ClockChủ Nhật, 18/07/2010 11:49

Đồng hương không “linh” ở khu Geylang!

TTH - Hôm đón tôi từ sân bay Changi về trung tâm thành phố, cô thư ký xinh đẹp Melissa Zehnder của Singapore International Foundation (tổ chức cấp học bổng cho tôi) đã chỉ cho tôi thấy khu Casino đầu tiên của Singapore sẽ mở cửa trong nay mai, tôi thoáng ngạc nhiên. Ở một đất nước nghiêm túc đến ngặt nghèo như Singapore, các khoản ăn chơi, rượu chè, cờ bạc vốn rất nhạy cảm và thường gây nên những luồng dư luận trái chiều, mà chủ yếu là phản đối mạnh mẽ. Vậy mà cũng đã đến lúc phải mở Casino rồi!


Singapore, đảo quốc xinh đẹp - ảnh minh họa từ internet 

Tôi từng đọc một bài báo kể về một sàn nhảy của thanh niên Singapore không thuốc lá, không bia rượu! Ôi thế thì chán lắm! Tưởng đất nước nhỏ bé này chỉ nổi tiếng trong sạch trong hành chính công (Singapore được đánh giá là nước có nạn tham nhũng thấp nhất châu Á - theo một cuộc điều tra hàng năm) ai dè còn trong sạch cả trong chuyện ăn chơi! Tưởng vậy mà không phải vậy, ở đây được ba tuần, nhân có anh bạn từ Việt Nam sang du lịch, tôi đã có dịp đến một nơi chốn tang bồng nức tiếng của đảo quốc sư tử, khu đèn đỏ Geylang!

Bác tài xế taxi vui tính khi biết chúng tôi là người Việt Nam đã xởi lởi hồ hởi ngay: “Ồ, Việt Nam hả? Number One! Tôi yêu Việt Nam! Việt Nam đánh thắng Mỹ! Mỹ chơi xấu! Hết chiến tranh Việt Nam rồi tới Cu Ba, Iran, Irak… Toàn để bán vũ khí thôi!”. Bác tài nổ ngay một thôi một hồi. Đây là điều hiếm thấy, vì phần lớn giới tài xế taxi ở Singapore vốn kiệm lời và thường rất… chảnh!. “Ô kê! Tôi sẽ chở các bạn đến Geylang, vào một quán Tàu vừa ăn vừa ngắm đã đời! Ở đó nhiều gái Tàu, gái Thái, gái Inđo… lắm, tha hồ mà chọn!”. “Có… gái Việt Nam không hả bác tài?”, tôi ngập ngừng hỏi. “Có chứ, tất nhiên rồi!”, bác tài cười xề xề.
 
Quán đông khách, chúng tôi chờ mãi mới có một bàn bên trong. Anh bạn tôi theo thói quen vừa kéo ghế xong rút ngay điếu thuốc 555 đưa lên môi châm lửa, làm một hơi dài! Ông chủ quán đi tới nói ngay: “Xin quý khách thông cảm, ở đây không hút thuốc. Sẽ bị phạt 200 đô à!”, ông chủ quán Tàu vừa nói vừa chỉ vào tấm giấy nhỏ dán nơi cột nhà. “Nhưng ông vẫn đang phì phèo điếu thuốc đó thôi!”, bạn tôi thắc mắc. “Vì tôi đâu có ngồi, tôi chạy lăng xăng à! Ngồi xuống ghế hút thuốc mới bị phạt à! Nếu thèm, anh cứ ra ngoài đường đi tới đi lui mà hút, hút xong lại vào à!”. Buồn cười thế đấy! Ở Singapore riêng việc hút thuốc lá không đúng chỗ sẽ bị phạt rất nặng. Đến 1000 đô nếu anh nhả khói trên tàu điện ngầm, trong các bệnh viện. (Nên nhớ, lương tháng trung bình của một công chức bậc trung chỉ từ 2000 đến 3000 đô!). Ở những nơi đã đời mây khói nhất như các khách sạn, nhà hàng, quán ăn: cấm hút thuốc! Thậm chí những quán ăn ngoài trời, bình dân vỉa hè… vẫn có bảng cấm hút thuốc để ngay trên bàn. Vừa tốn tiền vừa bị truy bức đến như vậy mà người Sing vẫn hút thuốc lá thuộc hạng thượng thừa!
 
Geylang là tên của con phố chính, chạy dài. Ngoài ra có các đường nhỏ cắt ngang, gọi là các Lorong gọi tắt là Lor. Có khoảng 20 Lor như vậy. Đã đến giờ cao điểm, ô là la, dập dìu tài tử giai nhân! Những cô gái đi tới đi lui dọc các vỉa hè. Giữa các khu nhà có một khoảng sân rộng, các cô chiếm lĩnh mỗi người một góc. Những cô gái Tàu khuôn mặt bầu bĩnh, mắt một mí, phấn son đậm đà. Những cô gái Thái tóc búi cao, thanh mảnh. Những cô gái Ấn, Mã, Inđô… quấn xà rông quanh người, đậm đà giữ gìn bản sắc. Trời mưa lắc rắc, các cô cầm dù che nghiêng trông lại càng duyên dáng. Đây đó bày những bàn tổ tôm, xóc dĩa ồn ào náo nhiệt của đám thanh niên bặm trợn theo kiểu “Chơi đi! Chơi nào!” giống hệt ở các khu hội chợ miền quê Việt Nam.
 
Chúng tôi tạt vào một dãy nhà bên phía phải. Mỗi căn chỉ chừng 2 mét bề ngang, phía trước bày một bộ ghế xa lông nhỏ gọn, đèn vàng đỏ lập lòe. Một anh thanh niên bước ra chào mời: “Dãy này toàn gái Thái các bác ạ! Các bác vào đi! 50 đô một em!” Chúng tôi làm vẻ ngơ ngác: “Ủa! thế không phải gái Tàu à?”. “Gái Tàu ở bên kia đường các bác ạ! Vâng các bác qua bên kia nhé!”. Thế đấy. Các bác không chuộng gái Thái thì thôi, đây không có chèo kéo, giành giật mà lại còn hồn nhiên chỉ qua bên kia đường. Ở chốn bồng lai, gì thì gì cũng phải nghiêm túc theo luật.
 

Khu đèn đỏ Geylang - ảnh minh họa từ internet
 
Bên kia đường đúng là dãy của gái Tàu. Những chữ Tàu đỏ chót hoan hỉ treo trước mỗi căn nhà. Đèn lồng đỏ treo nơi thấp nơi cao. Có căn lại còn trương cặp câu đối đón chào trước cổng! Chúng tôi dừng lại trước một căn đèn đỏ đúng hiệu. Phía trước có một quầy lễ tân chật hẹp, gợi nhớ những nhà nghỉ mini ở khu Thượng Đình Hà Nội. Bên cạnh là một bàn thờ ông thần tài nhấp nháy đèn. Đang còn tần ngần tồ ngồ, một chiếc xe hơi trờ tới. Một cô gái Tàu bước xuống xe, đi thẳng vào nhà. Cô đẹp, chiếc áo màu bạc bó sát người ngắn cũn, khoe cặp chân dài. Anh tài xế bước ra sau, người béo mập, ăn vận lịch sự. Thấy chúng tôi còn ngẩn ngơ, anh ta giới thiệu ngay: “Dãy này toàn gái Tàu thôi. Giá dao động từ 80 đến 100 đô một em, 45 phút!” Tôi hỏi: “Có an toàn không?”. Anh ta dướn mắt, nói chắc nịch: “Các bác yên tâm! Ở đây hợp pháp mà! Có giấy chứng nhận sức khỏe hẳn hoi. Kiểm tra hàng tuần đấy!”. Chúng tôi giả bộ… tính toán thiệt hơn, rồi… thủng thẳng bỏ đi! Anh chàng dắt mối coi bộ không xong, bèn nhún vai nói “Cảm ơn!” rồi cứ thế đi thẳng vào nhà, không nói thêm gì!
 
Hỏi dò giá cả, chợt nhớ hồi nãy trong lúc vui chuyện với bác tài xế taxi, bác tài nói ở khu Geylang này trung bình mỗi em là 50 đô mỗi lần đi khách!. Bạn tôi nói: “Thế cũng không quá đắt, bác nhỉ!” Bác tài tròn xoe mắt: “Thế mà còn không đắt à? Các bạn ngồi lên xe của tôi, tôi chở suốt 12 tiếng đồng hồ đi hết cả Singapore này chỉ với giá đó thôi!”. Thực ra, ở đâu mà chẳng vậy, vẫn có những em giá bèo! Những anh thợ xây theo chân công trình đến từ Indonesia, Philippines, Malaysia… mỗi ngày được trả 20 đô tiền công, lấy đâu ra cho thật nhiều để thư giãn gân cốt? Vậy thì cũng có riêng một phường bèo dạt mây trôi giá chỉ từ 14 đến 20 đô qua mỗi độ đường, thế là hết sức bình dân rồi! (Tôi mỗi lần đi cắt tóc hết 15 đô).
 
Chúng tôi băng ngang đường, thấy trước mặt có một quầy thuốc Tây, anh bạn ghé vào định mua một hộp dầu cù là, hai ngày nay chuyển trời cứ sụt sịt mãi. Vừa bước vào thì ôi thôi, hóa ra là một cửa hàng sex (sex shop)! Cửa hàng bài trí đơn giản, chỉnh chu đến buồn tẻ. Còn nhớ mấy năm trước tu nghiệp sáu tháng ở châu Âu, vào một ngày cuối tuần, tôi có dịp theo mấy anh bạn Việt kiều đi ngó nghiêngcác khu đèn đỏ, cối xay gió đỏ nổi tiếng của Bỉ, Hà lan…, thấy các sex shop ở đấy dữ dằn và liêu trai hơn nhiều! Sex shop ở Geylang không có âm nhạc dập dìu, ánh sáng mờ mà không ảo. Vì thế khách cũng lưa thưa. Có anh chàng vào cứ ngắm nghía hàng mãi, rồi ngại ngần mua mấy hộp bao cao su, loại dâu tây, giá 3 đô la một hộp.
 
Lúc nãy ngồi ở quán ăn Tàu, có một ông già Tàu vui tính ngồi cùng bàn, uống cà phê. Bắt chuyện thì ông chẳng nói được gì, vì ông không biết tiếng Anh, chỉ được mỗi một từ “Ô kê!” và… cười hiền lành. Nói gì ông cũng “Ô kê!” hết. Cô phục vụ quán trẻ măng bảo ông già đêm nào cũng ra ngồi ở đây, chỉ toàn ngắm nghía mấy em lượn qua lượn lại. Lâu ngày thành ra thấy em nào đi ngang là ông biết ngay em ấy người nước nào. Ông khoái gọi các em bằng tên đất nước cúng cơm của họ. Thế mới oái ăm. Thỉnh thoảng ông lại gọi: “China!”, “Philippines!”, “Thailand!”, “Indonesia!”… rồi vừa cười coi bộ mãn nhãn lắm, vừa như muốn khoe với mọi người xung quanh. Ở đời có những con người lạ đời, với những thú vui lạ đời! Đêm nào cũng thế, chỉ có thế, xong về nhà ngủ ngon! Chúng tôi mời ông già một ly Heineken, đang uống dở dang thì có mấy cô gái bước vào, tự nhiên kéo ghế ngồi. Ông già Tàu vỗ vai chúng tôi bảo: “Hê! Việt Nam đấy! Việt Nam! Ô kê!” Tôi ngại ngùng hỏi: “Mấy em từ Việt Nam qua thiệt hả?”. Mấy cô gái nghe vậy liền đứng dậy, nhìn nhau, vừa xếp ghế vừa nói: “Ủa! mấy anh cũng người Việt Nam hả?” rồi quay đi, chốc chốc ngoái lại nhìn, cười cười, rồi vẫy tay nói: “Mấy anh thông cảm nha, may xưa, đồng hương không linh!”. Chỉ có thế thôi. Đoạn, một cô trong nhóm, chừng như là chị cả, nói như ra lệnh cho mấy cô gái kia: “Tui nói với mấy bồ rồi nha. Mỗi bàn chỉ ngồi một bồ thôi nha!”…
 
Giọng miền Tây sông nước, trong veo, lảnh lót. Và, “tan biến trong hòa ca”…
 
Phạm Nguyên Tường
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Năm 2005, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước của UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó đến nay, Việt Nam đã 2 lần trúng cử vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (nhiệm kỳ 2006 - 2010 và 2022 - 2026). Điều này cho thấy những đóng góp của Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được công nhận; thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với khả năng đóng góp, năng lực điều hành của nước ta tại các thể chế đa phương toàn cầu.

Dấu ấn Việt Nam sau 20 năm thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

TIN MỚI

Return to top