ClockThứ Sáu, 26/10/2018 08:42

Quắt quay cây bứa, cá tràu...

TTH - Loanh quanh bờ bụi một hồi, hai thằng phát hiện cây bứa cao ngất nghểu mọc sát hàng rào chùa Tây Thiên. Trưa nắng, khát nước, trong túi chẳng có đồng nào, nhìn cây bứa trái chín vàng ươm, nước miếng đứa mô đứa nấy tưởng chừng ứa ra cả vũng.

Cháo cá ngạnh cho ngày chuyển mùaLạ mà quen canh củ sen khô mực

Hồi học lớp 6, có lần theo mẹ ngang qua khu vực Nam Giao, Thiên An, trong đôi mắt trẻ con thấy ở đó có gì đó huyền bí lắm. Mà tính trẻ con hay tò mò, rứa là một buổi trưa, rủ thằng bạn hàng xóm mượn... trộm chiếc xe đạp giàn của ông anh nó hay dựng sát cây vú sữa sau nhà, hai thằng nhóc đầu trần khét nắng nhấp nhổm trên yên xe, “cõng” nhau đi “khám phá”.

Bứa còn được mệnh danh là “măng cụt rừng”

Loanh quanh bờ bụi một hồi, hai thằng phát hiện cây bứa cao ngất nghểu mọc sát hàng rào chùa Tây Thiên. Trưa nắng, khát nước, trong túi chẳng có đồng nào, nhìn cây bứa trái chín vàng ươm, nước miếng đứa mô đứa nấy tưởng chừng ứa ra cả vũng.

Chừ thì dạng “hàng độc” chứ thật ra trái bứa với tụi trẻ con hồi đó cũng chẳng lạ lùng chi, nhiều nhà ở thành phố thi thoảng cũng thấy một vài cây mọc hoang mọc dại sau vườn. Và cũng như sim, bồ quân..., bứa được liệt vào hàng trái cây “đặc sản”... của con nhà nghèo, “đẳng cấp” thua xa cóc dầm, xoài xanh chấm tương ớt bày bán trước cổng trường vì cứ ăn xong là mủ bám đầy chân răng. Nhưng cái trò leo trèo, hái trộm với tụi trẻ con còn là niềm vui, vậy nên khi có “cơ hội” thì bứa chín bứa xanh chi cũng hái tuốt tuồn tuột.

Tối qua nhà nó, thấy trên mâm cơm, bên dĩa rau xanh mướt, chén nước mắm đỏ lòm ớt có thêm tô nước rau muống luộc có quả bứa xanh nho nhỏ. Nhìn lạ lạ múc chén ăn thử, ngon ngang mô không biết, chỉ nhớ nó thơm nhẹ dễ chịu, chua thanh và thoang thoảng ngọt khiến mình “dứt” 2 chén liên tiếp.

“Ăn quen bén mùi”, hôm sau mới chiều đã mò sang nhà nó, thấy mẹ nó đang “xử lý” con cá tràu bằng cán rựa ba nó mới câu ở hồ Tịnh Tâm. Mà mẹ nó cũng kỳ công, cắt vây đánh vảy chà nhớt cá xong, bà lôi bộ lòng con cá ra, rạch bao tử, lộn ngược rửa sạch, nhét tất cả vô bụng rồi mới thả vào chảo mỡ đang phát tiếng xèo xèo. Chú cá tràu hơi săn cũng là lúc bà vớt cá ra, bắc nồi canh đã tao qua măng chua, thơm, cà và ớt. Trong lúc chờ nước sôi, bà quay qua như phân bua: “Tau thấy bứa bây hái về có mấy trái còn dính lá non nên đổi món cho cha con hắn. Canh lá bứa cá tràu vị chua ni thanh, ngọt và dịu, chút tau cho ăn thử”...

Lúc ngồi ăn, mẹ nó nhìn thằng con hàng xóm gật gật, rồi bày: “Mi về nói với mạ, luộc rau thì bỏ trái bứa xanh đập dập, nhỏ thôi. Nhưng phải là khi rau đã được vớt ra mới bỏ bứa vô rồi dầm sơ, khi mô thấy đủ chua là dừng. Còn canh lá bứa cá tràu thì bỏ măng chua, thơm, cà ít thôi, nước sôi thì nắm lá bứa thả vô là vừa chua. Lúc ăn nhớ rót thêm miếng mắm cốt dằm ớt xiêm, bảo đảm hết cơm”...

Thời điểm này bứa đã vào mùa, nhưng ngay cả ở những vùng đồi núi như Dương Hòa, Phú Sơn (Hương Thủy)... cũng khó tìm được bởi đa phần người ta chặt bỏ để trồng keo, tràm. May là hôm rồi ngang qua đường Nguyễn Khoa Chiêm, thấy mấy trái xanh, vàng nhìn quen quen lấp ló trong tán lá rậm rạp. Lại gần hóa ra là bứa, mừng húm. Hỏi mệ chủ nhà, mệ nói khi mô chín đều hái đem ra chợ Đông Ba bán, một giỏ năm bảy chục ngàn, thêm thắt đồng quà tấm bánh cho mấy đứa cháu.

Mẹ thằng bạn đã là người thiên cổ, còn nó định cư nước ngoài hơn 20 năm. Nơi đất khách, không biết nó có còn nhớ cây bứa chùa Tây Thiên, nhớ vị chua mà thanh mà ngọt của nước rau muống luộc và tô canh cá tràu lá bứa muốn “lủng nồi” của mẹ nó năm nào...

Bài, ảnh: LÊ TRANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top