ClockThứ Hai, 03/09/2018 11:30

Yêu biển, sá gì hiểm nguy

TTH - Trong muôn vàn cái nghề dưới con nước, nghiệp lặn được xem như nghề… gõ cửa tử thần. Ấy thế mà nơi làng chài Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), có một gia đình gắn bó với nghề này từ bao đời nay...

Biến tiềm năng biển, đầm phá thành thế mạnh phát triển kinh tế

1. Làng chài nhỏ bé này từ lâu nổi tiếng là “thủ phủ” của những tay lặn biển cừ khôi. Cánh thợ lặn nơi đây lang bạt khắp nơi để đo “độ sâu con nước”.

Ông Phan Văn Nhiên kiểm tra hệ thống điện để chuẩn bị cho chuyến câu mực

Gặp lại ông Phan Văn Nhiên (77 tuổi, thôn Bình An 2) lúc ông ngồi bên hiên nhà “phơi mặt” tận hưởng gió biển. Thấy người quen ông cười thành tiếng: “Chú về lúc mô, bữa chừ có đi biển không?”, rồi rót ly nước chè đặc mời khách, mắt hướng về phía cảng Chân Mây…

Đây không phải lần đâu tôi "hầu" chuyện ông Nhiên, cứ mỗi lần có việc ở Lộc Vĩnh, tôi lại ghé ngang khoảng đất rộng hơn ngàn mét vuông, nơi có những ngôi nhà hình hộp cấp 4 san sát nhau. Đó là tài sản của mấy cha con ông gây dựng được suốt cả đời theo nghiệp lặn biển.

Bào ngư ngâm rượu, một trong những loại hải sản có giá trị

Với nhiều người, nhắc đến nghề lặn phải sởn gai ốc nhưng ông Nhiên thì tự hào lắm. Ông bảo, khắp cả miệt biển Phú Lộc, chỉ gia đình ông là mấy đời lặn biển và bây giờ khi mà không ít ngư dân đã “dờm” với nghề thì ông cùng 5 đứa con trai vẫn còn mải mê đo nước biển nông sâu.

Tôi chẳng lạ gì nghề lặn, không phải vì lớn lên cạnh con sóng mà từng nhiều lần tiếp xúc với những người theo nghiệp này. Mặc cho tôi hiểu nghề đến chừng nào, ông Nhiên vẫn tỉnh bơ: “Theo nghề lặn, bàn chân nứt toác vì dẫm phải những viên đá sắc nhọn hay hụt hơi dưới độ sâu vài chục mét là chuyện bình thường. Còn chuyện trầy chợt, xây xát tay chân thì có nhằm nhò chi” - “Thế còn chuyện... chết thì sao?” – tôi hỏi. Ông không trả lời thẳng câu hỏi mà im lặng, mắt nhìn xa xăm. Tôi hiểu sự im lặng đó là bởi tại các vùng khác, người theo nghiệp lặn chịu vô vàn gian truân và không ít người nằm mãi dưới đáy đại dương. Và ở ngay chính Lộc Vĩnh này, cũng đã có người trôi theo con sóng. “Sinh nghề tử nghiệp là chuyện thường tình. Biết hiểm nguy chứ, nhưng đã "lỡ yêu" biển rồi biết làm răng…”, ông Nhiên cười.

Cơ ngơi của gia đình ông Nhiên

Ở tuổi bạn bè đồng trang lứa chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, ông Nhiên còn minh mẫn, khỏe mạnh. Và thật lạ là hàng ngày ông vẫn theo những đứa con mình lặn lội khắp các mặt nước để mưu sinh. Ông tự thuật về nguyên cớ bản thân gắn bó với nghề thế này: Sinh ra trong gia đình làm ngư, từ nhỏ ông cùng cha theo đuôi tôm cá. Cách đây hơn nửa thế kỷ, vì không có thuyền bè vươn khơi, ông theo cha lang bạt khắp nơi để mưu sinh. “Đời lặn biển mà chú, nay đây mai đó. Tụi tui không có tàu to nên phải mưu sinh bằng nghề ni. May mà nhờ lộc biển dồi dào nên cứu được qua những mùa đói. Lúc được phải lang bạt khắp nơi lặn, mà chỉ lặn bộ thôi. Độ hơn chục năm trở lại đây, cha con tui chỉ mưu sinh quanh mặt nước biển Phú Lộc như khu vực cảng Chân Mây, Lăng Cô. Thi thoảng biển “bạc”, những đứa con mới vào Đà Nẵng để lặn thuê. Vừa rồi mấy đứa nhỏ (con ông) sắm được chiếc thuyền 24CV để mưu sinh. Nghề lặn tụi tui cũng không trang bị vòi hơi mà lặn bộ dưới độ sâu 5-7 sải tay người lớn”, ông Nhiên chia sẻ.

2. Vùng biển Lộc Vĩnh được trời phú cho nhiều loại hải sản có giá trị. Với các vùng biển khác, sau những mùa cá ngư dân có thời gian nghỉ ngơi nhưng nơi đây thì xuống nước quanh năm. Gia đình ông Nhiên cũng vì thế tựa vào biển chẳng muốn rời. Dịp ghé thăm nhà ông lần này, tôi may mắn được “diện kiến” anh em nhà họ Phan mà hiếm khi được gặp trong nhiều lần trước đó. Họ ở trần, mặc quần xà lỏn, ngồi hát karaoke dưới tán dương liễu cạnh bãi biển. Gặp mặt, anh chàng da rám nắng, tóc đỏ chói vội tạm ngưng phần nhạc, bắt tay rồi giới thiệu một lèo: “Đây là Phan Văn Đen, đó Phan Văn Hiếu, nằm ở võng kia là Phan Văn Thuận, anh cả Phan Văn Phước đi biển từ sớm rồi, hiếm khi ông ở nhà. À, còn tui tóc đỏ, tên là Phan Văn Đỏ”, rồi tiếp tục phân bua: “Mùa ni tụi tui cũng không rảnh, chỉ thư thả buổi trưa, đến chiều đi câu mực rồi”.

Phơi rong mứt

Kế nghiệp tổ tiên, 5 anh em nhà họ Phan là những tay biển “có hạng”, nhìn hình dáng khó lẫn vào đâu, chỉ mô tả ngắn thế này: “Mắt him, thân hình lực lưỡng, da dẻ cháy đen, bàn tay chai sần”. Về xã Lộc Vĩnh chỉ cần hỏi người nào lặn tôm hùm, bào ngư giỏi thì y như rằng người dân ở đây chỉ ngay 5 anh em họ. “Ở đây đa số nhà mô cũng có người lặn biển nhưng chỉ gia đình tui cả nhà đều lặn biển mưu sinh. Dù mưa hay nắng, biển cũng không vắng anh em tui”, anh Phan Văn Hiếu tự hào.

Quả vậy, nhờ lộc biển, anh em họ Phan suốt năm nằm trên mặt nước. Lúc mặt nước êm, xanh trong, họ lặn bắt bào ngư, tôm hùm, ghẹ, ốc..; nếu trời trở, nước đục thì dong thuyền câu mực vào buổi đêm. Mùa đông, họ cũng không ở nhà nghỉ ngơi mà lang thang bên các ghềnh đá cạo rong mứt. Thậm chí có người trong số họ đi dài ngày vào tận Quảng Nam, Đà Nẵng mưu sinh. Công việc cứ thế xoay vòng từ năm này sang năm khác.

Trong số 5 anh em nhà họ Phan, anh Phan Văn Thuận khác biệt hơn cả, khác bởi giọng nói rặc miền Nam. Hỏi chuyện mới biết, anh có thời gian dài mưu sinh xứ người. “Với nghề lặn, ở Huế mình có nhằm nhò chi so với các tỉnh vùng biển khác. Tui làm nghề ni mấy chục năm rồi nhưng thời gian làm ở Huế không dài bằng chỗ khác. Lúc trước, khu vực biển quanh cảng Chân Mây này có nhiều loài hải sản giá trị lắm, nhưng nay thì ít rồi. Bởi vậy mà thỉnh thoảng tui lại vào Quảng Nam hành nghề. Thật tình nghề ni vất vả và hiểm nguy lắm, lúc trước tui có thời gian dài lặn biển ở Vũng Tàu. Bởi không có vốn liếng đóng tàu lớn và cũng chẳng học hành đến nơi đến chốn để kiếm nghề khác nên anh em tụi tui bám riết nghề này. Sinh ra ở biển nên phải bám biển mà thôi”, anh Phan Văn Thuận trải lòng.

Dẫu là những tay lặn biển lâu năm, chuyên “truy tìm” những loại hải sản có giá trị như tôm hùm, bào ngư, nhưng cơ ngơi 5 anh em họ Phan chẳng có gì đáng giá ngoài những căn nhà cấp 4 diện tích áng chừng hơn 50m2. Hỏi chuyện thu nhập và làm giàu, anh Phan Văn Đỏ xua tay: “Ở biển ai có tàu to mới nghĩ chuyện làm giàu, chứ tụi tui theo nghề lặn chỉ kiếm được cái ăn, "hung lắm xây được ngôi nhà để ở. Lặn bào ngư, tôm hùm cũng được vài tháng mà thôi và không như lúc trước, những loại sản vật ni chừ hiếm rồi, mỗi ngày lặn bắt được vài ba cân là cùng, có khi đi về tay trắng. Chừ trông sang mùa đông để cạo rong mứt, thứ đó chính là nguồn thu nhập chính trong cả năm”.

Sau cuộc vui, anh Phan Văn Đỏ mời tôi vào thăm nhà, uống trà trước khi anh em họ có chuyến mưu sinh. Căn nhà khá đơn sơ, vật dụng không nhiều thứ có giá trị. Đỏ cho biết, để xây được nhà anh vay ngân hàng hơn 40 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể trả. Một mình anh mưu sinh nuôi cả gia đình, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng chỉ đủ để chạy chợ, nuôi con ăn học nên nợ nần vẫn cứ đeo bám. Cũng như anh, anh Đen cũng vay tiền để sửa chữa nhà cửa. Dù thế, họ vẫn vượt qua khăn, sống với đam mê lặn biển, đó không chỉ là nghề mưu sinh mà còn tình yêu với biển cả được hun đúc từ đời này đến đời khác...

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiểm nguy khi sang đường tùy tiện

Đi bộ qua đường không đúng quy định đã và đang là thói quen của nhiều người. Hành động này không những gây cản trở giao thông, mà còn là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn.

Hiểm nguy khi sang đường tùy tiện
Thú vui hiểm nguy

Một bộ phận người trẻ Huế đang lao vào những thú vui tiềm ẩn hiểm họa khôn lường; trong số đó, hút shisha như… trào lưu thời thượng.

Thú vui hiểm nguy
Những người lính cứu nạn, cứu hộ

Thường xuyên đối mặt với gian khó, hiểm nguy, đứng giữa lằn ranh sinh tử để chiến đấu, giành giật lại sự sống, mất mát cho người dân, nhiều năm qua, lực lượng làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, thuộc Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CSPCCC, CNCH) Công an tỉnh luôn nỗ lực quên mình.

Những người lính cứu nạn, cứu hộ
Đối mặt hiểm nguy

Chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CC và CNCH) là công việc vô cùng nguy hiểm. Thế nhưng, các cán bộ, chiến sĩ của Đội công tác CC và CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh không quản ngại khó khăn, sẵn sàng xông pha nơi nguy hiểm để cứu người, cứu tài sản cho Nhân dân.

Đối mặt hiểm nguy
Những người lính không sợ hiểm nguy

Đối với cán bộ, nhân viên đang công tác tại Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, ở đâu có bom mìn, vật liệu nổ sót lại là họ lại có mặt. Họ được mệnh danh là “Những người lính không sợ hiểm nguy”.

Những người lính không sợ hiểm nguy

TIN MỚI

Return to top