ClockThứ Bảy, 18/07/2015 07:39

Động lực cho Túy Vân

TTH - Là nơi sơn thủy hữu tình, song núi Túy Vân (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) vẫn thưa vắng bước chân của du khách tham quan.

Nổi tiếng từ lâu

Không phải ngẫu nhiên mà núi Túy Vân được mệnh danh là danh thắng: “Linh Thái, Túy Vân hệ nhị quốc gia chi thắng cảnh” (Linh Thái, Tuý Vân đều là hai thắng cảnh của quốc gia). Ngọn núi nằm ở vị trí đắc địa, nghiêng nghiêng dáng núi bên đầm phá mênh mông. Từ trên đỉnh núi, cả vùng Khu 3 như trong tầm với.
Núi Túy Vân không uy nghi sừng sững mà nhỏ nhắn hiền hòa với các cây cổ thụ và hàng trăm bậc đá lên đến đỉnh núi. Theo lối rêu phong, ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi sẽ hiện ra. Theo Đại đức Thích Minh Chính, Trụ trì chùa Thánh Duyên, lịch sử hình thành của ngôi chùa gắn liền với các vua chúa nhà Nguyễn. Nửa sau thế kỷ 17, chúa Nguyễn Phúc Tần có dịp đi qua núi Túy Vân thấy phong cảnh đẹp, sơn thủy hữu tình nên cho lập một ngôi chùa nhỏ làm nơi cầu phúc cho quốc thái dân an, đặt tên là Mỹ Am sơn.
Đứng chân trên núi Túy Vân ngắm cảnh Tam Giang
Năm 1826, vua Minh Mạng ghé thăm Mỹ Am sơn, thấy cảnh điêu tàn, hoang vu của ngôi chùa cổ, ngài bèn cho xây dựng và đổi tên chùa thành Túy Ba. Năm 1841, vua Thiệu Trị cho trùng tu lại chùa, đổi tên chùa thành Túy Vân. Núi Túy Vân đã được xếp vào hàng thắng cảnh của đất Thần Kinh trong bài thơ đề Vân Sơn thắng tích được khắc lên bia đá dựng bên chùa. Những vị vua kế cận tiếp tục trùng tu và sau này, đổi tên thành chùa Thánh Duyên.
Đại đức Thích Minh Chính, cho biết: “Mặc dù nổi tiếng, song núi Túy Vân và chùa Thánh Duyên ít được du khách quan tâm. Khách hành hương và khách du lịch chỉ đến đây chủ yếu là trong dịp hè, và cũng rải rác…”. Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền,: Hiện nay, tại núi Túy Vân chỉ phát triển hình thức du lịch tự phát, chưa có dự án cụ thể nào đầu tư xây dựng và phát triển. Các dự án ở đây chủ yếu chỉ là trùng tu di tích….
Không những thế, hiện tại sơ sở vật chất của ngôi chùa cổ cũng đang xuống cấp trầm trọng. Phía tây chùa bị xói lở nghiêm trọng, hiện chỉ mới kè đá để hạn chế đất đá bị xói lở thêm. Đáng lo ngại nhất là nhà tăng, mái ngói bị hư hỏng nặng, nhà chùa phải dùng bạt ni lông để che.
 
Cần động lực…
Trước hết, để phát triển du lịch tại khu vực này, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như trùng tu ngôi chùa cổ là việc làm cấp bách. Nhắc đến việc phát triển du lịch tại núi Túy Vân, cũng như quảng bá hình ảnh chùa cổ Thánh Duyên, Đại đức Thích Minh Chính nói: “Hiện tại cơ sở vật chất của nhà chùa đang xuống cấp nghiêm trọng. Vì không được quản lý nghiêm ngặt nên tình trạng lấn chiếm di tích cũng đang diễn ra. Nhà chùa mong các cơ quan chức năng quan tâm hơn đến di tích để vừa bảo tồn ngôi chùa cổ, vừa phát triển du lịch tại khu vực này”.
 Theo Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền-ông Nguyễn Văn Lợi, để phát triển du lịch ở núi Túy Vân, có thể kết hợp du lịch tâm linh với tham quan danh lam thắng cảnh… Ngoài việc đầu tư khu du lịch sinh thái thì việc phát triển cơ sở hạ tầng như nhà hàng, bến đò phụ trợ ở gần đó cũng rất cần thiết. Việc phát triển du lịch cộng đồng cũng rất có tiềm năng ở khu vực này, tuy nhiên, đòi hỏi phải có đề án phát triển cụ thể cũng như một nhà đầu tư đủ năng lực… Ông Lợi nói: “Chỉ cần một dự án đầu tư, tạo động lực thúc đẩy, tiềm năng Túy Vân sẽ được đánh thức”.
Bài, ảnh: Mai Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top