ClockChủ Nhật, 13/04/2014 19:49

Các hoạt động trong lễ hội Festival

Khắc họa vẻ đẹp của người lao động Việt Nam: Triển lãm ảnh “Niềm vui của người lao động trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam” của nghệ sĩ Teruyo Iwahory (Nhật Bản) được trưng bày tại khuôn viên Bảo tàng Văn hóa Huế từ chiều 12/4.

Triển lãm trưng bày 40 bức ảnh do nghệ sĩ Teruyo Iwahory chụp về hình ảnh của những người lao động bình thường ở nhiều tỉnh, thành trên đất nước Việt Nam. Với những tác phẩm khắc họa công việc thường nhật của người dân lao động, nghệ sĩ Teruyo Iwahory ca ngợi sự chịu thương, chịu khó của người dân Việt Nam. Đây là lần thứ 3 nghệ sĩ Teruyo tham gia triển lãm tại Festival Huế.
Gần 100 tư liệu về Phú Xuân - Huế từ đô thị cổ đến hiện đại: Ngày 13/4, tại Bảo tàng Văn hóa Huế đã khai mạc phòng trưng bày chuyên đề “Phú Xuân - Huế từ đô thị cổ đến hiện đại”.
Với gần 100 ảnh tư liệu, văn bản, hiện vật gốc..., phòng trưng bày đã giới thiệu một cách khái quát tiến tình hình thành và phát triển của đô thị Huế từ thế kỷ XVII đến nay. Những tư liệu này đã thể hiện bề dày lịch sử văn hóa của Huế - một trong những đô thị cổ của Việt Nam. Sự phát triển trong 4 thế kỷ qua đã để lại những bài học thực tiễn, đó là đổi mới, hội nhập nhưng không đánh mất bản sắc. Phòng trưng bày diễn ra đến ngày 20/4.
Liên hoan chim cảnh toàn quốc: Sáng 13/4, tại Trường THPT Hai Bà Trưng (Huế) đã diễn ra Liên hoan chim cảnh toàn quốc. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2014, nhằm tôn vinh, gìn giữ nét đẹp văn hóa tao nhã về thú chơi chim lâu đời của người Huế nói riêng, người dân cả nước nói chung; góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cộng đồng. Tham dự có 60 CLB chim cảnh của các tỉnh thành trong toàn quốc, với hơn 600 cá thể chim cảnh chào mào và vành khuyên. Có nhiều CLB ở các tỉnh thành xa như Lạng Sơn, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu... cũng đến tham dự liên hoan chim cảnh lần này.
Hội ngộ Festival: Đó là tên triển lãm tác phẩm hội họa và thời trang của Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh) đang được trưng bày tại Gallery Sông Như (14/7 Nguyễn Công Trứ, TP Huế) từ ngày 11 đến 17/4.
Lần đầu tiên tham gia triển lãm tại Festival Huế, Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học quốc tế Hồng Bàng đã mang đến 36 tác phẩm hội họa và áo dài của 10 họa sĩ và nhà thiết kế, như: Hồ Thị Kim Quy, Bùi Phạm Việt, Hoàng Lê Duy, Nguyễn Ngọc Cường...
Bằng các chất liệu phong phú, đa dạng, như: sơn mài, sơn dầu, acrylic, chất liệu tổng hợp và in trên đá, các tác phẩm hội họa đã chuyển tải đến người thưởng lãm thông điệp về tình yêu quê hương, vẻ đẹp đằm thắm của cô gái Huế, khung cảnh thôn quê dân dã… Điểm độc đáo của “Hội ngộ Festival” là sự giao thoa giữa hội họa và thời trang được thể hiện trong mỗi tác phẩm.
Giới thiệu 5 nghìn đầu sách đến độc giả: Từ ngày 12 đến 20/4, Trung tâm Văn hóa Phương Nam (15 Lê Lợi) tổ chức hội chợ sách Phương Nam.
Hội chợ giới thiệu đến độc giả hơn 5.000 đầu sách quốc văn và ngoại văn cùng nhiều loại văn hóa phẩm và văn phòng phẩm. Bạn đọc còn được giới thiệu những ưu thế nổi trội của sách điện tử KoMo (Kon Mọt), như: viết bình luận, chia sẻ trích đoạn, tặng sách… Đặc biệt, tại hội chợ sách, có hơn 2.000 đầu sách được giảm giá đến 50%, nhiều mặt hàng đồng giá 5.000 đồng và rất nhiều quà tặng hấp dẫn khác.
Trưng bày ảnh nghệ thuật Quốc tế VN13: Chiều muộn ngày 12/4, tại phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, không gian nghệ thuật ánh sáng với 4 thể tài gồm chân dung nghệ thuật, thiên nhiên (hoang dã), du lịch và đề tài tự do với 180 bức ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh từ 51 quốc gia, vùng lãnh thổ đã chính thức khai mạc. Bộ ảnh Nghệ thuật quốc tế VN13 được Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) tuyển chọn từ Cuộc thi ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 7 tại Việt Nam với 15.360 tác phẩm của 1.427 tác giả từ 51 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Đây là những tác phẩm nghệ thuật phản ánh sinh động về đời sống văn hóa, sinh hoạt của nhiều quốc gia, dân tộc… Triển lãm lần này giới thiệu 180 bức ảnh xuất sắc nhất về nghệ thuật cũng như giá trị nhân văn.
 
Triển lãm ảnh của 5 nhiếp ảnh gia Huế: Cũng trong chiều 12/4, tại Trường lang Tử cấm thành (Đại nội Huế) đã khai mạc phòng tranh của 5 nghệ sĩ nhiếp ảnh Huế. Các tác giả đã trao tặng người xem bộ ảnh gồm 48 tác phẩm về di tích và lễ hội. Giới thiệu những khoảnh khắc trong khoảng không gian, thời gian được ngưng tụ bởi lát cắt bằng ánh sáng đẹp mà các nhiếp nhả gia Trương Vững, Hồ Ngọc Sơn, Ngô Thanh Minh, Nguyễn Đăng Thạnh và Nguyễn Đức Trí ghi lại.
Cũng trong không gian Trường lang Tử cấm thành, một chùm ảnh về Huế xưa với hơn 250 bức ảnh tư liệu đen trắng về kiến trúc, cảnh quan, con người cùng nhiều sinh hoạt ở Huế vào thế kỷ XX được Trung tâm Bảo tàng di tích Cố đô Huế lựa chọn trong hàng vạn bức ảnh tại các kho tư liệu để giới thiệu cho du khách đến Huế trong dịp Festival thưởng lãm
 
Hội tụ các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay: Trước giờ khai cuộc Festival 2014 chưa đến 6 tiếng, bên bờ sông Hương tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh phối hợp Ban tổ chức Fetival 2014 và các Hội VHNT Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội đã cắt băng khai mạc triển lãm mỹ thuật “Hội tụ - Các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay”.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật 52 tác phẩm mỹ thuật của 46 tác giả đến từ các vùng kinh đô xưa và nay của Việt Nam: Thanh Hóa (10 tác giả, 10 tác phẩm), Ninh Bình (8 tác giả 13 tác phẩm), Hà Nội (10 tác giả 10 tác phẩm) và Thừa Thiên Huế (18 tác giả 19 tác phẩm), các tác phẩm tham gia triển lãm lần này được giới chuyên môn đánh giá cao. Các họa sĩ thể hiện bằng nhiều phong cách khác nhau từ các chất liệu acrylic (Bóng thời gian của Phan Thanh Bình), bút sắt (Bóng xưa của Nguyễn Thiện Đức), khắc gỗ (Xuống chợ của Lê Hải Anh, Kiều của Trịnh Bích Hằng, Hà Nội của tôi của Đinh Lực, Trao áo long bào của Phú Văn…), sơn dầu (Những ô cửa trên sông của Nguyễn Đăng Sơn, Cầu Long Biên chiều thu của Phạm Kim Bình, Phố Hà Nội của Bùi Lan Hương…) đã làm nên một bữa tiệc mỹ thuật thịnh soạn.
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 20/4.
 
Đạp xe đồng hành cùng Festival: Sáng 13/4, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Công ty Huetourist và các cơ quan, đơn vị liên quan đồng thời vận động các doanh nhân, doanh nghiệp hội viên tham gia tổ chức chương trình đạp xe đồng hành cùng Festival “Doanh nhân Thừa Thiên Huế vì môi trường và Thành phố di sản”. Chương trình với sự tham gia của 182 thành viên là đại diện cán bộ, lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là hoạt động tập thể có ý nghĩa nhằm góp phần tạo sân chơi lành mạnh vận động doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong tỉnh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn thành phố di sản ngày càng xanh, sạch, đẹp. Tại các điểm mà đoàn đi qua như Đại nội, Phu Văn Lâu, cầu ngói Thanh Toàn... các thành viên đã cùng tham gia làm sạch đẹp môi trường và các hoạt động sinh hoạt tập thể.
Nhóm PV
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top