nối, mở rộng thị trường

Việt Nam đang ngày càng được biết đến bởi ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo. Trong bối cảnh thế giới cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã bày tỏ mong muốn được tiếp cận và liên kết với doanh nghiệp công nghiệp nội địa.

Cơ hội cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo kết nối, mở rộng thị trường

TIN MỚI

Return to top